Hiện nay, nhiều cơ sở y tế của tỉnh Hải Dương, đang tồn tại về việc xử lý chất thải y tế, khiến dư luận lo ngại, đặc biệt quan tâm. Bởi chất thải y tế không được xử lý triệt để sẽ là “mầm họa” gây lên các loại dịch bệnh nguy hiểm, tác động đến môi trường sống của người dân. Về lâu dài, các cấp, ngành, chính quyền tỉnh Hải Dương có giải pháp, không thể để mãi tình trạng như hiện nay, chất thải y tế xử lý gây ô nhiễm và tồn đọng.
Thời gian qua, dư luận tỉnh Hải Dương bức xúc về tình trạng ô nhiễm môi trường từ các tuyến y tế tỉnh, thành phố đến huyện, thị… không những nhiều cơ sở xả thải chưa qua xử lý ra môi trường, mà nguy hại hơn là chất thải rắn y tế qua lò đốt gây ô nhiễm và nhiều tấn rác thải tồn đọng không được xử lý triệt để, đang là “mối họa” khôn lường ảnh hưởng đời sống của người dân.
Báo cáo mới đây của sở Tài nguyên & Môi trường Hải Dương, hiện nay trên địa bàn tỉnh Hải Dương có 847cơ sở y tế, gồm: 25 bệnh viện, 16 trung tâm y tế; 265 trạm y tế cấp xã và 541 phòng khám, trạm y tế cơ quan, dịch vụ y tế.
Nhưng hiện chỉ mới có 14 bệnh viện được cấp giấy xác nhận hoàn thành công trình, biện pháp bảo vệ môi trường, 6 bệnh viện được cấp giấy phép xả nước thải vào nguồn tiếp nhận. Các trung tâm y tế, trạm y tế cấp xã đều chưa thực hiện nội dung lập đề án, kế hoạch hoặc cam kết bảo vệ môi trường, cho hoạt động khám, chữa bệnh và dịch vụ y tế. Hằng năm, các bệnh viện trong tỉnh phát sinh khoảng 263 tấn chất thải y tế rắn nguy hại. Trong đó, các đơn vị đã chuyển giao xử lý 173 tấn, tự xử lý khoảng 85 tấn bằng cách đốt trong các lò đốt Chuwastar, gần 5 tấn chất thải tồn lưu. Mặc dù vậy, việc xử lý chất thải y tế bằng công nghệ đốt trong lò Chuwastar còn nhiều hạn chế, chính vì vậy đây là “tác nhân” gây ô nhiễm môi trường.
Theo đánh giá của lãnh đạo, chi cục Bảo vệ môi trường Hải Dương, nguyên nhân dẫn đến việc đốt chất thải y tế bằng lò Chuwastar không đảm bào là do: Vỏ lò đốt Chuwastar được làm từ thép, buồng đốt không có vật liệu chịu nhiệt, được làm mát bằng nước. Chất thải y tế nguy hại khi đốt sẽ phát sinh một số loại khí làm ăn mòn kim loại, vỏ lò nhanh han gỉ, buồng đốt sơ cấp dễ bị bục dẫn đến hỏng két nước làm mát, hỏng kim phun dầu. Bên cạnh đó, ống khói của lò thường thấp, không bảo đảm yêu cầu kỹ thuật. Hầu hết lò đốt đều được lắp đặt gần khu dân cư hoặc các khoa, phòng của bệnh viện. Một số lò đốt trong quá trình vận hành đã phải nhiều lần sửa chữa, thay thế thiết bị gây tốn kém chi phí cho đơn vị vận hành. Quá trình đốt tốn nhiều dầu. Một số chất thải y tế khó đốt, phải đốt nhiều lần như chất thải từ quá trình lọc thận, chất thải có độ ẩm cao.
Quy trình vận hành lò đốt chưa bảo đảm do người vận hành chủ yếu kiêm nhiệm, chưa được đào tạo kỹ thuật. Nhiều lò đốt sử dụng tiết kiệm nhiên liệu để giảm chi phí nên hiệu quả xử lý không cao, dễ phát sinh khói, mùi khó chịu. Một số bệnh viện đã phải trang bị thêm máy ép bỉm, máy nghiền thủy tinh để nghiền lại tro, chai lọ thuốc thủy tinh giúp thuận tiện cho việc chôn lấp, hóa rắn hoặc lưu giữ. Ngoài ra, kết quả quan trắc khí thải ống khói của lò đốt tại một số bệnh viện cho thấy một số thông số vượt quy chuẩn môi trường cho phép như ni-tơ tổng, amoni, COD, BOD, Coliform
Chính vì hoạt động không hiệu quả, gây ô nhiễm môi trường… nên nhiều cơ sở đã phải dừng hoạt động đốt chất thải y tế từ lò đốt Chuwastar, chuyển giao chất thải cho những đơn vị đủ chức năng để xử lý. Tuy nhiên, qua quá trình kiểm tra của cơ quan chuyên môn, chức năng tỉnh Hải Dương thì nhiều cơ sở y tế, trong quá trình chuyển giao xử lý, hầu như chưa lập sổ bàn giao chất thải để ghi chép số lượng và loại chất thải các đợt chuyển giao trong tháng theo quy định.
Để đạt được hiệu quả xử lý chất thải y tế, quản lý chặt chẽ chất thải y tế độc hại tránh tình trạng “thả nổi” như hiện nay gây ô nhiễm môi trường, hậu quả cho đời sống người dân… các cơ quan, ban, ngành chức năng tỉnh Hải Dương nhanh chóng có giải pháp triệt để và phải yêu cầu, các cơ sở y tế này lập hợp đồng chuyển giao xử lý với đơn vị có đủ chức năng, năng lực. Quá trình chuyển giao bảo đảm thời gian lưu trữ theo quy định. Thực hiện chuyển giao bằng sổ bàn giao chất thải của các đợt chuyển giao và chứng từ chất thải nguy hại hằng tháng. Đánh giá hiệu quả và khả năng hoạt động của các lò đốt theo công nghệ lò đốt Chuwastar còn đang hoạt động. Có thể dừng hoạt động đối với các lò đốt này nếu thấy không hiệu quả, nguy cơ ô nhiễm môi trường cao, chi phí tốn kém. Sau khi dừng hoạt động, các cơ sở y tế phải chuyển giao xử lý chất thải y tế nguy hại cho các đơn vị đủ chức năng, năng lực theo quy định. Cần rà soát năng lực xử lý chất thải y tế đối với các doanh nghiệp tham gia xử lý. Chỉ giao nhiệm vụ đối với các doanh nghiệp có đủ điều kiện tham gia xử lý. Việc xử lý phải được thực hiện theo hướng phân khu vực. nhằm quản lý chặt chẽ nguồn chất thải và hạn chế thấp nhất việc phân tán, gây ra mầm bệnh nguy hiểm.
Giải quyết bất cập về xử lý chất thải y tế, của các cơ sở y tế tỉnh Hải Dương cần vào cuộc quyết liệt, nhanh chóng của tỉnh Hải Dương, không thể để nơi chăm sóc sức khỏe cho người dân lại là nơi phát sinh ra dịch bệnh.
Theo Phạm Hoàng (Báo Tài nguyên & Môi trường)