Đúng là mỗi bức ảnh đều có khả năng truyền tải một thông điệp, một câu chuyện. Chỉ nhìn qua đó, tôi cũng cảm nhận được từng tia nắng ấm áp khi mặt trời ló rạng ngoài biển, cái rét muốt trong sương mù ở vùng cao và cả sự khó thở bao trùm “dòng sông tuyết” giữa một vùng chiêm trũng.
Được biết, tình trạng này đã xuất hiện từ 10 năm nay nhưng lần này là nghiêm trọng nhất.
Không chịu nổi cảnh ô nhiễm, nhiều hộ dân đã đưa người già, trẻ nhỏ di chuyển ra khỏi khu vực. Nhưng họ không thể thay đổi sự thật: Nguồn nước được sử dụng vào 2 mục đích chính là sản xuất cho vụ Đông Xuân và tưới tiêu cho rau màu.
Theo thông tin từ sở Tài nguyên - Môi trường tỉnh Hà Nam, những kết quả xét nghiệm ban đầu mẫu nước tại sông Nhuệ được xác định mức độ ô nhiễm đặc biệt nghiêm trọng.
Bên cạnh đó, lãnh đạo xã Yên Bắc khẳng định hiện tượng này không liên quan tới bất cứ sự xả thải của công ty nào. Ai cũng biết dòng chảy đen ngòm bắt nguồn từ đâu, ai cũng biết lối hành xử thiếu văn hóa với môi trường đã để lại hậu quả nặng nề nhưng điệp khúc “ai chịu trách nhiệm” thì vẫn lửng lơ giữa không trung.
Những “người ngoài cuộc” như chúng ta có thể thư thái tạo dáng chụp hình cùng “dòng sông tuyết” rồi tặc lưỡi phủ nhận câu nói “nhất cận thị, nhị cận giang, tam cận lộ” còn những người dân địa phương nếu không lạc quan, tiếp tục “sống chung với ô nhiễm” như 10 năm qua có lẽ chỉ còn nước rời bỏ mảnh đất thân thuộc mà đi.
Cái vòng luẩn quẩn quanh việc phát triển và bảo vệ môi trường chẳng biết đến bao giờ mới được gỡ bỏ. Chưa nói đến việc tiếp nhận nước thải chính của các doanh nghiệp, hoạt động trồng trọt, chăn nuôi, làm thủy lợi, phát triển đến làng nghê cũng có thể ảnh hưởng nghiêm trọng đến ao, hồ, kênh, mương.
Thuốc bảo vệ thực vật, phân bón, rác thải, thậm chí cả chất thải kim loại nặng… đã và đang bức tử những dòng sông, kéo theo đó là cái chết của những “bờ xôi, ruộng mật” nằm dọc lưu vực.
Lực bất tòng tâm, tôi cũng chỉ biết buông một tiếng thở dài trước nỗi buồn không của riêng một dòng sông. Dù không sở hữu lớp “tuyết thơ mộng”, trắng xóa, dâng lên tới gần mặt đường như khúc sông tại huyện Duy Tiên (Hà Nam), con sông quê tôi cũng chẳng còn “xanh biếc, nước gương trong soi tóc những hàng tre”, đôi chỗ còn ken đặc rác thải.
Vừa nghĩ tới cảnh “úp mặt vào sông quê” như câu hát thân quen mà tóc gáy tôi bất giác dựng ngược. Tự hỏi: Lẽ nào phải “phiêu dạt” nốt nửa đời còn lại để giữ vẹn ký ức sông quê?