IMDS thành công vượt quá cả sự mong đợi. Đặc biệt là từ những hãng đóng tàu, thiết bị hải quân lớn trên thế giới.
Chiến hạm các nước tại IMDS-2013
Theo các chuyên gia, xu hướng chính của thế giới là giảm số lượng các tàu lớn, tập trung vào các tàu hạng vừa và nhỏ. Điều này chứng minh bằng thực tế rằng, các hộ tống hạm hiện đại ngày nay có hỏa lực và tên lửa chống hạm mạnh hơn hẳn so với các tuần dương hạm hạng nặng của thập kỷ 1970.
Nhiều nước đặc biệt quan tâm tới việc phát triển các tàu hộ tống (Corvette) và khu trục nhỏ hoạt động ở vùng nước nông với tải trọng từ 2.500 tới không quá 4.000 tấn với vũ khí tên lửa, phi hành đoàn từ 150 – 180 người và 1 – 2 trực thăng trinh sát/chống ngầm/vận tải… trên boong sau.
Tại IMDS-2013 này, các chuyên gia đánh giá cao khả năng chiến đấu của các tàu hộ tống Nga thuộc lớp "Gepard-3.9" - dự án 11661E, tạo ra trên cơ sở của các tàu hộ tống 11661K với kết cấu có khả năng tàng hình. Hiện ngoài hai chiếc đang biên chế trong Hải quân Nga, Việt Nam là nước sở hữu hai chiếc Gerpard 3.9 từ năm 2011 với tên gọi Đinh Tiên Hoàng và Lý Thái Tổ.
"Gepard-3.9" có thể hoạt động độc lập một cách hiệu quả hoặc trong một nhóm tàu với các nhiệm vụ chịu tuần tra, bảo vệ biên giới biển và khu kinh tế, hộ tống các tàu chiến, tàu vận tải...
Tàu chiến lớp 11661 này có lườn và cấu trúc thượng tầng chủ yếu được chế tạo từ thép, với một số hợp kim nhôm-magiê được dùng ở phần trên của cấu trúc thượng tầng. Kiểu kết cấu và lườn giúp chúng hạn chế được khả năng bị phát hiện bởi các radar phản xạ thông thường. Hệ thống khoang tàu với 10 khoang kín nước, bên ngoài được trang bị vây ổn định và các bánh lái kép giúp tàu có độ ổn định cao. Hệ thống truyền động theo cấu hình CODOG 2 trục được cung cấp lực đẩy sự kết hợp giữa 2 động cơ diesel loại 61D (công suất 8.000 mã lực) sử dụng đi đường trường và 2 động cơ turbine khí (29.300 JP) cung cấp tốc độ cao trong chiến đấu lên đến 28 hải lý/giờ.
Hai "vua" trong biên chế Hải quân Việt Nam
Gepard được cấu hình có khả năng sử dụng các vũ khí trong mức biển động lên tới cấp 5. Hệ thống vũ khí được thiết kế mở, cho phép cấu hình hệ thống vũ khí linh hoạt trong cả phòng không, chống ngầm và hỏa lực tấn công.
Hệ thống Radar bao gồm radar phát hiện mục tiêu trên không MR-352 "Poritiv" có tầm phát hiện lên đến 130 km, radar điều khiển cụm hỏa lực "Monolit", radar điều khiển tên lửa phòng không MPZ-301 "Baza", radar điều khiển pháo phòng không MR-123 Vympel.
Hệ thống tác chiến điện tử có thể được trang bị cho tàu gồm các thiến bị gây nhiễu chủ động và thụ động, cũng như 2 bệ phóng 8 ống tên lửa phản công PK-16.
Ngoài ra, tùy vào cấu hình mà tàu có thể được trang bị:
Hệ thống pháo-tên lửa phòng không hạm tàu tự động hoá phòng thủ tầm gần Palma-SU. 8 hoặc 16 tên lửa chống tàu SS-N-25 Switchblade (2 hoặc 4 bệ phóng, mỗi bệ gồm 4 ống phóng). 1 Hệ thống tên lửa đất đối không Osa-M (một bệ phóng kép, 20 tên lửa SA-N-4 Gecko). 2 Igla-M; 1 súng pháo bắn nhanh lưỡng dụng 76,2 mm/L 59 AK-176 (500 viên đạn); 2 pháo gatling 6 nòng 30 mm AK-630 (2,000 viên đạn/khẩu). 4 ống phóng ngư lôi 533 mm (hai bệ phóng kép). 1 bệ phóng tên lửa RBU-6000 12 ống chống tàu ngầm
12 đến 20 ngư lôi. Hệ thống hangar và sàn đáp cho trực thăng Ka-28. Thiết bị định vị thủy âm ở độ sâu khác nhau VDS
Tại triển lãm IMDS-2013 này, phía Nga cho biết, hai tàu hộ tống dự án 11661E tiếp theo được xây dựng cho Hải quân Việt Nam sẽ bàn giao trong năm 2016 và 2017 với những tính năng vượt trội hơn hẳn so với hai chiếc đầu tiên.
Nhiều nguồn tin nhận định, 2 chiến hạm mới này cho Việt Nam sẽ được hiện đại hóa sâu hơn, đặc biệt là tăng cường khả năng chống tàu ngầm mạnh mẽ, nhằm bù đắp cho lỗ hổng tác chiến của hai chiếc Gepard 3.9 đã được biên chế cho Hải quân nhân dân Việt Nam.
Phong Nhĩ