Theo tìm hiểu của PV, hiện nay, khu vực vịnh Bến Bèo, thị trấn Cát Hải (thuộc quần đảo Cát Bà) có 273 bè nuôi thủy sản. Các hộ dân ở đây nuôi thủy sản lồng bè từ những năm 1990, hoạt động ổn định, đến nay đã tạo ra một lượng sản phẩm lớn, giải quyết việc làm cho hàng ngàn lao động, đồng thời thúc đẩy hoạt động du lịch trên đảo Cát Bà phát triển.
“Đến ngày 22/4/2017, huyện Cát Hải đã mời các hộ dân tới dự hội nghị tiếp xúc, đối thoại về việc tổ chức quy hoạch, sắp xếp lại vị trí các lồng bè nuôi trồng thủy sản. Theo đó, huyện muốn di chuyển những lồng bè tại vịnh Bến Bèo vào khu vực hang Vẹm, đồng thời phát phiếu tham khảo ý kiến người dân trong thời gian ngắn (khoảng 2 tháng) có di dời được các lồng bè hay không? Trước thông tin này, người dân rất hoang mang, lo lắng”, ông Đinh Ngọc Minh – chủ lồng bè tại đây bức xúc cho biết.
Lý do được các hộ dân đưa ra, khu vực vịnh Bến Bèo nước sâu 7-8m, rất phù hợp để nuôi cá biển. Nếu di chuyển lồng bè vào khu vực hang Vẹm có độ sâu từ 2,5-3m (khu vực nước nông, bí, không có nước chảy) sẽ không nuôi được những loại cá như hiện nay. Hơn nữa, khu vực hang Vẹm ngay sát núi, nước mưa đổ xuống sẽ làm chết cá.
Các hộ dân cho rằng, họ đầu tư nuôi thủy sản lồng bè tại đây đều phải vay mượn, thế chấp nhà cửa tại ngân hàng để có vốn làm ăn. Việc quy hoạch, sắp xếp lại lồng bè sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống của người dân.
Bè nuôi thủy sản của ông Đinh Như Đang lớn nhất khu vực Vịnh Bến Bèo với 80 lồng nuôi cá song gầu, song trứng, song lai… Tổng giá trị tài sản trong các lồng bè của ông ước tính 12-15 tỷ đồng. Ông Đang là một trong số những hộ đầu tiên ra đây “lập nghiệp”, vay vốn ngân hàng hàng chục tỷ đồng đầu tư nuôi cá biển bằng lồng bè. Ông Đang cho biết: "Nếu di dời các lồng bè phải chọn nơi phù hợp, nuôi trồng tốt hơn. Cùng với đó, việc di dời phải phương án đền bù thỏa đáng. Có như vậy, chúng tôi sẽ nghiêm túc thực hiện".
Qua tìm hiểu, PV được biết, các hộ nuôi cá biển trong lồng bè rất tốn kém và mất nhiều thời gian mới được thu hoạch (thường từ 1-3 năm, cá song phải nuôi từ 3-4 năm). Hiện nay, cá trong các ô lồng của người dân đang trong giai đoạn thu hoạch. Các hộ cho rằng, huyện lấy ý kiến di dời trong vòng 2 tháng sẽ khó thực hiện vì việc di dời sẽ làm ảnh hưởng đến cá, có nguy cơ chết cá.
Theo ông Vũ Văn Vóc, có 45 ô lồng nuôi thủy sản tại Vịnh Bến Bèo, để di chuyển hết số lồng bè tại đây cần lộ trình khoảng 2 năm để người dân có phương án thu hoạch cá. Hơn nữa, người dân đang ổn định cuộc sống tại đây, nếu di chuyển phải có phương án bố trí điện, nước… cho các hộ dân.
Theo số liệu thống kê của UBND huyện Cát Hải, hiện trên địa bàn huyện có 447 bè nuôi cá với 7.673 ô lồng và 448 giàn bề nuôi nhuyễn thể. Trong đó, khu vực Vịnh Bến Bèo, thuộc quần đảo Cát Bà có 273 bè với 4.691 ô lồng nuôi thủy sản.
Theo Quyết định 538 ngày 1/4/2016 của UBND TP.Hải Phòng, đến năm 2020 quy hoạch nuôi thủy sản lồng bè trên vịnh Cát Bà với diện tích 194 ha, bố trí 152 bè với 2.432 ô lồng và 80 giàn bè nuôi nhuyễn thể (tại các điểm như vịnh Bến Bèo, vịnh Lan Hạ, Gia Luận và Trà Báu). Trong đó vịnh Bến Bèo có 30 ha nuôi lồng bè, bố trí tối đa 40 bè với 640 ô lồng.
Như vậy, từ chỗ có 273 bè, đến năm 2020, khu vực vịnh Bến Bèo phải sắp xếp, quy hoạch lại còn 40 bè nuôi thủy sản.
Trao đổi với PV báo Người đưa tin, ông Nguyễn Công Hòa – Giám đốc ban Quản lý vịnh Cát Bà xác nhận thông tin huyện tổ chức đối thoại lấy ý kiến các hộ nuôi thủy sản tại vịnh Bến Bèo để tổ chức quy hoạch, sắp xếp lại vị trí các lồng bè.
Ông Hòa cho biết: "Việc này thực hiện theo Quyết định 538 ngày 1/4/2016 của UBND TP.Hải Phòng về việc phê duyệt Quy hoạch phát triển kinh tế thủy sản thành phố giai đoạn 2016-2020, định hướng đến năm 2030. Mục tiêu là giảm thiểu tác động của lồng bè, làm sạch môi trường vì sự phát triển du lịch Cát Bà".
“Sau khi lấy ý kiến các hộ dân, huyện phối hợp sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn báo cáo UBND TP.Hải Phòng để có chỉ đạo chính thức. Từ đó huyện sẽ xây dựng kế hoạch chi tiết để thực hiện”, ông Hòa nói.
Tuy nhiên, theo anh Vũ Văn An có 24 ô lồng nuôi cá biển tại đây cho biết: “Nghe lãnh đạo huyện phổ biến quy hoạch, sắp xếp lại lồng bè nhằm giảm thiểu ô nhiễm tại Vịnh Cát Bà. Nhưng hơn chục năm qua, cá nuôi chưa bao giờ bị chết ngạt nên không có chuyện nguồn nước bị ô nhiễm”.
Báo điện tử Người Đưa Tin sẽ tiếp tục thông tin về vụ việc này!
Lã Tiến