Hai Nghị quyết đầu năm của Chính phủ: Cần sự bứt phá mạnh mẽ

Hai Nghị quyết đầu năm của Chính phủ: Cần sự bứt phá mạnh mẽ

Tôn Đức Vỹ

Tôn Đức Vỹ

Thứ 4, 02/01/2019 18:28

Trong quá trình tham mưu xây dựng các Nghị quyết 01, 02 của Chính phủ được ban hành ngay ngày đầu năm 2019, Văn phòng Chính phủ (VPCP) và các Bộ, ngành, địa phương nhận thấy trong thời gian cuối của nhiệm kỳ, việc "bứt phá" rất quan trọng, cần có sự hành động mạnh mẽ để hoàn thành các chỉ tiêu của năm 2019 và của cả giai đoạn 2016-2021.

Chính trị - Hai Nghị quyết đầu năm của Chính phủ: Cần sự bứt phá mạnh mẽ

Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP Mai Tiến Dũng (ảnh: VGP/Gia Huy).

Bứt phá cần quyết tâm của cả đội ngũ

Ngay trong ngày đầu tiên của năm mới 2019, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã ký ban hành các Nghị quyết 01/NQ-CP, 02/NQ-CP của Chính phủ để cả hệ thống hành chính, cộng đồng doanh nghiệp và người dân sớm bắt tay vào việc với tinh thần quyết tâm triển khai thắng lợi toàn diện những mục tiêu, nhiệm vụ mà Đảng, Quốc hội đề ra trong năm 2019 và cả giai đoạn 2016-2021.

Trả lời báo chí ngay sau ngày diễn ra Hội nghị trực tuyến Chính phủ với các địa phương, Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP Mai Tiến Dũng cho biết, năm 2019, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đặt yêu cầu về sự tăng tốc, sáng tạo, bứt phá, phát triển, hiệu quả.

"Bứt phá tựu chung lại là các giải pháp đồng bộ, quyết liệt để thực hiện các nhiệm vụ được Trung ương, Quốc hội giao như tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hiệu quả, hiệu lực; về thể chế, cơ chế chính sách, xây dựng chiến lược quy hoạch; huy động nguồn lực đầu tư, tháo gỡ vướng mắc cho doanh nghiệp; thúc đẩy xuất khẩu, kiểm soát nhập khẩu... Để bứt phá cần một sự đột phá rất mạnh mẽ", Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP cho biết.

Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP chia sẻ: "Bứt phá còn là cả sự quyết tâm của cả đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, người lao động; cả hệ thống chính trị chứ không riêng các cơ quan của Chính phủ".

Cũng theo Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP, Nghị quyết 01/NQ-CP của Chính phủ về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2019 được Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp chặt chẽ với VPCP và các Bộ, ngành, địa phương xây dựng. Thủ tướng Chính phủ nhấn mạnh đây không chỉ đơn giản là một bản nghị quyết về kinh tế - xã hội mà là quyết tâm chính trị, thể hiện khát vọng phát triển của Chính phủ đặt ra trong chỉ đạo điều hành.

Trong quá trình xây dựng Nghị quyết 01/NQ-CP, dự thảo Nghị quyết đã được Chính phủ thảo luận, góp ý tại Phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 11 và tại 2 cuộc họp Thường trực Chính phủ. Thủ tướng Chính phủ đã nhấn mạnh các chỉ tiêu nêu trong Nghị quyết phải mang tính phấn đấu cao hơn với tinh thần đột phá, dám nghĩ, dám làm, đổi mới sáng tạo, trong đó tập trung bứt phá về thể chế, cơ chế, chính sách, đặc biệt là cải cách thủ tục hành chính, tư pháp, góp phần thúc đẩy tăng trưởng mạnh mẽ hơn, đưa cách mạng 4.0, Chính phủ điện tử vào cuộc sống, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, trong hành động - một khâu quan trọng cần sự bứt phá mạnh mẽ.

Theo tinh thần đó, kế thừa phương châm hành động của năm 2018 đối với các nội dung "kỷ cương, liêm chính, hành động", coi đó là phương châm xuyên suốt cả nhiệm kỳ của Chính phủ, năm 2019 sẽ là năm "bứt phá" để tăng tốc phát triển, chuẩn bị "về đích".

Và khác với các năm trước, Nghị quyết 02/NQ-CP về cải thiện môi trường kinh doanh, năng cao năng lực cạnh tranh quốc gia cũng được VPCP và các Bộ, ngành, địa phương tham mưu để trình Thủ tướng Chính phủ ký ban hành ngay từ ngày 1/1, để triển khai ngay từ đầu năm.

Chính sách cụ thể cho phát triển doanh nghiệp

Nghị quyết 01 nêu rõ môi trường đầu tư kinh doanh, phát triển kinh tế tư nhân là một động lực, một bứt phá cho tăng trưởng kinh tế sắp tới. Đồng thời chú ý nhiều hơn đến các vấn đề xã hội. Chú trọng các biện pháp tạo môi trường không tham nhũng, như đẩy mạnh thanh toán không dùng tiền mặt, thực thi nghiêm quy định công khai, minh bạch trong hoạt động công vụ, công tác cán bộ, nhất là công tác đấu thầu dự án đầu tư. Tập trung đấu tranh các loại tội phạm, bảo đảm cuộc sống bình yên cho người dân…

Chia sẻ thêm về phát triển kinh tế tư nhân, Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP Mai Tiến Dũng cho biết, Trung ương đã có Nghị quyết về phát triển kinh tế tư nhân và Quốc hội cũng ban hành những luật để phát triển kinh tế tư nhân. Lãnh đạo Đảng, Nhà nước coi kinh tế tư nhân là nền tảng quan trọng, vì vậy cần những cơ chế, chính sách phù hợp cụ thể để khuyến khích kinh tế tư nhân phát triển.

Theo người đứng đầu VPCP, năm 2018 có hơn 131.000 nghìn doanh nghiệp mới thành lập, nhưng số doanh nghiệp đóng cửa, tạm dừng, số doanh nghiệp khó khăn khi tiếp cận với đất đai, tín dụng… còn cao. Chúng ta có 5 triệu hộ kinh doanh, có hành lang pháp lý và có chính sách nhưng chưa đủ sức hấp dẫn để 5 triệu hộ kinh doanh chuyển sang doanh nghiệp. Từ đó cần phải có chính sách rõ hơn, mạnh hơn. Việc này Thủ tướng đã giao cho Bộ Kế hoạch Đầu tư và các cơ quan nghiên cứu cơ chế chính sách.

Cũng theo Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP, chúng ta cũng nói nhiều đến doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo nhưng nếu không có chính sách cụ thể thì sẽ không đạt được mục tiêu đề ra, nhất là chúng ta đặt ra mục tiêu đến năm 2020 có 1 triệu doanh nghiệp.

"Chắc chắn rằng, trong thời gian tới đây, Thủ tướng sẽ có những chỉ đạo đi vào những quyết sách rất cụ thể để xây dựng Nghị định hỗ trợ cho các doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo", Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP Mai Tiến Dũng cho biết.

“Về thể chế, tôi lấy ví dụ như sửa đổi một số luật mất rất nhiều thời gian, nên chúng ta sẽ sửa theo hướng cái gì vướng mắc nhất thì sửa trước. Bứt phá mang tính bao hàm từ sáng tạo đến xây dựng chiến lược, quy hoạch...”, Bộ trưởng nói.

Nhắc lại phát biểu của Tổng Bí thư yêu cầu các chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội năm 2019 phải cao hơn 2018, Bộ trưởng Mai Tiến Dũng cho rằng, quy mô nền kinh tế càng lớn thì tăng trưởng càng khó. Tuy nhiên, dư địa phát triển rất nhiều, phải tận dụng và phát huy được.

“Tôi cho rằng trong một đất nước phát triển phải có sự cạnh tranh quyết liệt, không có cạnh tranh thì không thể phát triển. Không tạo sức ép mạnh từ trên xuống thì không thể lay động. Tự giác chỉ có mức độ thôi, vì ban đầu, để tạo thay đổi suy nghĩ truyền thống sang sáng tạo thì phải có sức ép, sự quyết liệt từ lãnh đạo, từ người đứng đầu”, Bộ trưởng nêu ý kiến.

Theo Chinhphu.vn

Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên. Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.
Đã tặng: 0 star
Tặng sao cho tác giả
Hữu ích
5 star
Hấp dẫn
10 star
Đặc sắc
15 star
Tuyệt vời
20 star

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bình luận không đăng nhập

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.