Hai nhân viên Eximbank bị khởi tố, Vietcombank bất an

Hai nhân viên Eximbank bị khởi tố, Vietcombank bất an

Nguyễn Thị Hà

Nguyễn Thị Hà

Thứ 2, 26/03/2018 18:23

Khi thị giá cổ phiếu Eximbank ngày càng sụt giảm do hàng loạt thông tin xấu, độ tự tin của Vietcombank trong thương vụ thoái vốn tại đây cũng giảm theo.

Sau phiên hồi phục nhẹ vào cuối tuần trước, đến đầu tuần này, cổ phiếu EIB của ngân hàng TMCP Xuất nhập khẩu Việt Nam (Eximbank) tiếp tục lao dốc.

Đặc biệt, vùng an toàn 14.700 – 15.000 đồng/CP đã bị phá vỡ, giá cổ phiếu EIB lao một mạch chốt phiên chiều ngày 26/3 ở mức 14.100 đồng/CP.

Hai nhân viên Eximbank bị khởi tố, Vietcombank bất an

Nhân viên ngân hàng Eximbank chi nhánh TP.HCM lo lắng khi cơ quan công an khám xét trụ sở. (Ảnh: Tuổi trẻ)

Nguyên nhân của hiện tượng trên được lý giải do thị trường phản ứng tiêu cực với Eximbank sau  khi có thông tin cơ quan công an khám xét trụ sở ngân hàng tại chi nhánh TP.HCM (đường Đồng Khởi, quận 1).

Tiếp đó, đầu giờ chiều cùng ngày, bộ Công an đã khởi tố 2 nhân viên ngân hàng Eximbank về tội "cố ý làm trái trong quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng", gồm Hồ Thị Thủy và Nguyễn Thị Thi, nhân viên thanh toán và kiểm soát viên phòng khách hàng.

Hai bị can này bị khởi tố vì đã giúp sức Lê Nguyễn Hưng trong việc chiếm đoạt tiền của ngân hàng Eximbank. Cùng ngày, cơ quan công an cũng đã ra lệnh bắt tạm giam 2 bị can Hồ Thị Thủy và Nguyễn Thị Thi để điều tra, làm rõ vụ án.

So với thời điểm sau Tết, mức vốn hóa của Eximbank trên thị trường đã giảm tới 2.500 tỷ đồng.

Trao đổi với PV Người Đưa Tin về vụ việc, đại diện Eximbank cho biết ngân hàng hoàn toàn bất ngờ khi bị khám xét.

“Theo thông tin chúng tôi được biết, các nhân viên này (bà Hồ Thị Thủy và Nguyễn Thị Thi – PV) không cố ý nhưng bị yêu cầu, nhận chứng từ từ Lê Nguyễn Hưng và chỉ thị rút tiền có chữ ký của bà Chu Thị Bình, nên đã xác nhận giấy ủy quyền không có sự hiện diện của khách. Đây là cái giá phải trả cho sự sơ suất mà vướng vào vòng lao lý không đáng có” - ông Ngô Thanh Tùng, thành viên Hội đồng quản trị, luật sư trưởng của Eximbank trả lời báo Tuổi trẻ.

Việc thị giá EIB liên tục sụt giảm thời gian qua do thị trường phản ứng tiêu cực đã ảnh hưởng khá lớn đến các cổ đông lớn của ngân hàng này.

Không giống như hầu hết các nhà băng trong cùng hệ thống, các lãnh đạo Eximbank hiện nay gần như không sở hữu hoặc sở hữu rất ít cổ phần EIB. Họ góp mặt tại ngân hàng với vai trò là người đại diện phần vốn của các cổ đông tổ chức.

Hai nhân viên Eximbank bị khởi tố, Vietcombank bất an (Hình 2).

Vietcombank hiện sở hữu 8,19% vốn Eximbank

Theo báo cáo quản trị Eximbank 2017, cổ đông lớn nhất của Eximbank hiện là Sumitomo Mitsui Banking Corporation (SMBC) với 185,3 triệu cổ phần, chiếm tỷ lệ sở hữu 15%. Đại diện phần góp vốn của SMBC là ông Yutaka Moriwaki, thành viên HĐQT kiêm Giám đốc cấp cao.

Bên cạnh đó, ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) sở hữu 101,2 triệu cổ phiếu EIB – tương đương 8,19% vốn điều lệ. Trưởng ban kiểm soát Trần Lê Quyết là người đại diện phần vốn của Vietcombank tại đây.

Vietcombank cũng đã nhiều lần “đánh tiếng” về việc giảm tỷ lệ sở hữu tại Eximbank xuống dưới mức 5% theo quy định tại Thông tư 36 của Ngân hàng Nhà nước. Tuy vậy, cho đến nay, việc thoái vốn vẫn “giậm chân tại chỗ”.

Khi giá thị trường cổ phiếu EIB ngày càng sụt giảm, độ tự tin của Vietcombank về thương vụ bán vốn tại Eximbank cũng lao dốc theo. Trong vòng một tháng qua, tổng giá trị khối cổ phiếu EIB mà Vietcombank đang nắm giữ đã “bốc hơi” tới gần 420 tỷ đồng.

Một cổ đông khác là CTCP Xuất nhập khẩu Tổng hợp 1 Việt Nam (Generalexim, TH1) sở hữu 12.870.000 cổ phiếu EIB – tương ứng 1,04% vốn điều lệ. Ông Hoàng Tuấn Khải – thành viên HĐQT là người đại diện vốn góp.

Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên. Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.
Đã tặng: 0 star
Tặng sao cho tác giả
Hữu ích
5 star
Hấp dẫn
10 star
Đặc sắc
15 star
Tuyệt vời
20 star

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bình luận không đăng nhập

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.