Một trưa giữa tháng 7/2024, chúng tôi tìm về làng nghề làm bánh đa Lạng Côn ở xã Đông Phương, huyện Kiến Thụy, Tp.Hải Phòng. Tranh thủ trời nắng, các hộ làm nghề đưa những mẻ bánh đa mới hấp chín ra phơi khô.
Trong số các hộ làm nghề bánh đa ở Lạng Côn, có gia đình anh Hoàng Văn Lượng. Trao đổi với Người Đưa Tin, anh Lượng cho biết, nhà anh làm bánh đa từ 3 đời nay. So với trước, công việc cũng bớt vất vả khi chuyển từ làm tay sang làm máy ở một số công đoạn như xay bột, tráng và hấp bánh.
Tuy nhiên, gia đình anh vẫn phải vất vả dậy từ lúc 2 - 3 h sáng, tráng bánh liên tục đến 9 - 10 h trưa, sau đó đưa bánh ra phơi. Nếu trời nắng to, chỉ khoảng 4 tiếng là bánh khô. Còn trời mưa, phải đưa bánh đi sấy.
"Khi tráng tay, mỗi ngày gia đình tôi chỉ làm được khoảng 500 - 600 chiếc bánh. Từ khi chuyển sang tráng máy, vợ chồng tôi thuê thêm người làm, mỗi ngày có thể tráng được 5.500 - 6.000 chiếc bánh", anh Lượng thông tin.
Người làng Lạng Côn chỉ làm loại bánh đa nướng. Trước đây, chủ yếu là bánh đa trắng và bánh đa đỏ. Đáp ứng nhu cầu, thị hiếu của người tiêu dùng, giờ họ làm thêm một số loại bánh đa đặc biệt như bánh đa gấc.
Nguyên liệu chủ yếu người làm nghề bánh đa Lạng Côn sử dụng là gạo tẻ, muối, đường (thắng lên tạo màu cho bánh đa đỏ), vừng, gấc…, hoàn toàn không sử dụng bất cứ hóa chất hay phẩm màu.
Ngoài các gia đình sản xuất bánh đa, nhiều hộ ở thôn Lạng Côn làm dịch vụ thu mua rồi giao tới các cửa hàng, đại lý hoặc nướng bánh theo đặt hàng của người mua. Nghề làm bánh đa đem lại đời sống ấm no cho nhiều gia đình ở địa phương. Nhiều hộ làm nghề có mức thu nhập hơn 20 triệu đồng/hộ/tháng.
Trao đổi với Người Đưa Tin, ông Phạm Văn Phác - Trưởng thôn Lạng Côn Hải, cho biết, cách đây hơn 20 năm, cả làng Lạng Côn có hơn 40 hộ theo nghề làm bánh đa. Nay do thiếu nhân lực, chỉ còn gần 20 hộ theo nghề.
Theo lời các bậc cao niên trong vùng, nghề làm bánh đa ở Lạng Côn có từ hơn 1.000 năm trước. Đến nay, người dân địa phương vẫn làu làu câu ca nói về nghề của 4 làng thuộc tổng Đại Trà (nay là 2 xã Đông Phương và Đại Đồng, huyện Kiến Thụy, Tp.Hải Phòng): "Lạng Côn bánh đúc, bánh đa/ Đức Phong muối lậu, Đại Trà phủ trang/ Làng Cầu đánh giậm cả làng/ Con bống, con mũm còn sang nỗi gì?".
Tương truyền, vào thế kỷ 10, khi binh lính ra trận thiếu lương thực. Khi ấy, ông Chu Xích Công dạy người làng Lạng Côn cách làm bánh đa nướng để binh lính thuận tiện đem theo.
Sau này, người làng Lạng Côn giữ nghề và truyền lại đến ngày nay. Từ "lương khô" dành cho binh lính ra trận, bánh đa nướng Lạng Côn trở thành món ăn vặt được ưa chuộng trong và ngoài huyện Kiến Thụy.
Năm 2014, làng nghề bánh đa Lạng Côn được Cục Sở hữu trí tuệ thuộc Bộ Khoa học và Công nghệ cấp giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu làng nghề, tiến tới đăng ký chứng nhận sản phẩm OCOP.
Để hỗ trợ các hộ làm nghề bánh đa Lạng Côn, thời gian qua chính quyền xã Đông Phương cùng các phòng, ban chức năng liên quan của huyện Kiến Thụy, Tp.Hải Phòng, thường xuyên phối hợp mở các lớp tập huấn về an toàn thực phẩm, tuyên truyền, quảng bá sản phẩm, kết nối giữa sản xuất với tiêu thụ.