Được xác định lần đầu tiên cách đây hơn một thập kỷ, người Denisovan là họ hàng gần nhất được biết đến của người hiện đại, cùng với người Neanderthal.
Phân tích ADN thu được từ hóa thạch Denisovan cho thấy họ có thể đã từng hiện diện ở khắp lục địa châu Á, hải đảo Đông Nam Á và châu Đại Dương, đồng thời tiết lộ rằng có ít nhất hai nhóm Denisovan khác biệt lai với Homo sapiens, tổ tiên của người hiện đại chúng ta.
Cho đến nay, các nhà khoa học mới chỉ phát hiện được khoảng 6 hóa thạch Denisovan. Trong đó 5 được khai quật trong hang Denisova ở Siberia, còn lại ở hang động Baishiya Karst nằm trên cao nguyên Tây Tạng. Nhưng hầu hết chỉ là những dấu vết mờ nhạt, ví dụ như DNA lẫn trong trầm tích của hang động thiêng ở Tây Tạng hay một vài mảnh xương lẻ trong tình trạng không thực sự tốt.
Vì vậy, bấy lâu người Denisovan vẫn tồn tại như một "loài người ma" trong cây gia phả nhân loại - không có hài cốt hoàn chỉnh, nhưng DNA dị chủng từ họ vẫn xuất hiện trong cơ thể nhiều người hiện đại, đặc biệt là người châu Á.
Tuy nhiên lần này, hang Denisova đã cung cấp tới 3.791 mẩu xương hóa thạch với nhiều mẫu vật trong tình trạng đủ tốt để tìm kiếm các protein đặc trưng trong DNA của người Denisovan.
“Chúng tôi vô cùng phấn khích khi xác định được ba bộ xương Denisovan mới trong số các lớp lâu đời nhất của hang Denisova", tác giả chính của nghiên cứu Katerina Douka, nhà khảo cổ tại Đại học Vienna ở Áo, cho biết.
Cụ thể trong nghiên cứu mới, các chuyên gia đã kiểm tra 3.791 mẩu xương từ hang Denisova. Trong số những mảnh vụn này, họ xác định được 3 bộ thuộc về người Denisovan. Các hóa thạch đã 200.000 tuổi, là những người Denisovan cổ nhất từng được tìm thấy. Trước đây, những mẫu vật Denisovan sớm nhất được biết đến là khoảng 122.000 đến 194.000 năm tuổi.
Ngoài ra nhóm nghiên cứu còn tìm thấy rất nhiều đồ tạo tác bằng đá và dấu tích động vật, có thể là những manh mối quan trọng về cuộc sống và hành vi của người Denisovan.
Những người Denisovan mới được tìm thấy này có vẻ như đã sống trong thời kỳ khí hậu ấm áp, có thể so sánh được với ngày nay, trong một khu vực thuận lợi cho cuộc sống con người bao gồm các khu rừng lá rộng và thảo nguyên mở. Những hài cốt động vật bị thiêu hủy và bị đốt cháy được tìm thấy trong hang cho thấy người Denisovan có thể đã ăn hươu, nai, linh dương, ngựa, bò rừng và tê giác lông mịn.
Các công cụ đá họ sử dụng mang đặc điểm tương đồng với các công cụ 250.000-400.000 tuổi từng được tìm thấy ở Israel, đánh dấu một thời kỳ các loài người cổ đạt đến những thay đổi lớn về mặt công nghệ và biết sử dụng lửa. Nhưng các đồ tạo tác ở Israel thuộc về các loài người khác. Đây là lần đầu tiên vật dụng từ người Denisovan được tìm thấy.
Denisovan ước tính tuyệt chủng khoảng 30.000 năm trước. Cũng giống như người Neanderthals, họ hôn phối dị chủng với người Homo sapiens của chúng ta rất nhiều, do đó để lại nhiều dấu tích trong DNA của một số cộng đồng người hiện đại. Thời điểm Homo sapiens xuất hiện, trên Trái Đất có khoảng 8-9 loài người khác nhau, nhưng lần lượt tuyệt chủng, chỉ trừ chúng ta.
Minh Hoa (t/h)