Tuyến đường từ thị trấn Cát Bà đến thôn Liên Minh ở xã Trân Châu, huyện Cát Hải, Tp.Hải Phòng dài chừng gần 10 cây số hun hút, ngoắt nghéo với đầy rẫy các khúc cua, đèo dốc. Địa hình thôn tựa chiếc mũ lật ngược.
Bao quanh thôn Liên Minh là những dãy núi đá cao chót vót. Thung lũng bằng phẳng phía dưới có hơn 20 nóc nhà quây quần với chưa đầy 100 nhân khẩu. Nhà nào cũng nuôi giống gà quý bản địa mang tên gà Liên Minh.
Bởi vóc dáng săn chắc, đôi chân thon dài, nhất là những chú gà trống choai đương tuổi ăn, tuổi lớn, nên nhiều du khách gọi gà Liên Minh với cái tên trìu mến, pha chút hài hước “vũ công rừng xanh”.
Theo anh Đỗ Quang Trọng - một trong số các hộ nuôi nhiều gà nhất thôn Liên Minh, địa phương lưu truyền một số câu chuyện về nguồn gốc của gà Liên Minh. Theo đó, giống gà quý này là kết quả quá trình lai tạo giữa gà nhà với gà rừng từ hàng nghìn năm trước.
Tuy nhiên, nhiều người cũng tin rằng, xưa người dân nơi đây đưa giống gà ta từ nơi khác về nuôi. Hợp khí hậu, thổ nhưỡng, thêm nguồn thức ăn phong phú, bổ dưỡng, trải qua quá trình chọn lọc tự nhiên mà hình thành giống gà quý như hiện nay.
Bao năm qua, người dân thôn Liên Minh rất có ý thức giữ gìn, bảo vệ nguồn gen quý. Cả thôn chỉ nuôi duy nhất giống gà Liên Minh để tránh lai tạp với các giống gà khác dẫn đến thoái hóa giống. Đây là “quy tắc bất thành văn” mà bao đời nay, các thế hệ trong thôn Liên Minh đều tự nguyện tuân theo.
Nhiều gia đình ở thôn Liên Minh vẫn nuôi thả gà theo truyền thống. Sáng, gà rời vườn đi kiếm tìm thức ăn ở thung lũng và trong rừng. Tối tự tìm về vườn, nhảy lên cành cây ngủ.
“Gia đình tôi làm chuồng nhưng chúng nhất định không vào. Bắt vào thì chúng quậy phá, kêu inh ỏi suốt đêm. Chỉ khi trời mưa to hay lên ổ đẻ, chúng mới chịu dắt díu nhau vào chuồng”, anh Trọng chia sẻ.
Được thị trường ưa chuộng, gà Liên Minh được thương lái, người tiêu dùng săn lùng tìm mua với mức giá trung bình 200-250 nghìn đồng/kg, gấp 2-3 lần so với giá gà ta ngon ở các nơi khác. Dịp cận kề Tết Nguyên đán hằng năm, thậm chí còn cao hơn.
Tuy nhiên, nguồn cung gà Liên Minh thường xuyên không đáp ứng được nhu cầu. Bởi, gà ăn thức ăn kiếm được trong tự nhiên kèm thêm được cho ăn ngô, thóc, sắn…, dù chất lượng thịt ngon, nhưng rất chậm lớn.
Bên cạnh đó, mỗi năm gà mái đẻ 2 lứa, mỗi lứa 10-12 quả, tỉ lệ nở thành gà con đạt 70-80%. Quá trình nuôi đến khi xuất bán cũng kéo dài hơn so với giống gà khác , khoảng 10 tháng đến 1 năm. Bù lại, gà trống có trọng lượng lớn, lên tới 4-5 kg.
Theo ông Phạm Văn Thỏa - Chủ tịch Hội Nông dân xã Trân Châu, huyện Cát Hải, Tp.Hải Phòng, hiện tổng đàn gà toàn xã Trân Châu khoảng 10.000 con. Trong đó, giống gà quý hiếm được người dân thôn Liên Minh nuôi chừng hơn 3.500 con.
Để bảo tồn giống gà quý Liên Minh cũng như phát triển đàn gà tăng thu nhập cho người dân địa phương, thời gian qua, Tp.Hải Phòng và huyện Cát Hải có nhiều dự án, chương trình hỗ trợ.
Trong đó có thể kể đến các dự án: “Sản xuất thử nghiệm gà Liên Minh tại Hải Phòng và một số tỉnh lân cận”, “Xác định mức protein và năng lượng thích hợp trong chăn nuôi gà Liên Minh thương phẩm” của Trung tâm Ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ Hải Phòng.
Ngoài ra, hằng năm, Viện Chăn nuôi Việt Nam đều cấp kinh phí cho xã Trân Châu, huyện Cát Hải, Tp.Hải Phòng mua và tổ chức phun thuốc khử trùng, phòng bệnh cho đàn gà Liên Minh.
Tuy nhiên, kết quả không được như kỳ vọng. Đến nay, số lượng đàn gà Liên Minh vẫn tăng trưởng hết sức hạn chế. Bên cạnh đó, nhiều đàn gà nuôi tại một số gia đình có dấu hiệu thoái hóa giống do nuôi chung với các giống gà khác để tăng hiệu quả kinh tế.
Trao đổi với Người Đưa Tin, ông Hoàng Văn Sơn - Bí thư Đảng ủy xã Trân Châu, huyện Cát Hải, Tp.Hải Phòng, cho biết, trong khi chờ các dự án bảo tồn, phát triển giống gà quý phát huy hiệu quả, trước mắt, địa phương tuyên truyền, vận động người dân trong xã, nhất là thôn Liên Minh không nuôi gà Liên Minh cùng các giống gà khác để tránh lai tạp làm thoái hóa giống.
Bên cạnh đó, Hội Nông dân xã Liên Minh chủ trì thực hiện việc chọn nuôi những con gà trưởng thành đẹp, thuần chủng rồi cho đẻ, ấp ứng cung cấp gà giống cho người dân địa phương. Đồng thời, nhân rộng các mô hình gia trại chăn nuôi gà Liên Minh thuần chủng.
Theo thông tin từ UBND huyện Cát Hải, Tp.Hải Phòng, gà Liên Minh là một trong gần 20 nông sản đặc sản của Hải Phòng được chứng nhận đăng ký nhãn hiệu chỉ dẫn địa lý. Để bảo vệ, gìn giữ nguồn gen quý, thời gian tới, chính quyền địa phương đề nghị Trung ương, Tp.Hải Phòng tiếp tục hỗ trợ thực hiện các dự án bảo tồn, phát triển gà Liên Minh.