Bằng Tổ quốc ghi công đã được trao tặng cho 2 gia đình “hiệp sĩ”
Sáng 18/8, trao đổi với PV Người Đưa Tin Pháp Luật, ông Đào Ngọc Lợi, Cục trưởng cục Người có công (bộ LĐ-TB&XH) cho biết, 2 công dân Nguyễn Văn Thôi (SN 1976, Mỹ Lợi, Phù Mỹ, Bình Định) và Nguyễn Hoàng Nam (SN 1989, Sông Trầu, Trảng Bom, Đồng Nai) đã được Thủ tướng Chính phủ truy tặng Bằng Tổ quốc ghi công.
Trước đó, 2 công dân Nguyễn Hoàng Nam và Nguyễn Văn Thôi đã tham gia vào nhóm “hiệp sĩ đường phố” Tân Bình (TP.HCM) nhằm tuần tra bắt cướp, góp phần bảo vệ an toàn cho người dân tại TP.HCM.
Cụ thể, ngày 13/5/2018, khi nhóm “hiệp sĩ” đi đến đường Cách Mạng Tháng Tám (phường 10, quận 3, TP.HCM) thì phát hiện 2 thanh niên đi xe máy hiệu có dấu hiệu đang trộm cắp 1 chiếc xe máy của người dân để trước cửa hàng. Nhóm hiệp sĩ lao vào khống chế. Các đối tượng rút dao chống trả và khiến anh Nguyễn Hoàng Nam và anh Nguyễn Văn Thôi tử vong. Sau khi sự việc diễn ra, dư luận xã hội đã đồng tình với việc đề nghị truy tặng danh hiệu liệt sĩ với 2 hiệp sĩ đường phố, đã hi sinh thân mình để bắt cướp.
Cuối tháng 5/2018, UBND TP.HCM đã có văn bản đề nghị bộ LĐ-TB&XH xem xét trình Thủ tướng công nhận liệt sĩ và cấp bằng Tổ quốc ghi công với 2 “hiệp sĩ”.
Cũng theo đại diện cục Người có công, dịp kỷ niệm 73 năm ngày Thương binh liệt sĩ (27/7/1947-27/7/2020), TP.HCM có 6 trường hợp được công nhận là liệt sĩ gồm: Hai trường hợp “hiệp sĩ” đường phố thời bình, còn có 4 trường hợp là các chiến sĩ và sĩ quan quân đội hi sinh trong kháng chiến.
Được biết, sở LĐTB&XH TP.HCM đang làm các thủ tục để địa phương ra quyết định trợ cấp ưu đãi hàng tháng theo quy định. Riêng 1 người có con hiện ở TP.HCM thì Sở ra quyết định cho hưởng trợ cấp đến năm 18 tuổi.
Dưới góc nhìn pháp lý, luật sư Phan Kế Hiền, công ty Luật TNHH Bảo Tín thuộc đoàn Luật sư TP.Hà Nội nêu quan điểm: "Hiệp sĩ đường phố" từ trước đến nay luôn là 1 hình ảnh đẹp trong mắt người dân trong thời bình. Việc phát hiện, ngăn chặn hành vi phạm tội của các hiệp sĩ đường phố là hoạt động tự nguyện, tranh thủ thời gian rảnh rỗi bên cạnh công việc chính hằng ngày để góp phần bảo vệ trật tự an toàn xã hội trên địa bàn thành phố trong nhiều năm qua.
Khoản 3, Điều 3, Bộ luật Hình sự năm 2015 quy định: “Mọi công dân có nghĩa vụ tích cực tham gia phòng, chống tội phạm”. Như vậy, tuy không quy định cụ thể nhưng nhà nước cũng đã công nhận việc phòng chống tội phạm là nghĩa vụ của mọi công dân. Do đó, việc làm của các hiệp sĩ không vi phạm quy định pháp luật, phù hợp với chuẩn mực chung.
Tại khoản e và khoản đ, Điều 11 pháp lệnh Ưu đãi người công quy định, những trường hợp được công nhận là liệt sĩ và được Nhà nước truy tặng bằng "Tổ quốc ghi công”, gồm người đã hy sinh vì sự nghiệp cách mạng giải phóng dân tộc, bảo vệ Tổ quốc và làm nghĩa vụ quốc tế, hoặc vì lợi ích của Nhà nước, của nhân dân. Trong khi đó, theo nghị định 31/2013 quy định cụ thể điều kiện xác nhận liệt sĩ cũng nêu rõ, người trực tiếp tham gia đấu tranh chống lại hoặc ngăn chặn các hành vi nguy hiểm cho xã hội thuộc các tội được quy định trong Bộ luật Hình sự; dũng cảm thực hiện công việc cấp bách, nguy hiểm phục vụ quốc phòng và an ninh cũng được công nhận là liệt sĩ.
Theo các quy định pháp luật nêu trên, luật sư cho rằng việc công nhận liệt sĩ và cấp bằng Tổ quốc ghi công với 2 hiệp sĩ đường phố Nguyễn Văn Thôi và Nguyễn Hoàng Nam là phù hợp với các quy định hiện hành của pháp luật và thể hiện được tính nhân văn của pháp luật, xứng đáng với những gì họ đã làm, đã hi sinh cho Tổ quốc thời bình.
Luật sư ủng hộ vấn đề này và cũng nhấn mạnh xã hội cần tôn vinh những người như 2 "hiệp sĩ" trên, mô hình này cần tiếp tục được phát triển, nhân rộng. Tuy nhiên, song song với việc phát triển mô hình này cần đảm bảo sự an toàn cho các hiệp sĩ, cần phải trang bị kỹ năng, điều kiện một cách tốt nhất. Còn nếu thiếu cơ sở pháp lý cho mô hình này thì cũng phải củng cố, bổ sung cho hoàn thiện. Việc hi sinh của 2 hiệp sĩ trong trường hợp bị tội phạm đâm chết khi ngăn chặn hành vi trộm cướp tại quận 3, TP.HCM và việc công nhận liệt sĩ có thể dựa trên các tình tiết sau: Trực tiếp tham gia đấu tranh chống lại hoặc ngăn chặn các hành vi nguy hiểm cho xã hội thuộc các tội được quy định trong Bộ luật Hình sự; dũng cảm thực hiện công việc cấp bách, nguy hiểm phục vụ quốc phòng và an ninh; dũng cảm cứu người, cứu tài sản của Nhà nước và nhân dân.
Chỉ công nhận liệt sĩ thời bình với trường hợp hành động đặc biệt dũng cảm?
Liên quan đến vấn đề công nhận liệt sĩ thời bình, tại phiên họp số 47 vừa qua, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) cho ý kiến về dự án pháp lệnh Ưu đãi người có công với cách mạng (sửa đổi).
Một số nội dung cụ thể được Chính phủ xin ý kiến UBTVQH tại phiên họp 47 gồm: Về chính sách ưu đãi đối với thế hệ thứ ba của người hoạt động kháng chiến liên quan đến phơi nhiễm chất độc hóa học; Về bổ sung chế độ đối với vợ hoặc chồng liệt sĩ đã tái giá; Về công nhận liệt sĩ thời kỳ đất nước hòa bình (thời bình); Về công nhận bệnh binh thời kỳ đất nước hòa bình (thời bình).
Về công nhận liệt sĩ thời kỳ đất nước hòa bình (thời bình), theo quy định hiện hành, người dũng cảm cứu người, cứu tài sản của nhà nước và nhân dân khi mà chết thì được xem xét công nhận liệt sĩ. Tuy nhiên, theo Bộ trưởng bộ LĐ-TB&XH Đào Ngọc Dung, thực tiễn áp dụng quy định này, nhiều trường hợp chết đuối nước khi cứu người, cứu tài sản hoặc tham gia phòng, chống bão lũ, chết do tai nạn khi làm nhiệm vụ… dù rất cần phải tuyên dương, ghi nhận trong xã hội song việc được công nhận liệt sĩ làm dư luận xã hội không đồng tình. Trong khi việc cứu người là trách nhiệm và nghĩa vụ của công dân theo quy định của Bộ luật Hình sự (Điều 132 tội Không cứu giúp người đang ở trong tình trạng nguy hiểm đến tính mạng).
Do đó, Chính phủ sửa đổi dự thảo Pháp lệnh theo hướng chỉ xem xét đối với những trường hợp chết do có hành động đặc biệt dũng cảm thực hiện các công việc đặc biệt nguy hiểm, cấp bách, để cứu người, cứu tài sản của Nhà nước, nhân dân; là những tấm gương, có ý nghĩa tôn vinh, giáo dục và lan tỏa rộng rãi trong xã hội. Những trường hợp khác hướng chuyển sang khen thưởng theo pháp luật thi đua khen thưởng (Huy chương, Huân chương) và thực hiện trợ cấp mai táng hoặc hưởng chính sách tử tuất theo luật Bảo hiểm xã hội.
Lan- Thúy