Ở tuổi 32, Nick Vujicic đã là một người đàn ông nổi tiếng khắp thế giới, diễn giả được chào đón trên hàng chục quốc gia, và có một gia đình hạnh phúc. Nhưng trước khi có được những thành công đó, Nick cũng đã từng tuyệt vọng và nhiều lần cố gắng tự tử. Khoảng thời gian khó khăn đó được anh chia sẻ trong hai cuốn tự truyện nổi tiếng: Cuộc sống không giới hạn và Đừng bao giờ từ bỏ khát vọng. Cùng nhìn lại những khoảnh khắc tuyệt vọng của người chàn trai kỳ diệu nhất hành tinh này.
Những năm tháng đầu tiên đến trường, khuyết tật tứ chi đã khiến Nick Vujicic trở thành mục tiêu châm chọc của bạn bè. Anh bị chỉ trỏ, chê cười, bị chọc phá vì “khác người”. Lúc đó Nick cảm thấy cô đơn, thất vọng triền miên và chỉ muốn tan biến khỏi cõi đời thật sớm, để thoát khỏi đau khổ.
Nick tâm sự trong cuốn tự truyện đầu tay: “Bạn biết đó, ai bước vào giai đoạn cuối tuổi mới lớn cũng đều bỡ ngỡ và chênh chao, còn tôi, tôi hoàn toàn thất vọng về bản thân mình và cảm thấy mình sẽ không bao giờ là một người “bình thường” được.
Không thể giấu đi đâu cái sự thật rằng cơ thể của tôi không giống như các bạn cùng lớp. Tôi đã cố gắng thực hiện các hoạt động rất bình thường như bơi lội, trượt ván, nhưng làm như thế chỉ càng khiến tôi ý thức rõ hơn rằng mình sẽ không bao giờ làm được những việc giản đơn mà hầu hết mọi người hiển nhiên đều làm được”.
Và dù có cố gắng bao nhiêu chăng nữa anh cũng không thể ngăn được một số đứa trẻ tàn nhẫn gọi mình là “quái vật”, “người ngoài hành tinh”.
Những năm tháng đầu tiên đến trường, khuyết tật tứ chi đã khiến Nick Vujicic trở thành mục tiêu châm chọc của chúng bạn trong trường. Anh bị chi trỏ, chê cười, bị chọc phá vì “khác người”.
Cũng trong cuốn sách này anh chia sẻ: “Tất nhiên tôi là một con người và tôi mong muốn mình được giống như mọi người, nhưng dường có rất ít cơ hội để tôi đạt được khát khao đó. Tôi cảm thấy mình không được chào đón trong cuộc đời này. Tôi muốn được chấp nhận. Nhưng không thể. Tôi muốn được hòa nhập. Nào có được đâu. Tôi thật sự bế tắc. Lòng tôi quặn thắt. Tôi chán nản, hay nghĩ quẩn và không tìm thấy lẽ sống cho cuộc đời mình”.
Thời điểm đó, Nick cảm thấy mình là gánh nặng của những người xung quanh và tốt nhất là nên "biến đi". Anh muốn thoát khỏi tủi nhục, muốn chết luôn khi còn bé.
Mặc dù luôn được sống giữa những người yêu thương mình, nhưng lúc nhỏ, Nick đã không tìm đến họ để tâm sự về nỗi lòng của bản thân. Anh có những nguồn giúp đỡ và sẻ chia, nhưng không sử dụng, và đó là một sai lầm... Khi ấy anh đã quyết định rằng để chấm dứt mọi nỗi đau khổ, nhất định phải kết thúc cuộc sống của mình.
Và rồi ý định tự tử đã xuất hiện trong đầu Nick khi mới 8 tuổi. Cậu bé Nick lúc đó dự định ném mình từ trên cao xuống và liên tục vật lộn với cảm giác tuyệt vọng rằng cuộc đời rồi đây sẽ vô cùng khó khăn.
Nick loay hoay tính toán xem mình nên lao xuống phía nào để đảm bảo sẽ gãy cổ và chết ngay tức thì. Nhưng rồi Nick đã không nên làm thế, chủ yếu bởi vì nếu ném mình xuống mà không chết thì Nick sẽ phải giải thích tại sao mình lại thất vọng đến như vậy.
Đối với Nick, ý định tự hủy hoại mình lúc đó quả là đáng sợ. Anh không dám nói cho mẹ mình biết về suy nghĩ tuyệt vọng đó vì không muốn bà hoảng sợ.
10 tuổi tự dìm mình xuống bồn tắm
Ý định tự tử vẫn còn đeo bám Nick đến năm 10 tuổi. Một buổi chiều, sau khi tan học, Nick nói với mẹ đưa mình vào bồn tắm để dầm nước. Khi mẹ ra khỏi phòng, Nick đã ngâm mình xuống nước đến tận tai. Trong im lặng, những ý nghĩ rất nặng nề, u ám lan tràn tâm trí cậu bé 10 tuổi. Bởi cậu đã lên kế hoạch cho hành động này từ trước.
Nhớ lại tâm trạng của mình vào thời điểm đó, Nick viết trong tự truyện Cuộc sống không giới hạn: “Nếu Chúa không mang nỗi khổ đau của tôi đi và nếu không có mục đích nào dành cho tôi trong cuộc đời này… nếu tôi tồn tại trên đời này chỉ để chịu đựng sự xa lánh và cô đơn… Nếu tôi là gánh nặng cho mọi người và tôi không có tương lai thì tôi nên kết thúc cuộc sống của mình ngay bây giờ”.
Mặc dù, Nick đã có thể bơi và giữ cơ thể nằm ngửa nổi trên mặt nước bằng cách hít đầy không khí vào phổi. Nhưng với những suy nghĩ u ám, dồn nén, cậu bé 10 tuổi này đã quyết định đếm ngược thời gian để đến với tử thần.
Nhưng một hình ảnh vụt hiện trong đầu Nick: cha mẹ đang đứng trước mộ mình khóc trong đớn đau, và Aaron đứa em trai bảy tuổi của anh cũng đang khóc. Tất cả những người thân yêu nhất của anh đều đang khóc, nói rằng cái chết của Nick đó là lỗi của họ, và dằn vặt bởi lẽ ra họ phải làm được nhiều hơn cho anh.
Và anh liền hiểu rằng mình không thể tự tử. Bởi anh không thể chịu đựng nổi khi có ý nghĩ bỏ lại những người thân của mình để họ đau khổ và tự dằn vặt về cái chết của anh trong suốt phần đời còn lại. Nick vội lật người lên, hít vào một hơi thật sâu và rũ bỏ ý định tự tử.
Trong một thời gian dài, Nick đã nghĩ rằng nếu cơ thể “bình thường” hơn thì cuộc sống của anh sẽ dễ dàng biết bao. Nhưng chính những trải nghiệm thực tế đã giúp anh thay đổi quan điểm không nhất thiết cứ phải là người bình thường, nhưng cần là chính mình.
“Nếu bạn không được ở vị trí mà bạn mong muốn hoặc không đạt được những gì bạn hy vọng đạt được, thì nhiều khả năng lý do không nằm ở xung quanh bạn, không nằm ở bên ngoài bạn mà ở trong chính bản thân bạn. Hãy nhìn nhận trách nhiệm một cách sáng suốt và sau đó hãy hành động. Tuy nhiên, trước hết bạn phải tin tưởng vào bản thân mình và giá trị của mình.
Bạn không thể ngồi đó đợi người khác phát hiện ra cơ may giúp bạn. Bạn không thể ngồi yên chờ đợi điều kỳ diệu xảy ra hoặc chờ đợi “cơ hội thích hợp”. Bạn nên coi mình là chiếc đũa và thế giới là nồi thịt hầm của bạn. Hãy khuấy nó lên!” - đó là lời nhắn nhủ của Nick sau những trải nghiệm đau buồn của chính bản thân mình.
Ngày mai (22/5), Nick sẽ có mặt tại TP.HCM. Ngay buổi tối mai, chàng trai kỳ diệu này sẽ có buổi giao lưu Hại giống tâm hồn - Hãy sống cho điều ý nghĩa hơn, dành cho cộng đồng và người khuyết tật. Ngày 23, anh sẽ có mặt tại Hà Nội để tham gia diễn thuyết, giao lưu và sau đó quay trở lại TP.HCM.
Trong những ngày qua, dù ban tổ chức đã tăng lên gần gấp đôi số vé nhưng lượng người gửi thông tin đăng ký vẫn không ngừng tăng.
Theo Infonet