Theo kết quả bỏ phiếu, ông Vũ Đức Đam được 84,54% tổng số đại biểu Quốc hội đồng ý phê chuẩn, ông Phạm Bình Minh được 85,75% tổng số đại biểu Quốc hội đồng ý phê chuẩn.
Phát biểu tại hội trường, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng nói: “Quốc hội đã tán thành phê chuẩn chức vụ phó thủ tướng đối với ông Vũ Đức Đam và ông Phạm Bình Minh với số phiếu cao, mong các đồng chí tiếp tục phấn đấu để đáp ứng niềm tin của các đại biểu Quốc hội và cử tri cả nước”.
Ông Vũ Đức Đam.
Người đề xuất “Dân hỏi - bộ trưởng trả lời”
Tân Phó thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam - trong cương vị người phát ngôn của Chính phủ - là người quen thuộc với báo chí qua các cuộc họp báo thường kỳ của Chính phủ nhiều năm qua. Ông cũng là người đề xuất chương trình “Dân hỏi - bộ trưởng trả lời” trên VTV1, Cổng thông tin điện tử Chính phủ (chinhphu.vn) và tăng cường các cuộc giao lưu trực tuyến của các thành viên Chính phủ.
Là con thứ năm của một gia đình nông dân ở huyện Thanh Miện, tỉnh Hải Dương, suốt thời phổ thông ông Đam học ở quê. Vào Trường ĐH Ngoại ngữ ở Thanh Xuân học tiếng Nga để đi học ở Liên Xô nhưng cuối cùng được chọn đi học ở Vương quốc Bỉ. Ông Đam về nước vào đúng lúc ngành bưu điện tiên phong mở cửa, trước thời cơ và thách thức chuyển từ kỹ thuật tương tự sang kỹ thuật số đã chủ trương dựa vào hợp tác quốc tế để đổi mới công nghệ. Với lợi thế biết cả tiếng Anh, tiếng Pháp và tin học, ông Đam được tham gia các dự án số hóa quan trọng của ngành bưu điện và được bổ nhiệm làm vụ phó Vụ Khoa học công nghệ và hợp tác quốc tế khi mới 30 tuổi.
Sau đó, ông Đam được điều động về Văn phòng Chính phủ và là một trong số bốn cán bộ đầu tiên của VN được cử sang “nằm” mấy tháng ở ban thư ký ASEAN tại Jakarta (Indonesia) để tìm hiểu về tổ chức này. Là vụ trưởng Vụ ASEAN (Văn phòng Chính phủ), ông đã tham gia việc chuẩn bị và hình thành bộ máy làm công tác hội nhập ở các bộ, ngành. Ông được thủ tướng Võ Văn Kiệt chọn làm thư ký riêng rồi trợ lý. Năm 2003, thực hiện nghị quyết 11 của Bộ Chính trị, ông Đam là một trong số 11 cán bộ cấp thứ trưởng đầu tiên luân chuyển về địa phương.
Trở lại làm thứ trưởng Bộ Bưu chính - viễn thông năm 2005, ông Đam gắn liền với những sự kiện công nghệ thông tin nổi bật thời gian đó như cuộc thi “Nhân tài đất Việt” đầu tiên, Bill Gates thăm VN, Intel rồi Samsung đầu tư vào VN... Lúc ông Đam về Quảng Ninh (từ tháng 11-2007 đến tháng 8-2011), ông lần lượt trải qua các chức vụ phó bí thư thường trực tỉnh ủy, chủ tịch UBND tỉnh, bí thư tỉnh ủy. Cùng ông Nguyễn Bá Thanh ở Đà Nẵng, ông Đam là một trong những chủ tịch tỉnh trực tiếp đối thoại với người dân để giải quyết các vụ việc phức tạp.
Ông Phạm Bình Minh.
Nhà ngoại giao chuyên nghiệp
"Vào tháng 4, Bộ Chính trị đã thông qua một nghị quyết quan trọng về hội nhập quốc tế. Cả ông Vũ Đức Đam và ông Phạm Bình Minh đều có những phẩm chất giá trị, phục vụ cho mục tiêu này. Ông Vũ Đức Đam mạnh về khoa học, công nghệ còn ông Phạm Bình Minh lại mạnh về đối ngoại, bao gồm cả các tổ chức quốc tế, quan hệ với Hoa Kỳ và vấn đề nhân quyền", GS Carl Thayer nói. |
Tân Phó thủ tướng - Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Bình Minh là nhà ngoại giao chuyên nghiệp với nền tảng giáo dục và môi trường gia đình đậm chất ngoại giao. Cha ông là cố bộ trưởng Bộ Ngoại giao Nguyễn Cơ Thạch (tên thật là Phạm Văn Cương), bản thân ông sau khi hoàn tất việc học tại Đại học Ngoại giao (nay là Học viện Ngoại giao) của VN từ năm 1976-1981 đã bước chân vào Bộ Ngoại giao và gắn bó với ngành từ đó đến nay.
Một trong những nét nổi bật trong sự nghiệp của ông Phạm Bình Minh là sự gắn bó với mảng ngoại giao đa phương khi ông từng giữ các chức vụ khác nhau tại Vụ Vấn đề chung (1986-1990), phái đoàn đại diện thường trực VN bên cạnh Liên Hiệp Quốc (1999-2001), Vụ Các tổ chức quốc tế
(1991-1999 và 2003-2006)... Về điều này, GS Carl Thayer (Úc), một nhà nghiên cứu VN lâu năm, nhận định: “Bộ trưởng Phạm Bình Minh có bằng cao học ở Trường Luật và ngoại giao Fletcher rất uy tín tại Hoa Kỳ. Ông đã làm việc tại các đại sứ quán VN ở London và Washington. Ông cũng giàu kinh nghiệm trong làm việc với các tổ chức quốc tế. Kinh nghiệm quốc tế của ông Phạm Bình Minh sẽ là vô giá trong việc xử lý các mối quan hệ của VN với những cường quốc lớn và thúc đẩy hội nhập kinh tế”.
Bộ trưởng Phạm Bình Minh được phê chuẩn chức vụ phó thủ tướng ở thời điểm VN đã thiết lập quan hệ đối tác chiến lược/đối tác chiến lược toàn diện với 13 trong số những nước quan trọng nhất trên thế giới: Nga, Nhật Bản, Ấn Độ, Trung Quốc, Hàn Quốc, Tây Ban Nha, Anh, Đức và riêng trong năm 2013 gồm Ý, Singapore, Indonesia, Thái Lan và Pháp. Cũng trong năm 2013, VN và Mỹ đã nâng quan hệ song phương lên tầm đối tác toàn diện. Đáng chú ý, đến thời điểm này, VN đã có quan hệ đối tác chiến lược hoặc tương đương với tất cả năm thành viên thường trực của Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc. Năm 2013, VN lần đầu tiên tạo dựng quan hệ đối tác chiến lược với các thành viên thuộc Asean. Ngày 12-11, lần đầu tiên VN trúng cử vào Hội đồng Nhân quyền Liên Hiệp Quốc với số phiếu ủng hộ cao nhất (184/193). “Ông Minh mang những kinh nghiệm ngoại giao tại Liên Hiệp Quốc và Mỹ cùng với chuyên môn về các tổ chức quốc tế và quyền con người tới vị trí mới của ông. Việc bổ nhiệm ông Minh đặc biệt quan trọng vì nó nâng cao vị thế của Bộ Ngoại giao và bộ trưởng Bộ Ngoại giao” - GS Carl Thayer nói.
Đề nghị ông Nguyễn Văn Nên giữ chức bộ trưởng - chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ
Cũng trong sáng 13/11, sau khi Quốc hội bỏ phiếu phê chuẩn đề nghị của Thủ tướng Chính phủ về việc miễn nhiệm chức vụ bộ trưởng - chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ đối với ông Vũ Đức Đam, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đọc tờ trình đề nghị Quốc hội phê chuẩn việc bổ nhiệm nhân sự giữ chức vụ bộ trưởng - chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ đối với ông Nguyễn Văn Nên (ủy viên Trung ương Đảng, phó trưởng Ban Tuyên giáo trung ương). Theo giới thiệu của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng trước Quốc hội, ông Nguyễn Văn Nên là cán bộ được rèn luyện qua thực tiễn công tác từ cấp huyện, tỉnh và trung ương, đã qua đảm nhiệm các chức vụ: trưởng Công an huyện; phó bí thư huyện ủy; bí thư huyện ủy, chủ tịch HĐND huyện Gò Dầu; trưởng Ban tổ chức chính quyền tỉnh Tây Ninh; trưởng Ban tổ chức tỉnh ủy kiêm nhiệm nhiệm vụ chủ tịch HĐND tỉnh Tây Ninh; phó bí thư Tỉnh ủy, chủ tịch UBND tỉnh Tây Ninh; bí thư Tỉnh ủy Tây Ninh. Trước khi được điều động về Ban Tuyên giáo trung ương, ông Nguyễn Văn Nên là phó ban thường trực Ban Chỉ đạo Tây nguyên. Ông Nên sinh ngày 14/7/1957, có trình độ chuyên môn là cử nhân luật. Sáng nay 14/11, theo chương trình, Quốc hội bỏ phiếu phê chuẩn đề nghị của Thủ tướng Chính phủ về việc ông Nguyễn Văn Nên giữ chức vụ bộ trưởng - chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ. Sau đó, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng sẽ đọc tờ trình về việc tăng số phó chủ tịch Hội đồng Dân tộc, phó chủ nhiệm một số ủy ban của Quốc hội (trong đó có báo cáo Quốc hội về việc bầu bổ sung ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, phó chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật). |
P.V (Tuổi trẻ/ Vietnamnet/ Tri thức)