Đến thời điểm này, hiện tượng “sở toàn sếp, phòng không nhân viên” không còn là chuyện hiếm gặp. Nếu như năm ngoái, sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh Hải Dương trở thành tâm điểm của sự chú ý khi có 44 người giữ chức vụ từ phó trưởng phòng trở lên trên tổng số 46 biên chế thì sang năm nay, các trường hợp lạm phát cấp phó tại các sở ngành liên tục bị phát hiện, khiến người dân đi từ sự bất ngờ này sang… sự quen thuộc khác.
Xin liệt kê một vài ví dụ như việc sở Nội vụ tỉnh Thanh Hóa chỉ ra tình trạng thừa… phó phòng do bổ nhiệm sai, bổ nhiệm trái quy định tại nhiều đơn vị trên địa bàn tỉnh; sở Nông nghiệp Thanh Hóa có tới 8 phó giám đốc; hội Nông dân tỉnh Thái Bình có 21 người thì 14 người làm lãnh đạo…
Bên cạnh những dấu hiệu tiêu cực trong công tác cán bộ ở một số tỉnh thành, người ta cũng sốt sắng đi tìm nguyên nhân thực sự gây lạm phát… sếp. Đằng sau những sai phạm khiến dư luận bức xúc thời gian qua là “hậu duệ”, “quan hệ”, “tiền tệ” hay sức mạnh vô hình nào khác?
Các “thám tử mạng” giàu trí tưởng tượng đã đưa ra rất nhiều giả thiết, nhưng tất cả đều trật lất so với lời nhận định của ông Đỗ Xuân Thành, Trưởng ban tổ chức Tỉnh ủy Thái Bình. Trả lời phỏng vấn VTC News, ông Thành cho rằng việc bổ nhiệm các chức vụ tại Đảng ủy khối các cơ quan tỉnh Thái Bình (nơi có 13/19 người làm lãnh đạo) không có gì sai vì “theo quy định của Trung ương hiện nay không quy định rõ mỗi phòng, ban được bổ nhiệm tối đa bao nhiêu phó ban.”
Vậy là, chúng ta đã mắc sai lầm trong việc suy luận, từ đó không tìm được câu trả lời xác đáng. Lỗi đâu nằm ở người bổ nhiệm “sếp” hay “sếp” được bổ nhiệm. Lỗi to, lỗi nhỏ (nếu có) đều nằm ở cái quy định chưa hoàn chỉnh kia! Phòng có 13 hay 18 lãnh đạo trên tổng số 19 người thì đã sao; chỉ cần làm đúng trình tự, thủ tục thì các phòng, ban bổ nhiệm có bổ nhiệm bao nhiêu cấp phó cũng “không sai” quy trình kia mà?!
Hơn nữa, ông Phạm Văn Huấn, Bí thư Đảng ủy khối các cơ quan tỉnh Thái Bình đã lên tiếng giải thích về việc bổ nhiệm tại đơn vị này, rằng khi xuống cơ sở “cần phải có chức, có hàm thì mới làm việc được”. Điều này có nghĩa là, mục đích cuối cùng của việc bổ nhiệm nhiều cấp phó là hoàn thành công việc trong thời gian sớm nhất, chứ không phải là để “nghe cho oai” hay để các sếp cùng nhau đun nước, pha trà…
Thiết nghĩ, cùng với việc bổ sung quy định cụ thể về bổ nhiệm cấp phó, ta cũng nên có quy định rõ ràng về các trường hợp cần đỏ mặt xấu hổ.
Trương Chi
* Bài viết thể hiện quan điểm riêng của tác giả