Tấm huân chương Lao động hạng nhất, do đích thân Thủ tướng Chính phủ gắn lên ngực áo là một sự tưởng thưởng đối với những nỗ lực không ngừng nghỉ để đạt thành tích lịch sử tại thế vận hội Olympic của xạ thủ Hoàng Xuân Vinh. Nụ cười đầy tự hào của anh đã chứng minh điều đó.
Nhưng như vậy dường như là chưa đủ. Thay vì tập trung vào các vấn đề cần thiết phải cải tổ mà Thủ tướng nêu, các nhà tổ chức thể thao lại để ý nhiều hơn về những thứ danh hiệu rìng rang. Cụ thể, trong buổi lễ chúc mừng các vận động viên của đoàn thể thao Việt Nam trở về từ Rio, phó Chủ tịch thường trực Ủy ban Olympic Việt Nam Hoàng Vĩnh Giang còn mạnh dạn xin Thủ tướng cân nhắc trao danh hiệu Anh hùng Lao động cho Hoàng Xuân Vinh. Tuy nhiên, xạ thủ Vinh đã khéo léo chối danh hiệu ấy cho riêng mình.
Với hai tấm huy chương danh giá tại Olympic Rio 2016, Hoàng Xuân Vinh đã trở thành Anh hùng trong lòng người dân cả nước và đó mới là phần thưởng quý giá nhất. Ảnh: AFP
Thực tế những tấm huy chương của Hoàng Xuân Vinh đã lật mở quá nhiều vấn đề của ngành thể thao nước nhà. Ai dám chắc một HLV Hoàng Xuân Vinh không bị gạt ra ngoài danh sách sát cánh cùng lớp đàn em kế cận đi du đấu để nhường chỗ cho các nhà quản lý? Ngay trong giải đấu này, anh không bị sắp xếp dự giải cùng một HLV môn vật đã là điều may mắn lắm rồi. Nhìn sang những đồng đội trong đoàn đang bị lãng quên, chắc chắn vị Đại tá cũng đôi chút chạnh lòng.
Thêm nữa, dù có là bậc đại tài về sư phạm lẫn chuyên môn, không hiểu Hoàng Xuân Vinh có thể truyền đạt được bao nhiêu kinh nghiệm cho lớp đàn em với những phát đạn chay. Trong khi bản trường ca về khó khăn vẫn dài liên tu bất tận, sự thiếu thốn về kinh phí vây ráp vào từng dụng cụ luyện tập nhỏ nhất, thì các vị lãnh đạo, quản lý thể thao chỉ biết ôm bầu sữa “học hỏi” để biện minh một cách bạc nhược thì một Hoàng Xuân Vinh là không bao giờ đủ.<