Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia nhận định ngưỡng chỉ số tia cực tím (UV) từ ngày 1 đến 2/1, các thành phố miền Bắc ở ngưỡng có nguy cơ gây hại cao, các thành phố miền Nam ở ngưỡng có nguy cơ gây hại cao đến rất cao.
Cụ thể, từ ngày 1 đến 2/1, chỉ số tia UV tại thành phố Hà Nội lần lượt là 6 và 6; thành phố Hải Phòng 6,2 và 6; thành phố Hạ Long 6,1 và 6; Thành phố Hồ Chí Minh là 7,5 và 7; thành phố Cần Thơ 7,9 và 7; thành phố Cà Mau là 8,5 và 7 (chỉ số tia UV từ 3-5 là nguy cơ gây hại trung bình, từ 6-8 nguy cơ gây hại cao, chỉ số tia UV trên 8 là nguy cơ gây hại rất cao).
Tia UV có ý nghĩa vô cùng quan trọng trong cuộc sống như: tổng hợp vitamin D, chống còi xương, phòng ngừa ung thư ruột kết; chữa một số bệnh ngoài da… Tuy nhiên, bức xạ cực tím UV và các bức xạ khác có trong ánh sáng mặt trời cũng rất nguy hại khi con người ở ngoài trời lâu, đặc biệt là thời điểm chỉ số UV tăng cao (thường từ 10h đến 15h hàng ngày), có thể gây nên một số bệnh về da như sạm da, lão hóa da, bỏng nắng, ung thư da hoặc các bệnh về mắt như đục thủy tinh thể…
Để phòng tránh tác hại tia UV, các chuyên gia y tế khuyến cáo người dân cần mặc quần áo bảo hộ, bao gồm các loại áo có khả năng chống nắng, như áo dài tay, áo khoác có cổ, quần dài, tối màu, mũ rộng vành để che mặt, cổ và tai, nên lựa chọn chất liệu vải chống nắng đặc biệt; đeo kính râm bảo vệ mắt - lựa chọn chất liệu tròng kính có khả năng chống nắng, độ hấp thụ tia UV từ 99-100% sẽ bảo vệ tốt nhất cho mắt và vùng da xung quanh; bổ sung hoa quả tươi giàu vitamin C, giúp hạn chế tác động có hại từ tia cực tím.
Người dân cũng nên sử dụng kem chống nắng đều đặn mỗi khi ra ngoài, ngay cả khi trời nhiều mây.
H.M