Trong câu chuyện với Người Đưa Tin, ông Nguyễn Văn Chung - Phó Chủ tịch UBND xã Vĩnh Long, huyện Vĩnh Bảo, Tp.Hải Phòng, thông tin, thôn Đồng Trượng với hơn 100 hộ dân gồm hơn 400 nhân khẩu nằm cạnh huyện Quỳnh Phụ, tỉnh Thái Bình, nhưng lại ngăn cách với phần còn lại của xã Vĩnh Long bởi con sông Hóa.
Xưa kia, người dân thôn Đồng Trượng mỗi khi đi chợ, có việc lên xã, lên huyện, đều phải đi đò chèo tay. Cực nhất là tụi trẻ, mỗi khi đến tuổi học mẫu giáo, ông bà, bố mẹ, anh chị ngày ngày phải đưa qua đò đến trường. Nếu ai ở thôn chẳng may bị ốm đau về đêm, nhờ vả mãi mới được chuyến đò đột xuất để đưa đến cơ sở y tế.
Sau này, đò chèo tay được thay bằng đò máy, mặc dù việc qua lại 2 bờ sông dễ dàng hơn, nhưng vẫn còn nhiều bất tiện. Nhất là buổi tối, đò máy ngừng hoạt động theo quy định, mọi hoạt động giao lưu giữa thôn Đồng Trượng với xã, với huyện đều tạm dừng.
Theo thông tin từ UBND huyện Vĩnh Bảo, Tp.Hải Phòng, trước thực trạng này, giữa năm 2021, qua kiểm tra, rà soát và đánh giá, địa phương đã đề xuất Sở Giao thông - Vận tải Thành phố danh mục 18 cây cầu thiết phải cải tạo, nâng cấp và đầu tư xây mới, trong đó có xây mới cầu Lô Đông vượt sông Hóa nối thôn Đồng Trượng, xã Vĩnh Long với huyện Vĩnh Bảo.
Tại các cuộc tiếp xúc cử tri của đại biểu HĐND Tp.Hải Phòng, cử tri xã Vĩnh Long và thôn Đồng Trượng cũng nhiều lần kiến nghị Tp.Hải Phòng sớm xem xét đầu tư xây dựng cầu Lô Đông để tạo điều kiện thuận lợi về giao thông, giao thương cho người dân trong khu vực.
Sau khi thống nhất chủ trương xây dựng cầu Lô Đông, phương án xây cầu nhiều lần được lãnh đạo UBND Tp.Hải Phòng đưa ra bàn thảo. Trong đó, xây cầu bê tông cốt thép vĩnh cửu hay tháo dỡ, di dời cầu Rào để lắp đặt tại đây. Cuối cùng, phương án xây cầu bê tông cốt thép đã được lựa chọn.
Dự án đầu tư xây dựng cầu Lô Đông chính thức khởi công từ cuối năm 2022 với tổng mức đầu tư gần 166 tỷ đồng từ nguồn ngân sách Tp.Hải Phòng phân cấp cho huyện Vĩnh Bảo. Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng huyện Vĩnh Bảo được giao làm đại diện chủ đầu tư. Theo thiết kế, chiều dài cầu hơn 157 m gồm 4 nhịp trên 2 mố, 3 trụ. Mặt cầu rộng 10 m gồm 2 làn xe cơ giới, 2 làn xe thô sơ, hệ thống điện chiếu sáng và gần 1 km đường dẫn ở 2 đầu cầu.
Trao đổi với Người Đưa Tin, ông Phạm Ngọc Hiếu - Giám đốc Trung tâm Phát triển quỹ đất huyện Vĩnh Bảo, Tp.Hải Phòng, cho biết, để phục vụ Dự án đầu tư xây dựng cầu Lô Đông, huyện Vĩnh Bảo thu hồi 1,75 ha đất liên quan đến 200 hộ ở xã Vĩnh Long.
Thực hiện chỉ đạo của UBND huyện Vĩnh Bảo, Trung tâm Phát triển quỹ đất Huyện tập trung cao phối hợp UBND xã Vĩnh Long và các phòng, ban liên quan của huyện Vĩnh Bảo lên phương án bồi thường, hỗ trợ cũng như vận động, tuyên truyền người dân có đất thu hồi phục vụ dự án đồng thuận bàn giao mặt bằng sạch cho đơn vị thi công.
Nhờ sớm hoàn thành công tác giải phóng mặt bằng, nhà thầu thi công có điều kiện tập trung nhân lực, trang thiết bị, máy móc đẩy nhanh tiến độ. Đến đầu tháng 5/2024, huyện Vĩnh Bảo tổ chức lễ thông xe và đưa cầu Lô Đông vào hoạt động, sớm hơn 200 ngày so với kế hoạch, đúng dịp kỷ niệm 69 năm Ngày giải phóng Hải Phòng (13/5/1955 - 13/5/2024).
“Cầu Lô Đông không chỉ giúp thôn Đồng Trượng khỏi bị cô lập, mà còn đóng vai trò quan trọng vào sự phát triển kinh tế, bảo đảm an sinh xã hội của xã Vĩnh Long nói riêng và của toàn huyện Vĩnh Bảo nói chung.
Bên cạnh đó, mở ra cơ hội thu hút đầu tư, kết nối giao thương, thúc đẩy phát triển kinh tế, xã hội, văn hóa, du lịch… giữa huyện Vĩnh Bảo với huyện Quỳnh Phụ (tỉnh Thái Bình) nói riêng và giữa Tp.Hải Phòng với tỉnh Thái Bình nói chung”, ông Nguyễn Văn Chung - Phó Chủ tịch UBND xã Vĩnh Long, huyện Vĩnh Bảo, Tp.Hải Phòng, chia sẻ.