Hai đứa trẻ sớm tự lập để bố mẹ yên tâm nơi tuyến đầu chống dịch

Hai đứa trẻ sớm tự lập để bố mẹ yên tâm nơi tuyến đầu chống dịch

Nguyễn Thiện Quyền

Nguyễn Thiện Quyền

Chủ nhật, 04/07/2021 07:00

Dù bố và mẹ đều vắng nhà nhưng Đức và Vinh luôn cố gắng vượt gian khó, cáng đáng mọi công việc gia đình.

Với những người chiến sĩ áo trắng trên tuyến đầu chống dịch, việc họ phải có mặt trên trận tuyến chống Covid-19 đồng nghĩa với hậu phương, gia đình phải bỏ ngỏ phía sau. Bên cạnh những nghị lực của họ, còn có một nguồn sức mạnh to lớn khác từ sự sẻ chia của "hậu phương bé nhỏ".

Đó là những đứa trẻ thơ ngây nhưng trong đại dịch, suy nghĩ của các em đã sớm trưởng thành cùng những yêu thương, cảm thông với bố mẹ. Điều đó là một trong những động lực lớn để tạo nên niềm tin chiến thắng Covid-19 của đất nước.

Trong chuyến công tác tại huyện miền núi Hương Sơn, tỉnh Hà Tĩnh, chúng tôi đã có dịp ghé thăm cháu Trần Duy Đức (học lớp 8) và em trai Trần Thế Vinh (học lớp 2), trú tại thôn Công Thương, xã Sơn Kim 1 (Hương Sơn). Bố mẹ các cháu cùng công tác trong ngành y tế, phải ngày đêm làm việc trong môi trường nguy hại, không thể trở về nhà. Ông bà ngoại ở xa, ông bà nội các cháu nay đã già yếu. Không biết nương nhờ vào ai, hai anh em đành tự lo lắng và chăm sóc lẫn nhau.

Dân sinh - Hai đứa trẻ sớm tự lập để bố mẹ yên tâm nơi tuyến đầu chống dịch

Cháu Trần Duy Đức đảm đang quán xuyến mọi việc trong gia đình.

Bố mẹ cháu Đức và Vinh là anh Trần Mạnh Hùng, hiện đang làm việc tại Trung tâm Y tế dự phòng huyện Hương Sơn và chị Nguyễn Thị Giang hiện làm việc tại Bệnh viện Dã chiến Cầu Treo, huyện Hương Sơn (Hà Tĩnh). Đây là những nơi hiện đang cách ly, điều trị cho 47 bệnh nhân dương tính với COVID-19.

Kể từ ngày tỉnh Hà Tĩnh bùng phát dịch COVID-19 đến nay, vợ chồng anh Hùng đã phải gác việc nhà, tạm xa 2 con thơ để theo mệnh lệnh vào tuyến đầu phòng dịch, ngày đêm làm việc trong môi trường có nhiều nguy hại.

Không chỉ riêng gia đình anh Hùng, chị Giang mà kể từ khi làn sóng COVID-19 bùng phát, các cán bộ, nhân viên CDC tại Hà Tĩnh luôn trực chiến trên tuyến đầu, tham gia các các nhiệm vụ khoanh vùng, truy vết, lấy mẫu xét nghiệm các trường hợp liên quan bệnh nhân dương tính với SARS-Cov-2. Chính vì luôn đối mặt với nguy cơ lây nhiễm nên phải tự cách ly tại cơ quan trong những ngày làm nhiệm vụ.

Dân sinh - Hai đứa trẻ sớm tự lập để bố mẹ yên tâm nơi tuyến đầu chống dịch (Hình 2).

Bữa cơm của hai anh em khi "mẹ vắng nhà".

Cậu anh trai Trần Duy Đức dù mới 13 tuổi nhưng đã biết thay bố mẹ chăm sóc em từ bữa ăn đến giấc ngủ và dỗ dành những lúc em khóc vì nhớ mẹ. Đức kể, mỗi lần em Vinh nhớ mẹ quá, khóc quấy đòi mẹ, anh Đức đều phải nghĩ cách làm cho em vui, quên đi việc đòi đi gặp mẹ.

Nhưng cách đây mấy ngày, hai anh em nhớ mẹ quá, Đức lại chở em trên xe đạp từ nhà ra cơ quan mẹ ở bệnh viện Dã chiến Cầu Treo, cách nhà vài km để nhìn thấy mẹ từ xa qua cánh cổng cơ quan cho vơi nỗi nhớ. Mỗi khi có tranh thủ thời gian rảnh, chị Giang gọi điện về nói chuyện với các con qua Facebook để mẹ con nhìn thấy nhau, dặn dò anh Đức vừa chăm em vừa chịu khó học bài.

Thấu hiểu nỗi vất vả nhọc nhằn của bố mẹ, cũng rất tự hào vì những cống hiến của bố mẹ và các cô, các chú, các bác làm nhiệm vụ phòng chống dịch, cậu bé Đức và Vinh luôn cố gắng chăm sóc tốt lẫn nhau. Giờ đây các cháu chỉ cầu mong dịch bệnh sớm qua đi để bố mẹ được trở về nhà nghỉ ngơi, gia đình cùng sum vầy.

Dân sinh - Hai đứa trẻ sớm tự lập để bố mẹ yên tâm nơi tuyến đầu chống dịch (Hình 3).

Khi rảnh rỗi, Đức và Vinh tranh thủ học bài.

“Những ngày đầu cháu và em trai rất nhớ bố mẹ nhưng dần dần thành quen. Hơn nữa, lúc nào rảnh rỗi bố mẹ cháu lại tranh thủ gọi điện hỏi thăm nên ngày nào gia đình cũng được gặp nhau. Hàng ngày muốn ăn gì thì bọn cháu tự chế biến. Ăn uống xong thì cả hai anh em cùng học bài. Giờ cháu chỉ mong sao sớm hết dịch bệnh để bố mẹ sớm về nhà với hai anh em”, cháu Đức tâm sự.

Trao đổi qua điện thoại, anh Trần Mạnh Hùng chia sẻ, vào thời điểm tỉnh Hà Tĩnh bùng phát dịch COVID-19, vợ anh là chị Nguyễn Thị Giang đã tức tốc tham gia vào tuyến đầu phòng dịch tại Bệnh viện dã chiến Cầu Treo là nơi điều trị cho các bệnh nhân dương tính với COVID-19.

Không lâu sau tại địa bàn huyện Hương Sơn lần đầu tiên ghi nhận 2 trường hợp dương tính với COVID-19 trong cộng đồng, ngành y tế huyện Hương Sơn đẩy mức phòng dịch lên cao nhất. Thời điểm đó, việc truy vết, khoanh vùng, phun khử khuẩn, các công tác phòng, chống dịch COVID cần được triển khai một cách nhanh nhất; thương con nhưng vì nỗi lo dịch bệnh, trách nhiệm với cộng đồng, anh chị gửi gắm 2 cháu cho người dân xung quanh, sau đó lao vào tuyến đầu phòng dịch tại huyện Hương Sơn, cho đến nay chưa về nhà.

"Dù công việc rất bận rộn, thương các con vần còn nhỏ nhưng bố mẹ không chăm sóc hàng ngày. Nhưng mỗi lần gọi điện về, biết các cháu ở nhà ngoan ngoãn, thương yêu nhau, được các đoàn từ thiện, chính quyền, người dân, hàng xóm quan tâm, vợ chồng tôi rất vui mừng và yên tâm hơn để tiếp tục cuộc chiến phòng chống dịch COVID-19", anh Hùng xúc động nói.

Dân sinh - Hai đứa trẻ sớm tự lập để bố mẹ yên tâm nơi tuyến đầu chống dịch (Hình 4).

Hàng ngày, Đức thay bố mẹ chăm sóc em, tự nấu ăn, quét dọn và trông coi nhà cửa.

Chị Đào Thị Hằng, hàng xóm của 2 cháu Đức - Vinh xúc động cho biết: “Vợ chồng anh Hùng hiện đang ở tại các điểm phòng, chống dịch từ lâu chưa về, 2 ông bà ngoại và bà nội của các cháu ở xa, cùng do dịch bệnh nên không về được. Thương hoàn cảnh các cháu nên mọi người trong thôn ai cũng quan tâm giúp đỡ”.

Công tác phòng chống dịch COVID-19 luôn được ví như cuộc chiến không tiếng súng nhưng căng thẳng và quyết liệt, đòi hỏi những hy sinh, cống hiến của những cán bộ nơi tuyến đầu. Họ phải gạt bỏ mọi nỗi lo riêng để làm nhiệm vụ chung, hướng tới mục tiêu lớn nhất là nhanh chóng khoanh vùng, khống chế được dịch bệnh để nhân dân được an toàn.

Gần một tháng qua, các lực lượng trên tuyến đầu chống dịch là cán bộ y tế, chiến sỹ công an, quân đội đã phải căng mình thực hiện nhiệm vụ khi dịch COVID-19 bùng phát trở lại Hà Tĩnh. Họ đều phải gạt bỏ mọi nỗi lo riêng để làm nhiệm vụ chung, hướng tới mục tiêu lớn nhất là nhanh chóng khoanh vùng, khống chế được dịch bệnh để nhân dân được an toàn.

Trong những hy sinh lặng thầm đó không chỉ là của những người trên tuyến đầu mà còn là của chính gia đình, người thân, các con của họ. Mong ước của anh em Trần Duy Đức và Trần Thế Vinh cũng là mong ước chung của rất nhiều các cháu nhỏ là con của các cán bộ lực lượng tuyến đầu chống dịch ở mọi miền tổ quốc. Cuộc chiến chống dịch Covid-19 còn cam go, nhưng chắc chắn chiến thắng sẽ thuộc về chúng ta khi cả “tiền tuyến” và “hậu phương” đều chung một ý chí thể hiện niềm tin và sức mạnh của dân tộc.

Thiện Quyền

Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên. Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.
Đã tặng: 0 star
Tặng sao cho tác giả
Hữu ích
5 star
Hấp dẫn
10 star
Đặc sắc
15 star
Tuyệt vời
20 star

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bình luận không đăng nhập

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.