Cỏ dại mọc trên đá hóa “lộc trời”
Ở miền Bắc và miền Trung nước ta, nếu vào rừng, bạn có thể bắt gặp một loài thực vật mọc trên đá. Người ta gọi chúng là “thạch xương bồ”.
Thạch xương bồ thường mọc hoang trong rừng núi, sông suối hoặc trên những tảng đá có nước chảy. Thoạt nhìn, chúng không khác gì cỏ dại thông thường, nhưng người sành sỏi nhìn qua có thể nhận ra ngay giá trị dược liệu và giá trị kinh tế đặc biệt của chúng.
Rễ của thạch xương bồ (phần rễ cái to), thường được thu hoạch vào mùa thu hoặc mùa đông. Rễ có màu nâu, mỏng và phân đốt, tỏa mùi thơm, thịt rễ màu hồng. Sau khi thu hoạch rễ, người ta sẽ làm sạch, sấy hoặc phơi khô chúng. Nếu dùng làm dược liệu thì cần sơ chế, ủ qua đêm rồi bào và phơi khô.
Trong y học cổ truyền, thạch xương bồ có công dụng làm an thần, tẩy uế, long đờm. Ngoài ra còn có thể hỗ trợ điều trị chứng suy nhược thần kinh, phong tê thấp, trẻ nhỏ bị nóng sốt, ăn không ngon, tiêu hóa kém… Trong y học hiện đại, thạch xương bồ có công dụng an thần, chống co giật.
Không chỉ có ở Việt Nam, thạch xương bồ còn phân bố tại Trung Quốc và được người tiêu dùng nước này đặc biệt yêu thích. Lá thạch xương bồ có mùi rất thơm nên được người Trung Quốc dùng làm gia vị để nấu vịt hoặc xào ốc.
Tất nhiên, người Trung Quốc cũng dùng thạch xương bồ như một loại dược liệu giúp kích thích ăn ngon, loại bỏ đờm, giúp thanh nhiệt và an thần. Ngoài ra, người ta còn dùng chúng để điều trị một số chứng bệnh như đau dạ dày, đau bụng… Tại thị trường xứ Trung, rễ thạch xương bồ có giá khoảng 42 NDT/kg, tương đương 146.000đ/kg.
Còn ở Việt Nam, rễ thạch xương bồ khô loại 1 có thể bán với giá lên đến 180.000đ cho 100g. Ngoài ra, cây thạch xương bồ còn được bán để làm cây thủy sinh cho bể cá với giá chỉ khoảng 8.000đ/cây.
Hương Nguyễn (Theo weixin.qq)