Dưới sự điều hành của ông Nguyễn Bách Phái – Giám đốc sở LĐ,TB&XH, phiên đối thoại trực tuyến diễn ra trong 2 giờ đồng hồ, thu hút sự quan tâm của hơn 7.800 lượt truy cập trên cổng thông tin điện tử TP.Hải Phòng.
Những vấn đề được quan tâm, bàn luận tại cuộc đối thoại như: chế độ hưởng trợ cấp thất nghiệp,trợ cấp cho thân nhân liệt sĩ, trợ cấp chế độ trợ cấp hàng tháng cho trẻ bị nhiễm HIV, chế độ đóng bảo hiểm xã hội khi đang làm việc tại công ty …được ghi nhận và trả lời một cách chi tiết, thấu đáo.
Trả lời câu hỏi rất nhiều người dân quan tâm: "thời gian tới TP.Phòng sẽ tích cực thực hiện công tác tri ân người có công như thế nào?", ông Nguyễn Bách Phái cho biết: Trên địa bàn thành phố hiện có gần 49.000 người có công, thân nhân, người đang hưởng trợ cấp hàng tháng, gia đình thờ cúng liệt sĩ, trong đó có khoảng 90 bà mẹ VNAH còn sống, trên 15.000 thương binh, bệnh binh, 151 gia đình người có công với đất nước, trên 5.000 người kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học, trên 1.300 nguời kháng chiến bị địch bắ tù đày cùng 142 cán bộ lão thành cách mạng….
Từ năm 2013 khi có pháp lệnh sửa đổi, pháp lệnh ưu đãi người có công và pháp lệnh kinh doanh mẹ VNAH được triển khai, thành phố đã giải quyết chế độ thờ cúng cho trên 28.700 gia đình liệt sĩ, phong tặng và truy tặng danh hiệu bà mẹ VNAH cho trên 1.400 mẹ và đang đề nghị Trung ương phê duyệt cho gần 100 mẹ. Giải quyết chế độ độ trợ cấp cho 2.263 người kháng chiến bị địch bắt tù đầy…
Thời gian tới, thành phố sẽ tiếp tục rà soát, phân loại hồ sơ đề nghị xác nhận công nhận người có công, xây dựng phương án giải quyết cụ thể từng hồ sơ để có kết luận cuối cùng, tập trung giải quyết trước các hồ sơ đề nghị xác nhập liệt sĩ đủ quy định, phấn đấu đến năm 2020 cơ bản giải quyết xong hồ sơ có công tồn đọng. Tiếp tục tăng cường công tác phối hợp với các ngành, địa phương trong việc giải quyết chính sách người có công, đẩy mạnh công tác thành kiểm tra, giám sát trong việc thực hiện chính sách người có công, kiên quyết xử lý các cán bộ thiếu trách nhiệm trong giải quyết chính sách người có công, các trường hợp khai man hồ sơ để hưởng chế độ không đúng đối tượng.
Trả lời câu hỏi : "Cơ quan nhà nước nào có thẩm quyền thanh, kiểm tra các cơ sở kinh doanh dịch vụ dễ bị lợi dụng để hoạt động mại dâm, quản lý dịch vụ báo chí xuất bản, dịch vụ văn hóa thông tin trong phòng tránh mại dâm…?", ông Lê Thanh Tùng - Chi cục phòng chống tệ nạn xã hội cho biết: Các cơ sở kinh doanh dịch vụ, quản lý hoạt động báo chí xuất bản, thông tin trong phòng chống mại dâm… được quy định tại điều 15,16,17 trong pháp lệnh phòng chống tệ nạn mại dâm, các cơ sở dễ bị lợi dụng là các nhà nghỉ, quán Karaoke, khu vui chơi giải trí, vũ trường…
Cơ quan quản lý có trách nhiệm kiểm tra là các cơ quan quản lý nhà nước, các cơ quan thanh tra chuyên ngành, ngành LĐTB&XH, y tế… và các cơ quan chuyên trách của phòng chống mại dâm của ngành LĐTB&XH. Tùy theo tình hình thực tế thì chủ tịch UBND địa phương sẽ thành lập đội kiểm tra liên ngành tiến hành thanh, kiểm tra. Hiện nay trên địa bàn thành phố có 2 đoàn kiểm tra của thành phố do ngành LĐTB&XH làm trưởng đoàn.
Phạm Trang