Công an thị xã Từ Sơn (Bắc Ninh) đã bắt hai đối tượng Hoàng Như Quỳnh và Nguyễn Bình Phú (đều 18 tuổi, trú ở xã Bình Phú, TP. Tuyên Quang, tỉnh Tuyên Quang), cả hai được xác định gây ra vụ dùng dao tấn công tài xế nhằm mục đích cướp tài sản.
Theo tài liệu cơ quan công an, do không có công ăn việc làm ổn định lại thích chơi bời nên hai đối tượng trên từ Tuyên Quang xuống Hà Nội. Không có tiền tiêu, chúng bàn nhau đi cướp tài sản của lái xe taxi. Theo đó, Quỳnh và Phú chuẩn bị mũ lưỡi trai, dao, bịt mặt giấu trong ba lô. Đêm 29/7, Quỳnh đeo ba lô bên trong có hung khí, cùng Phú đến cổng bãi xe số 1, xã Ninh Hiệp, Gia Lâm, Hà Nội để tìm “con mồi”.
Tại đây, chúng lên xe taxi do anh Nguyễn Văn Th. (26 tuổi, trú ở xã Yên Thường, huyện Gia Lâm, Hà Nội) điều khiển. Theo chỉ dẫn của hai vị khách, anh Th. di chuyển từ Từ Sơn (Bắc Ninh) sang Nội Bài rồi lại vòng về Từ Sơn. Do thấy nghi ngờ nên anh Th. đã đề phòng. Anh Th. gọi điện cho đồng nghiệp đề nghị giúp đỡ. Lợi dụng sơ hở của nạn nhân khi đang gọi điện thoại, Quỳnh lấy dao trong ba lô ra, cắt cổ nạn nhân để cướp tài sản.
Anh Th. phản kháng và thò cổ ra ngoài kêu cứu. Cùng lúc đó, có phương tiện đi tới nên Quỳnh và Phú xuống xe, bỏ trốn. Anh Thành bị thương ở cổ, tay và lòng bàn chân phải, được nhân dân đưa đi cấp cứu kịp thời nên đã qua cơn nguy kịch. Công an sau đó vào cuộc điều tra và nhanh chóng bắt giữ được hai đối tượng.
Nhìn nhận vụ án dưới góc độ pháp lý, luật sư Vũ Quang Bá (Đoàn luật sư Hà Nội) cho rằng, hành vi của hai đối tượng trên là hết sức côn đồ khi có sự chuẩn bị các loại hung khí và có sự bàn bạc để thực hiện hành vi giết người nhằm cướp tài sản. Việc nạn nhân thoát chết là do may mắn. Hành vi của hai đối tượng này cần phải xử lý nghiêm.
Theo luật sư Bá, hành vi của hai đối tượng có dấu hiệu của tội Giết người và Cướp tài sản. Theo đó, các đối tượng đã chuẩn bị hung khí và phương tiện gây án, có sự bàn bạc để thực hiện hành vi phạm tội. Mục đích việc sát hại tài xế để cướp tài sản. Căn cứ vào điểm g (để thực hiện hoặc che giấu tội phạm khác), điểm n (có tính chất côn đồ), điểm o (có tổ chức) khoản 1 Điều 123 BLHS, hai đối tượng đối diện với khung hình phạt lên đến tử hình.
Điều 168 BLHS quy định về Tội cướp tài sản. Tuy nhiên, để làm căn cứ xử lý, cơ quan chức năng cần phải xác định tỉ lệ thương tích của nạn nhân và định giá tài sản bị cướp để định khung hình phạt. Nếu chiếm đoạt tài sản trị giá 500 triệu đồng trở lên và gây tổn hại cho sức khỏe của nạn nhân mà tỷ lệ tổn thương cơ thể 61% trở lên thì bị phạt tù từ 18 năm đến 20 năm hoặc tù chung thân.
Tuy nhiên, hai đối tượng này đều 18 tuổi nên theo khoản 1 Điều 12 BLHS về Tuổi chịu trách nhiệm hình sự quy định, người từ đủ 16 tuổi trở lên phải chịu trách nhiệm hình sự về mọi tội phạm, trừ những tội phạm mà Bộ luật này có quy định khác.
Khoản 5 Điều 91 BLHS về nguyên tắc xử lý đối với người dưới 18 tuổi phạm tội quy định, không xử phạt tù chung thân hoặc tử hình đối với người dưới 18 tuổi phạm tội.
Khoản 1 Điều 101 BLHS về Tù có thời hạn quy định, đối với người từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi khi phạm tội, nếu điều luật được áp dụng quy định hình phạt tù chung thân hoặc tử hình, thì mức hình phạt cao nhất được áp dụng không quá 18 năm tù; nếu là tù có thời hạn thì mức hình phạt cao nhất được áp dụng không quá ba phần tư mức phạt tù mà điều luật quy định.