Trong đơn khởi kiện gửi TAND quận 11 (TP.HCM), ông N.P.L kể: Sau năm 1976, cha mẹ của ông đã dẫn gia đình đến ấp 3, xã Thạnh Trị, Mộc Hóa (Long An) nhận đất hoang khai khẩn, sản xuất.
Một năm sau, cha ông mất, được cả nhà an táng ngay tại nơi đang sinh sống dưới sự chứng kiến của nhiều người dân xung quanh. Do nghèo khó, gia đình ông chưa xây được mộ đá kiên cố cho cha nhưng hàng năm đều đến thăm nom, tảo mộ, bồi đắp cho mộ lớn rộng hơn.
Bỗng nhiên đến ngày 16/5 âm lịch năm 2010, ông T.M.H.H, ngụ quận 11 (TP.HCM) lại ngang nhiên đến bốc mộ của cha ông L. và lấy cốt đem về an táng tại nghĩa trang Đa Phước. Lúc đó, ông H. nói với chính quyền địa phương là nằm mơ thấy cha mình chôn cất tại đây, nhiều năm lạnh lẽo, không có con cháu hương hỏa. Ông H. còn viện lẽ là có nhà ngoại cảm chỉ cho biết rằng cha của ông được chôn cất tại đúng địa điểm này.
Phát hiện ra sự việc, ông L. làm đơn đề nghị chính quyền xã Thạnh Trị can thiệp. Xã không giải quyết mà chuyển hồ sơ lên TAND huyện Mộc Hóa. Cho rằng vụ việc không thuộc thẩm quyền của mình, tòa lại chuyển hồ sơ sang UBND và công an huyện. Các nơi này cũng không đứng ra phân xử mà chỉ khuyên ông L. là đi tìm ông H. mà thương lượng.
Ông L. đi tìm và gặp được người chị của ông H. Đến đây thì xảy ra một chuyện bất ngờ làm ông rất ngỡ ngàng: Chị của ông H. nhận ông là anh em cùng cha khác mẹ. Theo bà này, cha của ông L. cũng là cha của họ dù sử dụng hai tên khác nhau. Người cha lúc sống có hai vợ. Chị em bà là con của một người, còn anh em ông L. là con của người còn lại. Lúc mẹ bà mất, có di nguyện để lại là được chôn cất cạnh chồng nên chị em bà mới cố gắng đi tìm hài cốt của cha đưa về đặt cạnh mộ mẹ tại nghĩa trang Đa Phước.
Ông L. không tin vào chuyện này và nhất định đòi lại hài cốt cha đưa về an táng chỗ cũ. Phía ông H. cũng cương quyết không chịu. Vì thế, ông L. đã khởi kiện ông H. ra TAND quận 11 nơi ông H. cư ngụ, yêu cầu tòa buộc ông H. phải hoàn trả hài cốt, đồng thời bồi hoàn chi phí 2 triệu đồng và công khai xin lỗi.
Tại tòa, ông L. khẳng định lại một lần nữa là ông H. không có quan hệ họ hàng thân thuộc gì với mình cả. Cha của ông tên là N.V.L, còn cha ông H. tên là T.V.K, khác nhau hoàn toàn nên không thể là cùng một người. Việc ông H. ngang nhiên tự ý bốc mộ của cha ông là hoàn toàn bất hợp pháp bởi ông vẫn thường xuyên đến tảo mộ, bồi đắp nên đây không phải là mộ hoang... Vụ kiện hy hữu này đến nay vẫn chưa đi đến hồi kết.
Hai bên đương sự tranh chấp một bộ hài cốt, ai cũng bảo đó là hài cốt của cha mình!
Đáng nói, trước khi khởi kiện ra TAND quận 11, ông L. đã từng làm đơn tố cáo phía ông H. ra công an huyện Mộc Hóa về hành vi xâm phạm mồ mả, hài cốt.
Theo xác minh của công an huyện Mộc Hóa, ngày 25/5/2010, ba chị em ông H. có làm đơn gửi UBND xã Thạnh Trị xin bốc mộ cha ruột là ông T.V.K. UBND xã chưa trả lời thì chị em ông H. đã tự ý bốc mộ ông N.V.L (cha ông L.) đưa về TP.HCM chôn cất.
Công an huyện cũng đã lấy lời khai của một số người dân xung quanh. Các nhân chứng đều kể rằng trước đó, chị em ông H. có tìm đến hỏi là có biết mộ của ông T.V.K, cha họ ở đâu không. Ai cũng lắc đầu nhưng khi chị em ông H. nói cha họ là "ông Cà rem", đã thất lạc 48 năm nay thì mọi người chỉ mộ của cha ông L. bởi "Cà rem" là một trong những tên gọi khác của cha ông L. Nghe vậy, chị em ông H. đã mượn nhà một người dân ở đây đãi tiệc mời mọi người, xem như tạ lễ rồi bốc mộ đi.
Dựa trên địa chỉ của chị em ông H. để lại, công an huyện Mộc Hóa đã liên lạc nhưng không tìm được. Cuối cùng, công an huyện Mộc Hóa kết luận không khởi tố vụ án.
Theo công an huyện, việc bốc mộ là có nhưng chị em ông H. thực hiện công khai, mục đích là cải táng hài cốt của người đã mất mà họ cho là thân nhân của họ. Ngoài ra, họ cũng không có hành vi nào khác xâm phạm mồ mả, giữa hai bên lại không có mâu thuẫn trước đó. Đây là quan hệ dân sự chứ không phải hình sự. Phía cơ quan công an cũng nhận định khả năng chị em ông H. bốc nhầm mộ là rất lớn vì các tình tiết về bối cảnh, thời gian.
Trong vụ việc trên có nhiều tình huống pháp lý nảy sinh. Chuyên mục đưa ra vụ việc trên để bạn đọc cùng trao đổi. Hành vi bốc hài cốt là có và đã xảy ra nhưng theo cơ quan công an, hành vi này lại không vi phạm pháp luật. Điều đó có nghĩa là vụ việc sẽ chỉ được giải quyết bằng một vụ kiện dân sự?
Có hành vi xâm phạm mồ mả
Hành vi của chị em ông H. rất cần được xem xét kỹ lưỡng đến yếu tố cấu thành tội xâm phạm thi thể, mồ mả, hài cốt theo Điều 246 Bộ luật Hình sự. Bởi trên thực tế, hành vi đào mồ mả của hai người này đã được hoàn thành trong khi họ không trình được bất cứ cơ sở pháp lý nào chứng minh bộ hài cốt nằm trong nấm mồ đó là cha họ. Trong khi đó, ông L. cũng một mực khẳng định đây là cha mình. Để đi đến kết luận rõ ràng, công an huyện nên thực hiện trưng cầu giám định ADN để phân định rõ ràng.
Hành vi xâm phạm thi thể, mồ mả, hài cốt được quy định xử phạt tại Điều 246 bộ luật Hình sự có mức khung phạt từ cải tạo không giam giữ đến 1 năm hoặc phạt tù từ 3 tháng đến 2 năm. Phạm tội gây hậu quả nghiêm trọng thì bị phạt tù từ 1 năm đến 5 năm. Nếu việc xâm phạm mồ mả chưa đến mức truy cứu trách nhiệm theo Điều 246 bộ luật Hình sự thì sẽ bị xử phạt theo Điều 18 Nghị định 73 năm 2010.
Người phạm tội được xác định thực hiện một trong các hành vi sau đây: Đào, phá mồ mả là hành vi hủy hoại hoặc làm hư hỏng mồ mả, làm cho mồ mả không còn nguyên vẹn như trước. Hành vi đào, phá mồ mả được thực hiện dưới nhiều phương thức khác nhau và với những động cơ và mục đích khác nhau như: Để lấy những đồ vật quý hiếm mà thân nhân người quá cố cho vào quan tài chôn cùng với người quá cố; để trả thù thân nhân người quá cố; để che giấu hành vi phạm tội... Tuy nhiên, nếu hành vi đào, phá mồ mả, nhưng tính chất nguy hiểm cho xã hội không đáng kể thì không coi là hành vi phạm tội như: Đào mộ để bắt chuột, bắt rắn; đập phá một vài họa tiết trang trí trên mộ...
Chiếm đoạt những đồ vật để ở trong mộ, trên mộ: Hành vi chiếm đoạt những đồ vật để ở trong mộ, trên mộ thường đi kèm với hành vi đào, phá mồ mả (đào phá mồ mả để chiếm đoạt những đồ vật để trong quan tài), nhưng cũng có trường hợp người phạm tội không đào, phá mồ mả nhưng vẫn chiếm đoạt được những đồ vật để trong mộ, trên mộ như: Lợi dụng việc đổi mộ (bốc hài cốt) để chiếm đoạt đồ trang sức chôn theo người chết; lấy các đồ vật có giá trị để trên mộ (bát hương, lọ hoa, di ảnh...).
Ngoài hành vi đào, phá mồ mả, chiếm đoạt những đồ vật để ở trong mộ, trên mộ thì các hành vi khác xâm phạm thi thể, mồ mả, hài cốt cũng được coi là hành vi phạm tội xâm phạm thi thể, mồ mả, hài cốt. Hành vi khác nói ở đây là bất cứ hành vi nào mà xâm phạm đến thi thể, mồ mả, hài cốt như: Đánh tráo thi thể, lấy các bộ phận của thi thể, đánh tráo hoặc chiếm đoạt hài cốt, chia sẻ hài cốt,...
Hậu quả của hành vi xâm phạm thi thể, mồ mả, hài cốt không phải là dấu hiệu bắt buộc của tội phạm này. Tuy nhiên, không phải trường hợp nào cứ xâm phạm thi thể, mồ mả, hài cốt cũng bị coi là hành vi phạm tội mà chỉ những hành vi xâm phạm nghiêm trọng đến thi thể, mồ mả, hài cốt mới bị coi là hành vi phạm tội.
Vì thế sau khi xem xét vụ án trên, có luồng ý kiến đồng tình với kết luận từ phía công an huyện. Bởi lẽ xét về mặt khách quan, tội này thể hiện ở hành vi như đào phá mồ mả để chiếm đoạt đồ vật trong mộ như vàng, bạc, đá quý hoặc để chiếm đoạt hài cốt. Thủ đoạn thực hiện thường là lén lút nhằm che giấu hành vi. Về mặt chủ quan, người phạm tội thực hiện với lỗi cố ý trực tiếp, tức là nhận thức được hành vi của mình nguy hiểm cho xã hội, thấy trước được hậu quả nguy hiểm cho xã hội của hành vi đó và mong cho hậu quả xảy ra.
Tuy nhiên, xét đến cùng, trong vụ kiện này, nếu tòa muốn giải quyết một cách "tâm phục, khẩu phục" vẫn phải nhờ đến việc xác định ADN để biết hài cốt đó là thân nhân của bên nào.
Trần Vương Bách An