(Dù không phải tất cả mọi người nhưng hãy cứ gọi là chúng ta đi. Vì có thể hành trình này đã có nhiều người bước qua).
Nếu coi phong bao lì xì là một cây cầu màu đỏ vậy chúng ta bắt đầu từ đâu?
Là khi ta còn chưa có ý thức, khi đôi bàn tay yếu ớt chưa thể giữ lấy món quà của những người xa lạ. Tuy nhiên khi ấy ta còn chưa có nhận thức, những phong bao ấy tuy trao cho ta nhưng cũng không hẳn là dành cho ta. Nó có ý nghĩa với người đang bế bồng ta trên tay hơn.
Ý nghĩa của nó bắt đầu khi chúng ta biết gật đầu cảm ơn mỗi khi nhận được phong bao. Bố mẹ chỉ cho ta những phong bao ấy mang đến niềm vui, rằng chúng ta nên cảm thấy hạnh phúc mỗi khi nhận được nó.
Một thời gian sau chúng ta hiểu được rằng không phải lúc nào ta cũng được trao niềm vui ấy. Những phong bao chỉ xuất hiện trong một thời điểm nhất định. Khi mà niềm vui tràn ngập khắp thôn xóm, phố phường, khi mọi thứ trở nên nhộn nhịp và nô nức hơn thường lệ.
Bố mẹ nói “thời điểm” ấy được gọi là “Tết” và những phong bao đỏ ta nhận được chỉ là một trong những niềm vui mà “Tết” mang đến. Việc trao lì xì ấy được gọi là “mừng tuổi”.
Đến một lúc ta có thể phân biệt được những niềm vui khác nhau. Rằng niềm vui được ăn ngon khác với niềm vui được ăn mặc đẹp, sự phấn khích được đi chơi xuân cũng không giống khi người lớn trao cho ta phong bao lì xì.
Rồi cũng đến lúc ta tự bảo với mình rằng những phong bao ấy chính là niềm vui lớn nhất trong những “thời điểm” Tết.
Phong bao lì xì là một túi giấy nho nhỏ, trông giống như chiếc phong bì dùng để gửi thư nhưng nhỏ hơn, đẹp hơn và đỏ rực. Bên trong phong bao lì xì là những tờ giấy nhiều hình nhiều chữ được gọi là “tiền”.
Mẹ bảo tiền đối với người lớn rất quan trọng, dùng để mua đồ ăn, áo quần còn những tờ tiền trong phong bao lì xì thì chỉ mang ý nghĩa chúc may mắn thôi. Mẹ nói mẹ sẽ giữ hộ cho chúng ta. Đúng thật những tờ tiền kia không đẹp bằng phong bao lì xì nên ta đưa cho mẹ.
Ngày ta học đếm cũng là lúc ta biết hơn thua. Dù hơi nhiều số 0 nhưng ta vẫn biết gộp vào tổng số tiền mà ta nhận được. Hiển nhiên ta vẫn phải đưa cho bố mẹ, nhưng chúng ta biết được con số, để lên lớp so đo cùng chúng bạn, hơn thua với anh chị, để xem ai là người được lì xì nhiều hơn.
Khi ta lớn hơn nữa, ta hiểu được sự quan trọng của “tiền” trong lời mẹ nói. Vì lí do gì đó bố mẹ rất cẩn thận với những tờ tiền trong phong bao kia. Ta biết ta có thể tự đi mua kẹo, tự mua đồ chơi vậy nên ta vẫn muốn giữ lại một chút tiền lì xì.
Giá trị của đồng tiền mỗi ngày một lớn, cuộc sống của chúng ta bắt đầu có sự song hành của đồng tiền. Muốn đi chơi với bạn bè chúng ta không thể đi tay không, muốn mua những thứ có giá trị thì ta phải tích góp. Dần dần ta không còn quan tâm đến lớp phong bao màu đỏ bên ngoài nữa.
Và bỗng dưng Tết trở thành một dịp tốt để kiếm tiền. Tiền lì xì sẽ chi trả cho những kế hoạch xa xỉ trong năm, như những chuyến đi chơi hay một chiếc máy chơi game mới,… Vui lại càng vui.
Nhưng niềm vui ấy dần nhuốm màu của nỗi buồn. Chúng ta than thở rằng Tết năm nay thất thu hơn năm ngoái. Ta thì thầm vào tai nhau rằng chú này lì xì ít hơn cô kia, ta thấy vui vẻ lạ thường khi gặp những vị “khách sộp” luôn lì xì ta rất hậu hĩnh.
Và khi ta thực sự hiểu được giá trị của đồng tiền là lúc ta không còn được lì xì nữa.
Chúng ta tốt nghiệp, ta ngừng đi học, ta bắt đầu đi làm, kiếm tiền, ta không còn là những người được nhận lì xì nữa, ta trở thành những người trao lì xì.
Đó là một bước chuyển giao lớn, ai cũng sẽ phải trải qua, nhưng đôi khi nó không diễn ra một cách dễ dàng. Ta cảm thấy việc lì xì cho các em nhỏ trở thành trách nhiệm, thể hiện danh dự của bản thân, là thước đo để người khác đánh giá sự thành công của mình. Tuy nhiên ẩn sau những nụ cười khi ta trao phong bao màu đỏ là sự tính toán lo lắng.
Làm sao tránh được những dòng suy nghĩ ấy khi ta mới chỉ ở những bước đầu tiên của cuộc sống này.
Có thể sau này ta sẽ không còn phải lo nghĩ quá nhiều về nó, có thể đến một ngày ta sẽ trao những phong bao này bằng niềm hạnh phúc thật sự.
Nhưng đấy là chuyện của tương lai, tôi hiện tại mới bước đến giai đoạn này thôi.
Tết năm nay, tôi học cách thay đổi, từ người nhận lấy hạnh phúc thành người trao đi hạnh phúc.
Bá Di