PV báo Người Đưa Tin đã có cuộc trao đổi với ông Đỗ Tuấn Anh – Tổng Giám đốc ban Quản lý các dự án cầu Hải Phòng, đơn vị chủ đầu tư cầu Đăng về sự việc này.
PV: Xin ông cho biết nguyên nhân việc sạt lở đường dẫn cầu Đăng, khi cầu này mới khánh thành và đi vào sử dụng đầu năm nay?
Ông Đỗ Tuấn Anh: Phần ta luy đường dẫn bị sạt lở nằm trong gói dự án nâng cấp, mở rộng đường từ ngã ba cầu Đầm về đến cầu Đăng. Đường hiện tại đang là 6m, sau khi mở rộng sẽ là 12m.
Để thi công phần đường dẫn mở rộng theo thiết kế, nhà thầu, đơn vị thi công đã phải đào sâu xuống móng, sau đó đóng cọc bê tông, tiếp theo sẽ là các lớp vật liệu phủ lên theo kết cấu.
Khi đơn vị thi công đào móng sát đường dẫn, ban đầu không hề có việc sạt lở. Nhưng do những ngày qua, tình hình mưa lũ kéo dài, nước dâng cao, cầu lại cong theo phần đường dẫn mở rộng nên nước đã ngấm vào các lớp kết cấu gây sạt lở. Tôi cho rằng mưa lũ là nguyên nhân chính dẫn đến việc này.
PV: Theo quan sát của PV, phần ta luy đường dẫn bị sạt lở phải đến 1/3 chiều rộng của đường, với chiều dài 30m, ông có cho rằng đơn vị thi công làm ẩu không và dư luận cũng đang băn khoăn về chất lượng của công trình này khi cầu mới khánh thành và đưa vào sử dụng?
Ông Đỗ Tuấn Anh: Tôi khẳng định đơn vị nhà thầu thi công là đơn vị có uy tín, không hề có chuyện làm ẩu. Trong quá trình thi công cầu Đăng có cả đơn vị giám sát độc lập, không thể có chuyện làm bừa được.
PV: Theo ông, hiện trạng cầu Đăng khi mới sạt lở ta luy đường dẫn, phần bị sạt lở có chiều rộng bao nhiêu? Theo quan sát thì rất nguy hiểm, thực tế phải sạt đến 2m chiều rộng?
Ông Đỗ Tuấn Anh: Tôi cũng không rõ lắm đâu, tôi chưa nghe anh em báo cáo lại.
PV: Sở GTVT Hải Phòng vừa có văn bản hỏa tốc gửi các đơn vị chức năng có liên quan về việc cấm các phương tiện có trọng tải 3,5 tấn, xe khách 24 chỗ trở lên và xe container lưu thông qua cầu Đăng để nhà thầu khắc phục sự cố. Vậy thời gian hoàn thành phần ta luy đường dẫn cầu mở rộng giai đoạn 2 khi nào xong để giao thông thông suốt trở lại?
Ông Đỗ Tuấn Anh: Chúng tôi dự kiến trong vòng 30 ngày sẽ làm xong, các phương tiện sẽ lưu thông bình thường sau thời điểm đó.
PV: Theo kết luận của Thanh tra Chính phủ, cầu Đăng và cầu Hàn là 2 dự án cần giảm trừ gần 16 tỷ đồng, ông có ý kiến gì về việc này?
Ông Đỗ Tuấn Anh: 2 dự án này không phải đội vốn vì thực tế không bị vượt dự toán đầu tư. Về số tiền cần giảm trừ, số tiền này bao gồm chi phí dự phòng yếu tố trượt giá; chi phí phụ cấp lương công nhân làm ca đêm; giá nhựa đường, xi măng thời điểm đang chuẩn bị thi công cầu chênh lệch so với giá đưa vào tính tổng mức đầu tư.
Chúng tôi đã đề nghị Thanh tra Chính phủ cho phép giữ nguyên chi phí dự phòng biến động giá đã tính toán trong tổng mức đầu tư được duyệt.
PV: Xin cảm ơn ông về cuộc trao đổi!