Xuân về trên những vùng quê nông thôn mới kiểu mẫu
Về xã Tân Liên, huyện Vĩnh Bảo, Tp.Hải Phòng một ngày giáp Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024, đâu đâu cũng thấy những đổi thay. Rõ nhất là tuyến đường từ Quốc lộ 10 đến UBND xã Tân Liên dài chừng 3 cây số.
Theo lời người dân địa phương, trước khi xây dựng nông thôn mới (NTM), dù là đường trục xã nhưng tuyến đường này rất khó đi với cơ man “ổ trâu”, “ổ gà”. Cứ đến mùa khô, bụi lại bốc lên mùi mịt theo vết bánh xe. Màn đêm buông xuống, tuyến đường chìm trong bóng tối nên người dân rất ngại, chỉ ra đường khi có việc thật cần thiết.
Đến nay, sau khi xã Tân Liên hoàn thành xây dựng NTM và NTM kiểu mẫu, tuyến đường này và hầu hết các tuyến đường trong xã đã “lột xác” khang trang, rộng rãi hơn, nhất là có cả vỉa hè. Đây là điều hiếm thấy ở các tuyến đường nông thôn Hải Phòng từ trước đến nay. Không những thế, hệ thống đèn đường còn giúp người dân xã Tân Liên thoát khỏi cảnh ru rú trong nhà mỗi khi màn đêm xuống.
Không chỉ có giao thông, hệ thống cơ sở hạ tầng khác, trong đó các trường học, trạm y tế, nhà văn hóa xã và các thôn cũng được quan tâm đầu tư xây mới, cải tạo, nâng cấp giúp thay đổi hẳn bộ mặt xã Tân Liên. Từ vùng quê nghèo khó của quê lúa Vĩnh Bảo ngày nào, nay Tân Liên trở thành một trong những vùng quê đáng sống.
Nhiều tiêu chí, trong đó có giao thông, giáo dục dần tiệm cận với tiêu chí đô thị. Theo kế hoạch, xã Tân Liên sẽ được sáp nhập vào thị trấn Vĩnh Bảo (cùng huyện Vĩnh Bảo, Tp.Hải Phòng) để trở thành đô thị vùng cửa ngõ Tây Nam của Tp.Hải Phòng.
Trong câu chuyện với chúng tôi, ông Lê Văn Ứng - Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã Tân Liên, nói nhiều về quá trình khó khăn, vất vả trong xây dựng NTM đến NTM kiểu mẫu hơn là những thành quả có thể nhìn thấy bằng mắt, đo đếm bằng những chỉ tiêu, con số cụ thể.
“Từ cuối năm 2019, sau khi hoàn thành xây dựng NTM, xã Tân Liên cùng với 7 xã khác trên địa bàn Tp.Hải Phòng được lựa chọn xây dựng thí điểm NTM kiểu mẫu với tổng số tiền đầu tư gần 180 tỷ đồng thực hiện tổng cộng 26 công trình, chủ yếu là giao thông. Do chủ trương của Tp.Hải Phòng vận động người dân hiến đất thực hiện các công trình nên công tác giải phóng mặt bằng gặp nhiều khó khăn bởi nhiều gia đình hiến diện tích đất lớn, có giá trị cao.
Mặc dù khó khăn, vất vả nhưng bản thân tôi và các cán bộ xã Tân Liên, nhất là những người trực tiếp tham gia vào quá trình giải phóng mặt bằng có thêm nhiều kinh nghiệm quý báu, trưởng thành hơn, thêm gắn bó, gần gũi hiểu được tâm tư, nguyện vọng của người dân”, ông Lê Văn Ứng - Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã Tân Liên chia sẻ.
Trong số 8 xã được Tp.Hải Phòng chọn thí điểm xây dựng NTM kiểu mẫu, ngoài xã Tân Liên, còn có xã Xuân Đám, huyện đảo Cát Hải. Trong dịp ra thăm đảo Cát Bà, trò chuyện bên ấm trà nóng trong cái lạnh giá cuối năm, ông Nguyễn Văn Nghiệp - Chủ tịch UBND xã Xuân Đám hồ hởi kể về quá trình xây dựng xã NTM kiểu mẫu với đôi mắt lấp lánh niềm vui.
Cuối năm 2019, sau khi “về đích” NTM, xã Xuân Đám bắt tay vào xây dựng NTM kiểu mẫu. Trực tiếp được hưởng những lợi ích do NTM đem lại, nên đông đảo người dân trong xã, nhất là những hộ hiến đất phục vụ các công trình cải tạo, nâng cấp đường giao thông, đồng thuận và ủng hộ quá trình xây dựng NTM kiểu mẫu.
NTM kiểu mẫu đã đem lại cho xã Xuân Đám nguồn lực mới, sức sống mới. Trong đó, rõ nhất là những tuyến đường giao thông rộng rãi, khang trang thay thế những con đường đồi, núi gập ghềnh trước kia. Những khu vực thuộc vùng núi sâu, xa như xóm Chân Rồng ở thôn 3 trước kia đi xe máy đến nhà còn khó khăn, nay ôtô có thể vào đến ngõ.
Nhờ giao thông thuận lợi, xã Xuân Đám có thêm 8 homestay, 2 khách sạn phục vụ khách du lịch. Những nông sản nổi tiếng như mật ong rừng, hoa, rau màu, trước kia người dân phải vất vả vận chuyển tới thị trấn Cát Bà hay trong đất liền để tiêu thụ, nay thương lái cho ô-tô tải đến tận vườn, ruộng thu mua với giá cao gấp 2, 3 lần.
Ngoài 2 xã Tân Liên, Xuân Đám, 6 xã còn lại được Tp.Hải Phòng chọn thí điểm xây dựng NTM kiểu mẫu, gồm: Kiến Thiết (huyện Tiên Lãng), Tân Dân (huyện An Lão), Thụy Hương (huyện Kiến Thụy), Đồng Thái (huyện An Dương), Gia Minh và Gia Đức (huyện Thủy Nguyên), cũng đều đã “về đích” NTM kiểu mẫu.
Dồn lực để 100% số xã “về đích” nông thôn mới kiểu mẫu trong năm 2025
Theo thông tin từ UBND Tp.Hải Phòng, tính đến hết năm 2019, toàn bộ 137 xã trên địa bàn đạt chuẩn NTM, hoàn thành chỉ tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ Tp.Hải Phòng lần thứ 15, nhiệm kỳ 2015 - 2020, trước 1 năm. Phát huy kết quả đó, từ cuối năm 2019, Hải Phòng đã thí điểm đầu tư xây dựng và hoàn thành 8 xã NTM kiểu mẫu, làm nền tảng cho mục tiêu đến năm 2025, 100% số xã trên địa bàn đạt chuẩn xã NTM kiểu mẫu.
Để phục vụ mục tiêu này, HĐND Tp.Hải Phòng đã thông qua nguồn kinh phí dự kiến khoảng 125.000 tỷ đồng bao gồm: Nguồn vốn ngân sách Thành phố hỗ trợ trực tiếp 20%; nguồn vốn lồng ghép 10%; nguồn vốn tín dụng 50%; nguồn vốn doanh nghiệp, HTX 15% và Nhân dân tự nguyện đóng góp 5%.
Để tổ chức thực hiện, UBND Tp.Hải Phòng đã phân bổ vốn cho các địa phương, rà soát, thống nhất danh mục công trình NTM kiểu mẫu, ban hành Bộ tiêu chí và Kế hoạch thực hiện giai đoạn 2021 - 2025. Đồng thời, giao nhiệm vụ, trách nhiệm cho các sở, ngành, địa phương và thường xuyên kiểm tra, chỉ đạo, đôn đốc việc triển khai xây dựng NTM kiểu mẫu tại các huyện theo lộ trình cụ thể.
Nhờ tập trung cao, nhất là tháo gỡ khó khăn về công tác giải phóng mặt bằng, bố trí vốn, đến hết năm 2022, Hải Phòng có 45 xã đạt chuẩn xã NTM nâng cao, 22 xã đạt chuẩn xã NTM kiểu mẫu và toàn bộ 7 huyện (trừ huyện đảo Bạch Long Vỹ) đã được Thủ tướng Chính phủ công nhận đạt chuẩn NTM. Cuối tháng 11/2023, Hội đồng thẩm định xã NTM kiểu mẫu của Tp.Hải Phòng đã thẩm định, công nhận thêm 20 xã thuộc 2 huyện Tiên Lãng và Vĩnh Bảo đạt NTM nâng cao và NTM kiểu mẫu (gồm 9 xã NTM nâng cao, 11 xã NTM kiểu mẫu).
Không chỉ giúp “thay da đổi thịt” các vùng quê, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của Nhân dân, quá trình xây dựng NTM kiểu mẫu tại Hải Phòng còn là quá trình chuẩn bị cơ sở hạ tầng giúp địa phương vươn tới những mục tiêu tầm cỡ hơn.
Theo Quyết định về việc phê duyệt Quy hoạch Tp.Hải Phòng thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 được Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà ký đầu tháng 12/2023, mục tiêu đến năm 2030, xây dựng và phát triển Hải Phòng trở thành thành phố cảng biển lớn, đi đầu cả nước trong sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá, chuyển đổi số.
Theo phương án quy hoạch hệ thống đô thị đến năm 2030, hệ thống đô thị của Hải Phòng gồm: Khu vực nội thị (9 quận, trong đó có 7 quận hiện hữu và thành lập 2 quận mới gồm An Dương và Kiến Thuỵ); 1 đô thị loại III (thành phố Thủy Nguyên, bao gồm toàn bộ đảo Vũ Yên); 4 đô thị loại IV; 6 đô thị loại V.
Sau năm 2030, phát triển các huyện An Lão, Vĩnh Bảo và Tiên Lãng trở thành thị xã, huyện Cát Hải trở thành quận biển đảo. Như vậy, cả Tp.Hải Phòng trong tương lai sẽ chỉ còn một huyện là huyện đảo Bạch Long Vỹ.