Nguyên nhân cá chết hàng loạt
Khoảng từ 11 ngày trước, theo phản ánh của những hộ nuôi cá tại xã Tiền Tiến, cá lồng bè tại đây bắt đầu có hiện tượng chết hàng loạt. Trong đó, từ 2 - 3/4/2024 là chết ồ ạt nhất, cá nổi trắng lồng, người dân vừa vớt cá bỏ vào bao đem bán như phân, nước mắt lưng tròng.
Mới nuôi được 1 năm, tức là nửa chặng đường, cá đã lăn ra chết trắng sông. Gia đình ông Toàn cũng như các hộ nuôi cá khác tại xã Tiền Tiến vô cùng lo lắng, tiếc nuối nhưng không biết phải làm thế nào trước tai họa không ai mong muốn này.
Ông Nguyễn Văn Toàn, trú tại xã Tiền Tiến (Tp.Hải Dương, tỉnh Hải Dương) cho biết, thời gian qua, cả gia đình ông Toàn đều tập trung chăm những lồng cá. “Tính từ lúc thả cá vào lồng đến lúc thu hoạch tốn khoảng hơn 2 năm trời. Biết bao nhiêu mồ hôi, công sức, tiền của đổ vào đấy, riêng tiền cám mỗi lồng cũng phải tốn khoảng 500 triệu đồng, bây giờ có còn gì đâu", ông Toàn bật khóc xót xa.
Ông Toàn cho biết, cá chép ông nuôi hầu như đã chết hàng loạt, chỉ còn lại cá diêu hồng nhưng vẫn rất yếu. Nếu cá diêu hồng chết thêm thì thiệt hại với ông không chỉ dừng lại ở con số trên.
Đến thời điểm cá thành thương phẩm, mỗi lồng sẽ cho sản lượng 8 - 10 tấn. Với khoảng 15 lồng cá chết hàng loạt, ông Toàn ước tính mất trắng 6 - 7 tỷ đồng. “Ở đây chúng tôi nuôi cá thương phẩm, chủ yếu là cá chép, cá trắm nuôi ở giai đoạn trước khi vào giòn”.
Ông giải thích, cá chép, trắm sẽ được nuôi trong vòng khoảng 2 năm, đạt đến trọng lượng khoảng 2,5 - 5kg, sau đó được chuyển qua chế độ chăm sóc đặc biệt để thịt cá trở nên săn chắc, giòn khi nấu chín. Chép giòn, trắm giòn từ lâu đã trở thành đặc sản nổi tiếng của Hải Dương và một số tỉnh phía Bắc.
Những con cá chết được vớt lên, thương lái đến thu mua về dùng làm phân bón với giá bèo. “Mỗi lồng cá trị giá 600 - 700 triệu đồng giờ chỉ mong vớt vát được đồng nào hay đồng đấy thôi”.
Toàn bộ số tiền đầu tư vào cá, gia đình ông Toàn phải thế chấp nhà ở, đất thổ cư để vay ngân hàng. Bây giờ cá chết, toàn bộ gia tài đổ sông đổ bể, ông Toàn chưa biết làm gì để khắc phục tình cảnh vừa mới gặp phải.
Theo ông Toàn, hầu hết các hộ nuôi cá tại xã Tiền Tiến nhà nào cũng cũng bị chết cá, thương lái khắp nơi đến đóng cá vào bao, mua với giá phân bón chỉ 1.500 - 2.000 đồng/kg, tiền thu về vì thế cũng chẳng đáng bao nhiêu.
Theo nguồn tin của VTC News, lãnh đạo xã Tiền Tiến cho biết, tính tới thời điểm hiện tại, số lượng cá chết ước tính khoảng 300 tấn, cả 51/51 hộ đều bị thiệt hại. Trong đó, có 2 hộ thiệt hại không đáng kể, còn 49 hộ thiệt hại tương đối nặng trở lên. Tính tới thời điểm hiện tại, số lượng cá chết ước tính khoảng 300 tấn.
Trước thực trạng cá chết hàng loạt, cơ quan chức năng tỉnh Hải Dương đã xác định và tìm được nguyên nhân ban đầu khiến hàng trăm tấn cá chép nuôi lồng bè chết trên sông Thái Bình, chảy qua Tp.Hải Dương. Chiều 8/4, bà Lê Thị Hợp, Chủ tịch UBND xã Tiền Tiến, Tp.Hải Dương, tỉnh Hải Dương cho biết: "Hiện nay đã có kết luận của Sở Tài nguyên và Môi trường, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thông báo rằng kết quả xét nghiệm xác định cá chết là do thiếu oxy, tuy nhiên chưa xác định rõ vì sao thiếu oxy”.
Ngay trong ngày 7/4, Cục Thú y (Bộ NN&PTNT) đã về lấy mẫu bệnh phẩm của cá chết và kết quả xét nghiệm đánh giá, cá không có bệnh.
Cơ quan chức năng khuyến cáo
Về nguyên nhân thiếu oxy, đại diện Sở NN&PTNT Hải Dương giải thích, thời điểm cách đây hơn 10 ngày, thời tiết thay đổi thất thường. Ở thời điểm này nắng - mưa, nóng - lạnh xen kẽ nhau, cộng với thủy triều xuống thấp dẫn đến biên độ nước lên - xuống rất thấp, chỉ được vài chục cm và lưu tốc dòng chảy gần như không có.
Các yếu tố bất lợi trên khiến lượng oxy ở khu vực nuôi cá lồng rất thấp, cá yếu đi và chết hàng loạt.
Cơ quan chuyên môn khuyến cáo người dân khi thời tiết thay đổi cần giảm cho ăn hoặc dừng cho ăn, tăng cường sục khí. Khi cá chết cần phải vớt lên mang đi chôn lấp tránh ô nhiễm môi trường làm lây lan dịch bệnh.
Các hộ nuôi cần theo dõi sát dự báo thời tiết để ứng phó với những thời điểm giao mùa, thời tiết thay đổi đột ngột, thường xuyên quan sát nước vùng nuôi và cá nuôi; khi thấy nước đục, cá kém ăn hoặc bơi chậm, nổi lên mặt nước cần có biện pháp xử lý kịp thời, tăng cường oxy và đảo nước.
Khi mực nước trên sông giảm, các hộ nuôi cần hạ thấp lồng nuôi để bảo đảm độ sâu luôn ở mức 2,5m-3m nhằm giảm sự tác động của nhiệt độ cao, đồng thời thực hiện sát khuẩn để phòng bệnh.
Đồng thời cần tiến hành thu hoạch khi cá nuôi đạt kích cỡ thu hoạch, lưu ý hạn chế đánh bắt, san thưa, vận chuyển, thả giống vào những ngày nắng nóng, thời điểm nắng nóng trong ngày.
Thường xuyên vệ sinh lồng bè sạch sẽ và thông thoáng để lưu thông trong và ngoài lồng nuôi, nhằm tăng cường oxy hòa tan trong nước, giảm vật bám, chất bẩn ở trong lồng nuôi.
Các hộ nuôi nên cho cá ăn vào thời điểm sáng sớm và chiều mát để cá nuôi sử dụng thức ăn hiệu quả nhất, tăng cường sức đề kháng cho cá bằng cách bổ sung vitamin, khoáng chất, men tiêu hóa, tinh dầu… vào thức ăn.
Khi nhiệt độ nước trên 35 độ C thì cần giảm lượng thức ăn xuống còn 1/3 so với bình thường.
Và để chia sẻ khó khăn của người dân, Tp.Hải Dương và Trường Đại học Hải Dương đã huy động nhiều đoàn viên, sinh viên tới giúp đỡ bà con trục vớt, xử lý số cá bị chết để giảm thiểu ô nhiễm môi trường. Đồng thời chính quyền địa phương đã tổ chức các đoàn đến thăm hỏi, động viên 50 hộ nuôi cá lồng trên địa bàn bị thiệt hại nặng nề do cá chết hàng loạt.
Quỳnh Chi (t/h theo VTC News, Dân Trí)