Vui như có... đám ma!
Nhờ quen biết với một anh bạn tên Vàng A Ri, làm nghề khuân vác đồ cho khách du lịch leo núi Phanxipăng, tôi có dịp tham dự đám tang một cô gái trẻ, ngay tại bản của anh. Bản Cát Cát cách thị trấn Sa Pa (huyện Sa Pa, tỉnh Lào Cai) hơn 3km vòng qua mấy quả đồi, đường vào bản quanh co heo hút, uốn theo con suối Mường Hoa thuộc dãy Hoàng Liên Sơn. Tuy cách thị trấn không xa, nhưng bản làng người Mông đen ở đây vẫn mang đậm những nét hoang sơ vốn có.
Người nhà làm lễ trước khi đem xác đi chôn.
Do mấy ngày mưa liên tục nên đường vào bản bùn ngập ngang mắt cá chân, ngổn ngang những vết chân người lẫn với cả phân trâu. Những người tới dự đám ma đều mang ủng vì đường rất trơn và bẩn. Hình ảnh đầu tiên đập vào mắt chúng tôi khi tới nhà có tang không phải không khí tang tóc bao trùm mà như trong một lễ hội. Những người say rượu ngồi la liệt từ đầu cổng, tới hiên nhà, mé ngoài chuồng trâu. Trong nhà người người chen nhau quanh chiếc trống lớn tùng tùng và tiếng khèn Mông dặt dìu.
Theo anh Giàng A Chừ (43 tuổi), đám tang là làm cho người sống vui vẻ, bởi người chết sẽ về thiên đường cùng ông bà tổ tiên. Theo lý, tức là nghi lễ của người Mông đen ở Sa Pa, có rất nhiều cách thức tổ chức đám tang cho người chết. Tùy theo nguyên nhân của cái chết như thế nào, sẽ có cách thức tổ chức đám ma riêng. Có sự khác biệt lớn giữa người chết già, người chết trẻ, người chết tại nhà hay người chết do tai nạn ngoài đường, ngoài rừng.
Một trong số những nét cơ bản khác biệt đó nằm ở chỗ đối với cái chết của người già thì người thân được giữ xác từ 3 đến 5 ngày tùy theo gia đình giàu hay nghèo. Người chết được thay quần áo và bỏ xác vào quan tài trước khi chôn. Đối với những người trẻ khi chết đi, người tạ không cho thi thể người chết vào quan tài ngay, mà để nguyên xác chết giữa nhà rồi tổ chức đám tang. Sau đó khiêng ra ngoài rừng, mới bắt đầu đào huyệt và ghép quan tài. Đối với người không may chết ngoài đường, ngoài rừng người Mông đen sẽ dựng lán ngoài sân, ngoài vườn để làm đám tang, tuyệt đối không đem xác vào nhà.
Mỗi người trong bản đến viếng đám ma, đều mang theo trong trên lưng một gùi lớn đựng từ 10 đến 20kg thóc, một bình rượu trắng khoảng 5 đến 10 lít đưa cho gia chủ cùng 50 ngàn tiền mặt. Nếu đưa 100 ngàn, nhà chủ sẽ trả lại cho khách 50 ngàn chứ không lấy thêm.
Những người thân, bạn bè đến tiễn đưa người chết, họ bước vào nhà đem theo chai rượu đến trước mặt người chết để làm lễ. Họ rót rượu từ trong bình của mình mời người chết, bằng cách đặt sát vào môi, rồi xoay chén rượu 3 vòng trên mặt. Sau đó họ tung hai tấm thẻ tre nhỏ để biết người chết nhận lễ hay không, tới khi hai mặt tấm thẻ cùng sấp hay cùng ngửa có nghĩa là đã đồng ý, rồi đổ rượu vào chiếc thùng gỗ.
Trong đám ma của người Mông đen ở Sa Pa những người thân vui vẻ nói chuyện và uống rượu suốt những ngày làm đám. Bên cạnh đó là những thợ khèn, thợ trống nhảy múa suốt ngày đêm. Họ liên tục mời nhau uống rượu theo vòng, cứ người này mời người kia cho tới khi mệt và say.
Phong tục kỳ lạ
Trong đám tang này cô gái mới 25 tuổi, chết do bệnh nặng và không có điều kiện thuốc thang. Sau khi phát hiện cô đã chết trên giường, người anh trai nhanh chóng thông báo cho bà con trong bản, bằng cách bắn hai phát súng kíp lên trời. Người trong bản đều biết tín hiệu này là báo có người mới chết. Sau đó, thầy Mo được mời về để làm lễ, người chết được thay váy áo và giày mới, chân được bó bằng một tấm vải. Tuy nhiên, chân người chết được bó bằng vải màu trắng, chứ không phải vải đen như những người phụ nữ H'Mông vẫn bó chân thường ngày.
Nghi lễ thứ nhất gọi là lễ Ngựa tức là đưa xác người chết lên treo giữa nhà để cúng. Họ dùng ván gỗ Pơ Mu hoặc hai đoạn tre dài được ghép lại với nhau thành tấm bằng những sợi dây rừng cho người chết nằm. Họ buộc chân và phần thân người chết trong tư thế nằm ngủ, trên người phủ rất nhiều quần áo chỉ để hở chân và mặt. Ngoài ra, họ buộc một con gà trống vào thân một cây Nỏ cùng một con dao rồi cúng cho người chết mang theo.
Lễ thứ hai trong đám tang người Mông đen là lễ mổ trâu, mổ lợn, tùy theo gia đình giàu hay nghèo mà lễ vật lớn hay nhỏ. Họ đem trâu, lợn tới với ngụ ý giao cho người chết, sau đó sẽ giết thịt làm đồ cúng và chia cho những người tới dự đám tang. Ngoài ra, những người thân thiết, bạn bè có nhã ý muốn cúng tiến trâu, lợn cho người chết có thể đem lễ vật tới. Sau khi làm lễ giao cho người chết, phần thịt được chia cho nhà chủ phần chân sau và cái đuôi, phần còn lại được chia cho những người tới tham dự.
Đến ngày thứ ba, mọi người trong bản vẫn tiếp tục uống rượu, ăn uống và nhảy múa bên xác người chết. Không khí ngột ngạt bởi mùi rượu, mùi thịt và đám đông trong gian nhà sàn chật hẹp. Tới lúc này xác người chết đã phân hủy, bốc mùi gây gây, có nhiều đám để lâu, phần bụng bị trương lên, nước từ thi thể rơi thành giọt xuống nền nhà. Nhưng không vì vậy mà những người trong bản kinh sợ, họ vẫn say sưa mời nhau uống rượu, làm lễ với người chết. Nhiều người sờ lên mặt, vào tay người chết. Thậm chí có người say rượu, họ ngủ ngay dưới nền nhà, cạnh nơi đặt xác chết.
Ngày giờ chôn cất được gia đình và thầy Mo sắp đặt, họ thường chôn vào lúc sáng sớm khi chưa có ánh mặt trời hoặc chôn vào buổi chiều muộn. Trước đi khi đưa xác ra khởi nhà, họ làm lễ cúng giao các đồ vật để người chết mang theo. Các xâu tiền vàng được đem đốt giữa nhà, sau đó họ gói gio (tro) vào một tờ giấy đặt vào thùng gỗ đựng đồ ăn của người chết.
Những thanh niên trẻ bắt đầu chặt những sợi dây buộc chiếc cáng tre nơi người chết nằm. Họ khiêng trên vai, lúc này những que nhang mới bắt đầu được đốt, để những người thân trong gia đình quỳ lạy ngoài cửa. Họ khiêng xác chết đi rất nhanh qua rừng, dường như vừa đi vừa chạy, theo sau là rất đông người trong bản đi xem chôn cất.
Nơi chôn cất cách xa nhà khoảng 2km, trên một khu đồi tre xanh tốt, người ta mới bắt đầu hạ cáng khiêng người chết xuống. Những người phụ nữ chỉnh sửa trang phục cho người chết một lần nữa. Trong khi đó những người đàn ông bắt đầu đào huyệt mộ. Thầy Mo lẩm nhẩm một bài cúng bí truyền rồi tung 2 chiếc thẻ tre tới khi hai mặt đều nhau, sau đó lấy chiếc khăn đỏ bỏ vào ngực áo của người chết rồi mới đậy nắp quan tài.
Trước đó một lát, những người phụ nữ không ai bảo ai đã chạy về bản rất nhanh. Sau khi đóng nắp quan tài, chỉ còn những thanh niên trẻ ở lại lấp mộ. Họ vừa lấp vừa chia nhau những chén rượu cuối cùng. Khi lấp xong những người thanh niên còn lại cũng chạy đi rất nhanh, như sợ bị ma đuổi. Theo anh Má A Rơ, sau khi chôn cất được 12 ngày, người nhà sẽ mời thầy Mo về làm lễ cúng một lần nữa.
Đây là lễ mời người chết về thăm nhà, bằng cách mời thầy Mo và giết gà tế lễ để giúp linh hồn người chết ra đi thanh thản, không trở về làm hại những người thân trong gia đình. Kể từ đây người chết sẽ vĩnh viễn ra đi và những người còn sống rất ít khi nhắc tới họ bởi người Mông đen không có tập tục thờ cúng tổ tiên giống như người Kinh. Chỉ khi nào có các dịp lễ lớn hay có người trong nhà hay đau ốm thì họ mới làm lễ cúng cầu may mắn và gọi hồn người chết về lại thăm nhà.
Thông Hà