Ban lãnh đạo tiếp theo của Thái Lan sẽ phải tìm cách quản lý những rủi ro, bao gồm tình trạng giá cả leo thang, thâm hụt ngân sách tăng cao và mức nợ hộ gia đình cao nhất trong khu vực.
Lạm phát nhanh nhất trong 14 năm, đồng Baht lao xuống mức thấp nhất kể từ năm 2006, và nợ hộ gia đình ở mức 88% GDP, là những vấn đề nổi cộm dự kiến sẽ định hình kỳ tổng tuyển cử vào tháng 3/2023 ở Thái Lan.
Tốc độ phục hồi “lững thững của nền kinh tế lớn thứ hai Đông Nam Á sẽ là mối quan tâm hàng đầu và trước nhất của các cử tri ở “xứ sở chùa vàng”.
“Trong khi sự phục hồi của du lịch sẽ giúp hỗ trợ tăng trưởng trong 2-3 năm tới, dân số già và nợ hộ gia đình cao khiến Thái Lan trở thành nước tụt hậu trong khu vực”, ông Ju Ye Lee, chuyên gia kinh tế tại Tập đoàn Maybank Investment Banking (Maybank IBG), cho biết. “Những thách thức này sẽ không dễ dàng giải quyết đối với Thủ tướng tiếp theo của Thái Lan”.
Lạm phát và nợ nần
Với du lịch là xương sống của nền kinh tế, chiếm 12% GDP, Thái Lan là quốc gia Đông Nam Á bị ảnh hưởng nặng nề nhất bởi Covid-19, và tốc độ phục hồi bị chậm hơn so với các nước khác trong khu vực.
Sự phục hồi của nền kinh tế Thái Lan cũng không đồng đều: Các ngành công nghiệp xuất khẩu phục hồi nhanh hơn, trong khi những người có thu nhập thấp và người làm trong ngành du lịch phải vật lộn trong bối cảnh lạm phát trên 7%.
Lạm phát kéo theo động thái tăng giá đầu tiên trong một thập kỷ đối với các nhà sản xuất mì và động thái tăng lương tối thiểu đầu tiên kể từ năm 2020. Ngoài ra, gần đây, quốc gia Đông Nam Á này cũng phải lo lắng về tác động của lũ lụt.
Ngân hàng Trung ương Thái Lan (BOT) dự kiến sẽ tiếp tục thắt chặt lãi suất nhưng với tốc độ từ từ, so với các ngân hàng trung ương khác trong khu vực. Các bên cho vay sau đó cũng đã tăng lãi suất. BOT đánh giá rằng, đà tăng giá sẽ giảm về mức mục tiêu mà họ đặt ra vào giữa năm 2023.
Là nhà nhập khẩu dầu ròng, Thái Lan tiếp tục trợ giá dầu diesel, điện và khí đốt. Chính phủ Thái Lan đã mở rộng một số hỗ trợ cho đến ngày 20/11 nhằm làm giảm nhẹ đòn giáng đối với người tiêu dùng, nhưng đồng thời cũng đang làm trầm trọng thêm gánh nặng nợ hộ gia đình.
Nợ hộ gia đình ở nền kinh tế số 2 Đông Nam Á đã tăng 1.100 tỷ Baht (29,3 tỷ USD) lên gần 90% GDP từ mức 80% trước đại dịch. Mặc dù tỉ lệ này đã giảm nhẹ trong quý II/2022, nhưng vẫn là tỉ lệ cao nhất ở Đông Nam Á, khiến chính phủ Thái Lan gặp nhiều khó khăn hơn trong việc kích thích nền kinh tế.
Những thách thức
“Tăng trưởng chậm hơn và lạm phát cao hơn đang làm trầm trọng thêm nợ hộ gia đình và bất bình đẳng”, ông Pipat Luengnaruemitchai, nhà kinh tế trưởng tại Kiatnakin Phatra Securities Pcl có trụ sở tại Bangkok, cho biết. Những vấn đề này, nếu không được giải quyết, có thể gây ra thêm nhiều tai ương về chính trị và kinh tế, ông nhận định.
Chính phủ Thái Lan đã chi khoảng 204 tỷ Baht (5,5 tỷ USD) để trợ giá năng lượng, và lần gia hạn mới nhất sẽ làm tăng thêm 20 tỷ Baht. Thâm hụt ngân sách đã tăng vọt lên mức kỷ lục 700 tỷ Baht trong năm tài chính kết thúc vào tháng 9 so với 450 tỷ Baht năm 2019, trước khi đại dịch bắt đầu.
“Chúng tôi đã cạn kiệt tất cả nguồn tài chính trong thời gian Covid với các chương trình cứu trợ và phát tiền mặt”, ông Kiatanantha Lounkaew, một giảng viên kinh tế tại Đại học Thammasat cho biết.
Nhưng chính phủ Thái Lan chỉ còn không gian rất hạn chế để vay thêm. Ngoài ra, việc đồng Baht mất giá 20% kể từ cuối năm 2020 cũng gây lo ngại. Mặc dù điều này có thể tốt cho xuất khẩu và du lịch, nhưng sự biến động của đồng Baht Thái lại ảnh hưởng đến các nhà đầu tư và người tiêu dùng.
Điểm sáng
Đã có những lời kêu gọi BOT xem xét lại lập trường không can thiệp khi đồng Baht giảm giá. Liên đoàn các ngành công nghiệp Thái Lan (FTI) - tập đoàn kinh doanh hàng đầu của quốc gia này - cho biết, các công ty muốn có một đồng Baht ổn định để ngăn lạm phát bóp chết biên lợi nhuận của họ.
Tuy nhiên, vẫn có một điểm sáng sủa hơn ở đây: Khoản vay cho năm tài chính bắt đầu từ ngày 1/10 được đặt ở mức 1.050 tỷ Baht, thấp hơn đáng kể so với mức kỷ lục 1.800 tỷ Baht trong năm tài chính 2021.
Bên cạnh đó, chuyên gia kinh tế Kobsak Pootrakool của Ngân hàng Bangkok đánh giá rằng nền kinh tế Thái Lan sẽ tăng trưởng từ 3% trở lên trong 2 năm tới bất chấp suy thoái kinh tế toàn cầu đang rình rập.
Ông Kobsak, người đồng thời là Chủ tịch Liên đoàn các tổ chức thị trường vốn Thái Lan, cho rằng nền tảng kinh tế của Thái Lan vẫn mạnh mẽ, được thúc đẩy bởi sự phục hồi nhanh chóng của ngành du lịch và đầu tư trực tiếp nước ngoài.
“Nền kinh tế thế giới đang bước vào giai đoạn suy thoái do lạm phát toàn cầu đang gia tăng và lãi suất tăng ở một số quốc gia, đặc biệt là các động thái của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) nhằm kiềm chế lạm phát”, vị chuyên gia kinh tế này nói, đồng thời cho biết rằng những khó khăn kinh tế thế giới dự kiến sẽ trở nên gia tăng và rõ ràng hơn từ cuối năm nay sang năm sau.
Trong bối cảnh đó, Thái Lan sẽ bị ảnh hưởng nhất định, đặc biệt là khi quốc gia Đông Nam Á phải đối mặt với quá trình chuyển đổi chính trị vào đầu năm sau.
“Những thay đổi chính trị có thể ảnh hưởng đến tính liên tục của các chính sách kinh tế chủ chốt của chính phủ, nhưng chúng tôi vẫn hy vọng các đơn vị giám sát kinh tế chủ chốt hiện tại, chẳng hạn như Bộ Tài chính Thái Lan và Ngân hàng Thái Lan, sẽ giúp hỗ trợ và xử lý các chính sách kinh tế đi đúng hướng”, ông Kobsak kết luận.
Minh Đức (Theo Bloomberg, Bangkok Post)