Nhớ mãi chuyến thăm cách đây 10 năm của Tổng Bí thư
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng ra đi đã để lại muôn vàn tiếc thương với đồng bào cả nước, đặc biệt là những bà con các dân tộc thiểu số ở xã Hồng Hạ, huyện A Lưới (Thừa Thiên-Huế).
Tại xã Hồng Hạ, hiện vẫn còn hai công trình được bà con rất trân quý. Đó là công trình nhà Gươl truyền thống và cầu dân sinh Ưng Hồng, bắc qua thượng nguồn sông Bồ.
Già làng Pi Hôih Cu Lai (Nguyễn Hoài Nam, 77 tuổi, người Cơ Tu, trú ở xã Hồng Hạ) cho biết, cách đây 10 năm, vào một tháng đầu năm 2014, bà con xã Hồng Hạ (huyện A Lưới) vinh dự được đón Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và đoàn công tác Trung ương đến thăm, khảo sát tình hình xây dựng nông thôn mới, chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi, xóa đói, giảm nghèo, phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.
“Không chỉ bản thân tôi mà cả Đảng bộ, chính quyền và nhân dân xã Hồng Hạ rất tự hào khi được Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đến thăm. Bởi Hồng Hạ còn rất nhiều khó khăn, là một trong những huyện nghèo nhất nước, giao thông đi lại cách trở, nhưng Tổng Bí thư đã vượt đường xa đến với bà con và rất gần gũi, quan tâm đời sống người dân”, Già làng Pi Hôih Cu Lai xúc động chia sẻ.
Nhớ lại thời điểm đó, Già làng Pi Hôih Cu Lai cho biết, trước khi làm việc với địa phương, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã đến thăm vườn cao su ở thôn Cân Tôm, trạm y tế và trường học của con em xã Hồng Hạ.
Đi đến đâu, Tổng Bí thư cũng dặn dò bà con chăm sóc tốt cho cây trồng, phấn đấu làm ăn. Tổng Bí thư cũng quan sát kỹ cơ sở vật chất của trạm y tế, trường học có đảm bảo, được vệ sinh sạch sẽ hay không.
Dấu ấn về niềm tin son sắt với Đảng, Nhà nước và Tổng Bí thư
Ông Hồ Viết Lương, Chủ tịch UBND xã Hồng Hạ nhớ lại, thời điểm đó, lúc Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đến thăm, khu tái định cư Cu Mực - Căn Hoa, nơi sinh sống của 66 hộ dân bị cách trở bởi con sông Bồ. Người dân muốn ra ngoài phải lội qua sông, vào mùa mưa lũ, nơi đây bị cô lập hoàn toàn với bên ngoài.
Sau khi thay mặt Đảng ủy xã và nhân dân báo cáo tình hình thực tế với Tổng Bí thư, ông Hồ Viết Lương đã mạnh dạn đề xuất chủ trương xây dựng 2 công trình là cầu Ưng Hồng bắc qua thượng nguồn sông Bồ, nằm trên tuyến đường dẫn vào khu tái định cư Cu Mực - Căn Hoa và 1 công trình nhà Gươl truyền thống - có ý nghĩa quan trọng trong văn hóa tinh thần, đời sống xã hội và tín ngưỡng của đồng bào các dân tộc thiểu số nơi đây.
“Với đề xuất thiết thực này, Tổng Bí thư đã đồng ý ngay và chỉ đạo bộ, ban, ngành Trung ương phối hợp chính quyền địa phương triển khai các thủ tục đầu tư xây dựng", ông Lương chia sẻ.
Theo Chủ tịch UBND xã Hồng Hạ, cầu Ưng Hồng được xây dựng hoàn thành với tổng vốn khoảng 13 tỷ đồng. Cây cầu giúp người dân khu tái định cư Cu Mực - Căn Hoa đi lại thuận lợi, giao thương hàng hóa với bên ngoài, qua đó phát triển kinh tế hộ gia đình.
Còn với công trình nhà Gươl truyền thống, trước thời điểm Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đến thăm, công trình có ý nghĩa quan trọng này đã mai một. Địa phương và người dân rất muốn phục dựng nhà Gươl để bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống, nhưng do điều kiện khó khăn nên chưa thực hiện được.
Ông Lương thông tin, công trình nhà Gươl truyền thống xã Hồng Hạ được khánh thành, đưa vào hoạt động từ năm 2018. Với các hạng mục: nhà Gươl, sân thể thao, không gian ngoài trời để trưng bày hiện vật, không gian sinh hoạt các lễ hội đặc trưng, hệ thống đường nội bộ, cây xanh, thảm cỏ… Công trình đã góp phần đảm bảo điều kiện sinh hoạt văn hóa cộng đồng, tổ chức các lễ hội truyền thống, đáp ứng việc bảo tồn giá trị văn hóa vật thể và phi vật thể của đồng bào các dân tộc xã Hồng Hạ nói riêng và huyện A Lưới nói chung.
Chủ tịch UBND xã Hồng Hạ cho biết, 2 công trình nói trên không chỉ giúp địa phương khắc phục những khó khăn, tồn tại trước mắt mà còn tạo động lực để địa phương phấn đấu vươn lên trong lâu dài.
Hai công trình này không chỉ là dấu ấn về niềm tin son sắt của bà con xã Hồng Hạ với sự lãnh đạo của Đảng, Nhà nước mà còn là biểu tượng về tình cảm của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng dành cho bà con các dân tộc thiểu số.
Thông tin từ UBND xã Hồng Hạ, hiện nay, bên cạnh lĩnh vực nông nghiệp, người dân Hồng Hạ đã phát triển thêm nhiều mô hình sinh kế mới, đặc biệt là loại hình du lịch cộng đồng gắn với nhà Gươl và các lễ hội, món ăn truyền thống, thế mạnh địa phương.
Nếu năm 2014, tổng mức thu nhập bình quân đầu người của xã Hồng Hạ là 14 triệu đồng/người/năm thì đến cuối năm 2023 đã tăng lên 31,5 triệu đồng/người/năm
Lê Kông - Thảo Vi