Báo cáo phát triển đại dương của Trung Quốc (2013), được Viện các vấn đề hàng hải Trung quốc thuộc Cục hải dương quốc gia (SOA) công bố hôm 8/5, đã nhấn mạnh tới tầm quan trọng của các chuyến tuần tra bằng máy bay xa bờ đối với việc thực thi pháp luật trên biển.
Theo báo cáo, đến năm 2015, lực lượng hải giám của Trung Quốc sẽ được trang bị các máy bay cánh cố định với tầm xa trên 4.500km.
Đến năm 2020, một loạt các máy bay với tầm xa khác nhau sẽ được sử dụng cho các mục đích khác nhau, cũng theo báo cáo.
Hiện Cơ quan hải giám của Trung Quốc có 10 máy bay, gồm 6 máy bay cánh cố định và 4 trực thăng.
Một máy bay tuần tra biển của Trung Quốc
Một quan chức cấp cao giấu tên của Cục hải giám Trung Quốc cho biết việc bổ sung các máy bay sẽ gia tăng tần suất các chuyến tuần tra xa bờ. Máy bay cánh cố định có trọng tải cất cánh tối đa cao hơn, đồng nghĩa với việc có khả năng chở nhiều thiết bị hơn.
Trước đó, Trung Quốc cũng đã thông báo kế hoạch hợp nhất của 4 cơ quan thực thi pháp luật trên biển vào Cục cảnh sát biển thuộc Cục hải dương quốc gia nhằm tăng cường các khả năng thực thi pháp luật trên biển.
4 cơ quan gồm Cơ quan hải giám thuộc Cục hải dương quốc gia, Cơ quan tuần duyên thuộc Bộ công an, Cơ quan thực thi pháp luật ngư nghiệp thuộc Vụ quản lý ngư nghiệp của Bộ nông nghiệp, Cục chống buôn lậu đường biển thuộc Tổng cục hải quan.
Các động thái trên của Trung Quốc diễn ra trong bối cảnh Trung Quốc có các cuộc tranh chấp chủ quyền với một loạt quốc gia trong khu vực.
Trung Quốc có tranh chấp chủ quyền với Nhật Bản ở Hoa Đông liên quan tới quần đảo Senkaku/Điếu Ngư. Trong khi đó, Bắc Kinh ngày càng có hành động bành trướng ở Biển Đông, là nơi có các tuyên bố chủ quyền chồng lấn giữa Trung Quốc, Philippines, Việt Nam, Brunei và Malaysia.
Theo Dân trí