Thủ tướng Anh Keir Starmer bắt tay ông Zelensky. Ảnh: PA.
Hôm 19/2, ông Trump cáo buộc ông Zelensky là “nhà độc tài” không chịu tổ chức bầu cử. “Một nhà độc tài không chịu tổ chức bầu cử, Zelensky, tốt hơn là ông nên hành động nhanh chóng nếu không muốn không còn quốc gia để lãnh đạo nữa”, ông Trump tuyên bố. “Trong khi đó, chúng tôi đang đàm phán rất thành công với Nga để chấm dứt xung đột”.
Theo báo Anh Telegraph, thông điệp trên là tín hiệu rõ ràng cho thấy ông Trump sẽ không hỗ trợ Ukraine một cách toàn diện như dưới thời người tiền nhiệm Joe Biden và các đồng minh châu Âu.
Anh và Đức ủng hộ ông Zelensky
Phản ứng trước thông điệp mới của ông Trump, phát ngôn viên Văn phòng Thủ tướng Anh tuyên bố: “Thủ tướng Starmer bày tỏ sự ủng hộ đối với Tổng thống Zelensky. Ông ấy là nhà lãnh đạo được bầu cử dân chủ của Ukraine. Việc ông Zelensky hoãn bầu cử trong thời chiến là hoàn toàn hợp lý như Vương quốc Anh đã làm trong Thế chiến II”.
“Thủ tướng Starmer cũng nhắc lại sự ủng hộ đối với những nỗ lực nhằm đạt được hòa bình lâu dài ở Ukraine, ngăn chặn Nga tiếp tục tấn công Ukraine trong tương lai”, phát ngôn viên nói, cho biết thêm rằng ông Starmer đã điện đàm với ông Zelensky hôm 19/2 để trấn an Tổng thống Ukraine.
Đức mặc dù là quốc gia phản đối đưa quân tới Ukraine, nhưng cũng lên tiếng bảo vệ ông Zelensky. Thủ tướng Đức Olaf Scholz hôm 19/2 phản bác sự chỉ trích của ông Trump với ông Zelensky.
"Việc phủ nhận tính chính danh của Tổng thống Zelensky là sai trái và nguy hiểm", ông Scholz nói. "Ông Zelensky là nguyên thủ được bầu hợp pháp của Ukraine. Việc không thể tổ chức bầu cử trong thời chiến là phù hợp với hiến pháp và luật bầu cử Ukraine. Không ai có thể nói điều ngược lại".
Thủ tướng Đức Scholz cũng cho rằng, Nga mới là bên bắt đầu xung đột ở Ukraine và Kiev đang phải tự vệ "ngày này qua ngày khác" trong khi ông Trump nói "Ukraine đã sai khi gây ra xung đột với Nga".
Bộ trưởng Quốc phòng Anh John Healey cũng nêu quan điểm bảo vệ ông Zelensky. “3 năm trước, Ukraine bị Nga tấn công và kể từ đó, họ vẫn đang chiến đấu vì sự tự do. Họ chiến đấu vì tương lai của họ và họ vẫn đang chiến đấu. Trong khi mọi sự tập trung đổ dồn vào các cuộc đàm phán, chúng tôi cho rằng không thể dễ dàng gác lại chiến tranh chỉ vì hòa bình tạm thời ở trước mắt”.
Tuần tới, Thủ tướng Anh Keir Starmer sẽ có chuyến thăm Mỹ, dự kiến trình lên Tổng thống Donald Trump bản kế hoạch đưa lực lượng gìn giữ hòa bình châu Âu tới Ukraine.
Kế hoạch châu Âu đưa quân tới Ukraine
Binh sĩ Anh và Romania tham gia một cuộc tập trận của NATO. Ảnh: Telegraph.
Kế hoạch bao gồm việc huy động 30.000 binh sĩ từ các nước châu Âu do Anh và Pháp soạn thảo. Lực lượng này không trực tiếp hiện diện sát các khu vực tiền tuyến mà phụ thuộc vào “giám sát kỹ thuật”, nghĩa là ưu tiên sử dụng các biện pháp trinh sát, tuần tra bằng máy bay, UAV và vệ tinh để “nắm được các diễn biến thực tế”.
Ông Starmer được cho là sẽ tìm cách thuyết phục ông Trump đồng ý duy trì chiến đấu cơ và tên lửa Mỹ ở Đông Âu để sẵn sàng đáp trả bằng vũ lực nếu Nga vi phạm thỏa thuận ngừng bắn, tờ Telegraph dẫn nguồn tin am hiểu vấn đề cho biết.
Nguồn tin cho biết thêm, hoạt động này sẽ được hỗ trợ bởi hỏa lực đầy đủ để "theo dõi và vô hiệu hóa các mối đe dọa từ Nga". Không phận Ukraine cũng sẽ được mở lại cho các chuyến bay thương mại.
Các tàu tuần tra hải quân của châu Âu sẽ được gửi đến Biển Đen để theo dõi các hoạt động quân sự của Nga và bảo vệ các tuyến đường vận chuyển hàng hải.
Kế hoạch trên có quy mô kém xa so với sứ mệnh gìn giữ hòa bình gồm 200.000 binh sĩ châu Âu mà ông Zelensky đề xuất. Nhưng với sự phản đối của Đức, Tây Ban Nha và Italia, các lựa chọn của châu Âu để đảm bảo tương lai của Ukraine khá hạn chế.
Kế hoạch này cũng đáp ứng chính sách lâu dài là không để NATO trực tiếp đối đầu với Nga, làm tăng nguy cơ dẫn đến một cuộc xung đột quy mô lớn hơn ở châu lục.
Thủ tướng Anh và một số lãnh đạo châu Âu khác đang hi vọng ông Trump sẽ đồng ý với kế hoạch vì nó vẫn đảm bảo Mỹ không cần đưa tới Ukraine, theo tờ Telegraph.
Đăng Nguyễn - Telegraph