Theo thông tin từ Sở Y tế tỉnh Phú Thọ, khuya ngày 19/06/2020, Trung tâm Y tế huyện Thanh Sơn đã tiếp nhận bệnh nhân N.V.D (58 tuổi, xã Cự Thắng, huyện Thanh Sơn) tới khám do tai bỗng nhiên đau nhức nhối.
Theo đó, trong lúc nằm nghỉ người này bỗng nhiên thấy tai đau dữ dội, kèm buốt và ù tai. Tại bệnh viện, bệnh nhân được chỉ định nội soi kiểm tra tai. Kết quả đã phát hiện con gián dài 2cm nằm sâu trong ống tai khiến cả bác sĩ và bệnh nhân đều bất ngờ. Sau khi tiến hành gắp bỏ con gián ra ngoài, tình trạng buốt tai của bệnh nhân cũng được giảm bớt, VTV thông tin thêm.
Theo các bác sĩ, gần đây, trung tâm tiếp nhận nhiều người nhập viện do bị gián chui vào tai trong lúc ngủ. Bệnh nhân ở mọi lứa tuổi từ các em nhỏ, thiếu nhi, thanh niên đến người cao tuổi. Với những trường hợp này, nếu không được nhanh chóng gắp bỏ, gián có thể chui sâu vào lỗ tai, gây thủng màng nhĩ, viêm tai hoặc gây nhiễm trùng.
Giới chuyên môn lưu ý côn trùng chui vào tai hay dị vật nói chung khiến nạn nhân đau dữ dội một bên tai. Nếu chỉ là côn trùng bò trong ống tai sẽ gây cảm giác nhột, ngứa, khó chịu, trẻ nhỏ đang ngủ khóc thét lên… Còn nếu gây sang chấn ống tai hoặc màng nhĩ, bệnh nhân có thể đau đến "muốn ngất".
Qua sự việc này, các bác sĩ đưa ra lời khuyên: Nếu đang ngủ bỗng nhiên thấy đau tai không rõ nguyên nhân, đầu tiên nên soi tai xem có gì không, nếu phát hiện côn trùng chui vào tai đừng cố lấy ra vì chỉ khiến nó càng chui sâu vào bên trong, gây chấn thương màng nhĩ. Hãy đến ngay cơ sở y tế gần nhất để được loại bỏ dị vật ra ngoài.
Để tránh côn trùng chui vào tai, nên ngủ trên giường cách mặt đất ít nhất 30cm, không nên nằm trên nền đất; không nên ăn, uống tại nơi ngủ nghỉ. Với trẻ nhỏ, cần vệ sinh sạch sẽ sau khi bé bú sữa, thường xuyên thay quần áo, ga giường, vỏ gối nếu bị dính sữa; vệ sinh nhà cửa thoáng mát để hạn chế côn trùng “cư trú” trong nhà.
Minh Hoa (t/h)