Trao đổi nhanh với PV, Ths.Bs Nguyễn Trọng Khoa, Phó Cục trưởng cục Quản lý Khám chữa bệnh bộ Y tế cho biết, theo tính toán, Bệnh viện dã chiến thứ 1 đặt tại trung tâm y tế Chí Linh điều trị cho 200 bệnh nhân là đủ.
Hiện nay các kết quả xét nghiệm cho thấy số bệnh nhân dương tính với virus SARS-CoV-2 tại “ổ dịch” Chí Linh tiếp tục tăng lên, vì vậy rất cần những cơ sở dã chiến để dự phòng trường hợp tiếp tục có thêm người bệnh. Thiết lập Bệnh viện dã chiến thứ 3 đặt tại Chi Linh là hợp lý, tránh việc phải vận chuyển bệnh nhân đi xa.
Bệnh viện dã chiến thứ 2 tại đại học Kỹ thuật Y tế Hải Dương, đã tiếp nhận 26 bệnh nhân và trong kế hoạch có khả năng thu dung 210 bệnh nhân và hiện đang tiếp tục nhận thêm bệnh nhân. Điều đặc biệt ở Bệnh viện dã chiến thứ 2 có 10 giường cấp cứu và 26 giường điều trị tích cực có kèm thở máy sẵn sàng điều trị bệnh nhân nặng chuyển về.
Bệnh viện dã chiến tại đại học Kỹ thuật Y tế Hải Dương, mục tiêu là cần có cơ sở điều trị cho bệnh nhân nặng. Tại đó, có đầy đủ các thiết bị y tế cần thiết như máy thở, hệ thống hồi sức cấp cứu. Có thể triển khai được lọc máu, chạy ECMO… sẵn sàng điều trị cho bệnh nhân nặng theo phương châm điều trị tại chỗ.
Lực lượng điều trị được bộ Y tế tăng cường hiện có khoảng 30 cán bộ y, bác sĩ đã về Hải Dương. Ngoài ra, còn lực lượng tinh nhuệ đến từ Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương do PGS.TS Trần Như Dương làm trưởng đoàn trực tiếp theo dõi công tác truy vết, điều tra tiếp xúc, triển khai các công tác lấy mẫu xét nghiệm với số lượng lớn hỗ trợ cho Hải Dương.
"Một lực lượng lớn nữa đến từ các em sinh viên năm cuối theo học ngành y cũng đã được chúng tôi đào tạo để sẵn sàng tham gia chống dịch khi cần thiết", ông Khoa cho hay.
"Thành công bước đầu của “chiến dịch” lần này là từ nhận định của GS.TS Nguyễn Thanh Long - Bộ trưởng Y tế và PGS.TS Trần Như Dương - Phó Viện trưởng Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương trong việc “bắt” trúng ngay ổ dịch. Do đó, đã khoanh vùng kịp thời ổ dịch tại Công ty TNHH điện tử POYUN Việt Nam, là bước quyết định cho dập dịch thành công. Nếu không kịp thời “khóa” ổ dịch, công nhân đi về quê, trở lại nhà trọ ở các vùng lân cận, hậu quả khi đó vô cùng lớn, khó kiểm soát. Đây là thành công rất lớn trong công tác phòng dịch cách ly", ông Nguyễn Trọng Khoa lý giải.
Thêm nữa, thứ 2, là tỉnh Hải Dương đã kịp thời triển khai thực hiện chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ và Bộ Y tế. Với sự nỗ lực và hỗ trợ từ Bộ Y tế chỉ trong thời gian phải nói là “kỷ lục”, trong 22 giờ, chúng ta đã có Bệnh viện dã chiến số 2 với đầy đủ trang thiết bị hiện đại cùng các bác sĩ có nhiều kinh nghiệm từ Bệnh viện Bạch Mai, sẵn sàng cứu chữa người bệnh. Với 2 bệnh viện dã chiến đi vào hoạt động, đã góp phần quan trọng có đủ cơ sở điều trị cho bệnh nhân Covid-19.
Lê Liên