Văn phòng cơ quan Cảnh sát điều tra (CSĐT) Công an TP.Hà Nội cho biết Đội 2 của Văn phòng này đã phối hợp với Phòng cảnh sát môi trường Công an TP.Hà Nội phát hiện, khám xét xét khẩn cấp và bắt quả tang đối với 2 đối tượng gồm: Nguyễn Hữu Tiễn (35 tuổi) và Lê Chí Thuận (58 tuổi, cùng trú ở xã Nhị Khê, huyện Thường Tín, TP.Hà Nội) về hành vi mua bán, vận chuyển tàng trữ trái phép ngà voi.
Tại nhà của đối tượng Nguyễn Hữu Tiễn, tổ công tác đã thu giữ được 92kg vật phẩm nghi là ngà voi. Còn ở nhà đối tượng Lê Chí Thuận, tổ công tác tiếp tục thu giữ 87kg vật phẩm nghi là ngà voi. Như vậy, tổng trọng lượng số vật phẩm là 179kg.
Theo lời khai ban đầu của các đối tượng Tiễn và Thuận, số vật phẩm thu giữ nêu trên được làm từ ngà voi; đồng thời hai đối tượng cũng đã thừa nhận hành vi mua bán, vận chuyển, tàng trữ trái phép ngà voi.
Theo luật gia Ánh Dương, hành vi buôn bán ngà voi đã bị nghiêm cấm, tuy nhiên vì lợi nhuận nhiều đối tượng vẫn cố tình vi phạm. Nhiều vụ buôn bán ngà voi đã bị cơ quan chức năng xử lý nghiêm theo quy định pháp luật.
Điều 190 về Tội sản xuất, buôn bán hàng cấm quy định, người nào sản xuất, buôn bán hàng hóa mà Nhà nước cấm kinh doanh, cấm lưu hành, cấm sử dụng, chưa được phép lưu hành, chưa được phép sử dụng tại Việt Nam thuộc một trong các trường hợp sau đây, nếu không thuộc trường hợp quy định tại các điều 248, 251, 253, 254, 304, 305, 306, 309 và 311 của Bộ luật này, thì bị phạt tiền từ 100 triệu đồng đến 1 tỷ đồng hoặc phạt tù từ 1 năm đến 5 năm.
Như vậy điều luật đã quy định hành vi buôn bán hàng hóa mà Nhà nước cấm kinh doanh là một trong bốn dạng hành vi bị cấm theo quy định của BLHS. Đồng thời, căn cứ vào danh mục hàng hóa, dịch vụ cấm kinh doanh ban hành kèm theo của Nghị định số 19/VBHN-BCT của bộ Công Thương năm 2014 quy định chi tiết luật Thương mại về hàng hóa, dịch vụ cấm kinh doanh, hạn chế kinh doanh và kinh doanh có điều kiện và khoản 2 Điều 11 Nghị định 32/2006/NĐ-CP về quản lý thực vật rừng, động vật rừng nguy cấp, quý, hiếm thì Voi (bao gồm cả vật sống và các bộ phận của chúng như ngà voi…) được xếp vào nhóm những động vật đặc biệt quý hiếm là hàng hóa bị cấm buôn bán ở nước ta.
Do vậy các đối tượng có hành vi buôn bán ngà voi có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về Tội sản xuất, tàng trữ, vận chuyển, buôn bán hàng cấm với mức hình phạt cao nhất có thể lên đến mười lăm năm tù nếu vật phạm pháp giá trị 500 triệu đồng hoặc thu lời bất chính 500 triệu đồng.
Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 20 triệu đồng đến 100 triệu đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 1 năm đến 5 năm. Pháp nhân thương mại còn có thể bị phạt tiền từ 50 triệu đồng đến 200 triệu đồng, cấm kinh doanh, cấm hoạt động trong một số lĩnh vực nhất định hoặc cấm huy động vốn từ 1 năm đến 3 năm.