Chuyên gia dinh dưỡng người Trung Quốc Hứa Quỳnh Nguyệt từng gặp một cô gái 20 tuổi bị ung thư đại trực tràng. Cùng lúc, mẹ của cô bị ung thư biểu mô tuyến phổi. Nữ bệnh nhân cho rằng: "Tôi có thể đã bị ung thư do di truyền".
Tuy nhiên, chuyên gia Hứa lại cho rằng tình trạng sức khỏe của 2 mẹ con có liên quan đến thói quen sinh hoạt. Vị chuyên gia được biết gia đình họ thường ăn thịt nướng 3 lần mỗi tuần, dùng lốp xe kê thành bếp nướng. Thậm chí, họ còn ăn cả những miếng thịt cháy xém vì cảm thấy thơm ngon hơn.
Chuyên gia Hứa nhận định, việc cả hai mẹ con cùng mắc ung thư có thể liên quan đến việc hít phải và ăn các chất độc hại phát sinh từ việc nướng thịt trong thời gian dài. Khói từ lốp xe cháy có thể chứa các chất gây ung thư và khi nướng thịt trên lốp xe cũ, các khí độc này sẽ thải ra, gây hại trực tiếp cho sức khỏe.
Một người hàng xóm của gia đình cô gái cũng xác nhận rằng, họ thường xuyên nướng thịt trên lốp xe cũ. Theo người này, mỗi lần gia đình cô gái nướng thịt không tỏa ra mùi thơm mà là mùi khét rất khó chịu, giống mùi lốp xe cháy.
Bác sĩ Hứa cảnh báo, nếu thức ăn bị cháy, tuyệt đối không nên ăn. Nếu không thể bỏ toàn bộ, ít nhất cũng phải loại bỏ phần bị cháy. Ngoài ra, không chỉ việc ăn thực phẩm cháy mà hít phải các hạt ô nhiễm trong không khí khi nướng thịt cũng làm tăng nguy cơ mắc bệnh ung thư. Các hạt này còn bám vào quần áo, tóc và phân tán trong không gian xung quanh.
Theo nghiên cứu của các nhà khoa học, khói thịt nướng chứa nhiều chất độc hại, đặc biệt là hydrocacbon thơm đa vòng (PAHs) và amin dị vòng (HCAs) có khả năng gây ung thư.
Cơ quan Nghiên cứu ung thư quốc tế (IARC) và Viện Ung thư quốc gia Hoa Kỳ (NCI) khẳng định khói từ thịt nướng là chất gây ung thư thuộc nhóm 1, nghĩa là nhóm có bằng chứng rõ ràng về khả năng gây ung thư cho con người.
Khói thịt nướng gây hại cho con người qua hai cách: một là tác động đến gene gây đột biến gene, khiến tế bào ung thư hình thành và phát triển; hai là làm suy yếu hệ miễn dịch khiến cơ thể dễ dàng bị các tế bào ung thư khác tấn công.
Chất thứ nhất là hydrocacbon thơm đa vòng (PAHs) hình thành khi đốt cháy than, gỗ, dầu và khí đốt ở nhiệt độ cao. Khi nướng thịt, PAHs trong khói bám vào bề mặt thịt và được nạp vào cơ thể khi ăn.
PAHs gây tổn thương gene DNA, dẫn đến đột biến gene và hình thành tế bào ung thư, đồng thời làm suy yếu hệ miễn dịch, khiến cơ thể dễ bị tấn công bởi các tác nhân gây ung thư khác.
Chất thứ hai là amin dị vòng (HCAs) hình thành khi protein trong thịt, đặc biệt là thịt đỏ, phân hủy ở nhiệt độ cao. HCAs cũng gây tổn thương DNA và dẫn đến đột biến gene, làm tăng nguy cơ ung thư đại tràng, trực tràng, vú và tuyến tiền liệt.
Ngoài PAHs và HCAs, khói thịt nướng còn chứa nhiều chất độc hại khác có khả năng gây ung thư như benzen gây ung thư máu, đặc biệt là bệnh bạch cầu.
Formaldehyde gây ung thư da, mũi và họng. Dioxin gây ung thư gan, da và hệ thống miễn dịch. Furan gây ung thư gan và phổi.
Ngoài ra, các chất bụi mịn PM2.5 trong khói thịt nướng có thể gây ra nhiều vấn đề về sức khỏe
Bụi mịn PM2.5 là những hạt bụi có kích thước nhỏ hơn 2.5 micromet, có thể đi sâu vào phổi và vào máu. Khi hít phải bụi mịn PM2.5, cơ thể sẽ kích hoạt phản ứng viêm, dẫn đến các triệu chứng như ho, khó thở, tức ngực, đau họng, chảy nước mũi và mệt mỏi, hen suyễn, viêm phế quản mạn tính, bệnh tim mạch, ung thư phổi.
May mắn là cơ thể chúng ta có thể tự đào thải một lượng PAHs và HCAs nhất định, nhưng nếu nạp vào quá nhiều và nạp vào liên tục hằng ngày thì chúng sẽ tích tụ trong cơ thể và gây hại cho sức khỏe.
Dù vậy, theo Robert Turesky, chuyên gia về ung thư tại Đại học Minnesota (Mỹ), cấu tạo gene của một người có thể ảnh hưởng đến cách phản ứng với các hóa chất. "Nguy cơ mắc ung thư đối với những người ăn cùng loại thịt nấu chín kỹ có thể khác biệt đáng kể", ông Turesky nói.
"Rõ ràng, nguy cơ mắc ung thư từ ăn thịt cháy thấp hơn nhiều so với người hút 1 bao thuốc lá mỗi ngày hoặc uống rượu vô độ. Nhưng một số người ăn thịt hằng ngày nên hấp thụ lượng hóa chất độc hại thường xuyên, mức độ phơi nhiễm có thể tăng lên theo thời gian", vị chuyên gia bổ sung.
Bởi vậy, ông Turesky khuyên mọi người nên ăn thịt ở mức độ vừa phải, cố gắng không nấu quá chín hoặc làm cháy thịt.
Minh Hoa (t/h)