Theo phản ánh của người dân các xã Đồng Bài, Hoàng Châu, Văn Phong và thị trấn Cát Hải, từ bao đời nay, họ sử dụng nguồn nước mưa trong các bể dự trữ, nước giếng khơi để ăn uống, tắm rửa, giặt giũ…Đã thành thông lệ, cứ vào đầu mùa khô đến khoảng tháng 3,4 (Âm lịch), tình trạng thiếu nước sinh hoạt lại xảy ra. Song từ Tết nguyên đán Đinh Dậu đến nay, tình trạng này được đẩy lên đỉnh điểm vì trời ít mưa, nước trong các bể dự trữ cạn kiệt, nước giếng khơi bị ô nhiễm nên nhiều hộ dân không còn cách nào khác phải mua nước sạch.
Gia đình anh Đỗ Trọng Vương, ở thôn Phương Liên, xã Văn Phong, huyện Cát Hải có 3 bể chứa nước mưa, nhưng hiện bể nào cũng trơ đáy. Để có nước sinh hoạt anh Vương phải mua nước sạch với giá 180 nghìn đồng/m3 để cả gia đình sử dụng.
“Nhà tôi sâu trong ngõ nên mua lẻ thì họ không bán, mỗi lần gia đình tôi phải mua cả xe (khoảng 7 khối/xe) tốn hơn 1,2 triệu đồng. Tính từ Tết đến nay, gia đình tôi mua 4 xe nước tốn gần 5 triệu đồng để mọi người sử dụng, trong khi đó nhà ở ngoài Hải Phòng chỉ phải trả hơn 100 nghìn đồng/tháng là có nước sạch sử dụng thoải mái”, anh Vương chia sẻ.
Theo anh Vương, những hộ dân sống ở mặt đường chính thì mua nước sạch với giá 150 nghìn đồng/m3, còn những hộ dân sống trong ngõ phải chịu giá 180 nghìn đồng/m3 nước. Người dân có thắc mắc song không nhận được câu trả lời. Như vậy, người dân huyện đảo Cát Hải đang phải mua nước với giá “cắt cổ”, cao gấp 12-15 lần so với giá nước máy trong đất liền.
Cũng trong tình trạng tương tự, xã Đồng Bài có 345 hộ dân thì bể chứa của hầu hết các hộ đều cạn kiệt. Nhiều gia đình có điều kiện xây bể chứa nước mưa lớn nên nước dư giả đem bán với giá 200-300 nghìn đồng/m3 nước mưa. “Đợt Tết ra, nhà đồng chí Phó chủ tịch UBND xã phải mua 3 khối nước mưa giá 700 nghìn đồng để sử dụng”, ông Đoàn Hữu Đà – Chủ tịch UBND xã Đồng Bài, huyện Cát Hải cho biết.
Theo ông Đà, mỗi khi có khách đến chơi, người dân nơi đây lo ngay ngáy. “Chỗ ăn, chỗ ở thì không lo, chỉ lo không có nước để khách sinh hoạt. Người dân nơi đây quen tắm nước giếng khơi có vị mặn, còn nước mưa thì để ăn, uống. Song khách đến chơi thì không thể “đãi” khách tắm nước giếng. Trong khi nước mưa cạn, mua nước máy thì vô cùng tốn kém”, ông Đà nói.
Mua nước sạch với giá “cắt cổ” đã đành, nhưng người dân nơi đây băn khoăn không biết nước sạch được lấy từ đâu, chất lượng nước thế nào?
PV Báo Người Đưa tin ghi nhận một số hình ảnh:
Lã Tiến