Chiều tối 22/7, trao đổi với Người Đưa Tin, ông Phạm Trí Tuyến - Trưởng phòng Văn hóa, Thông tin, Thể thao và Du lịch huyện Cát Hải, Tp.Hải Phòng, cho biết, đến thời điểm hiện tại, có tổng cộng 3.885 khách du lịch bị mắc kẹt tại đảo Cát Bà. Trong đó, có 435 du khách quốc tế.
Trước tình hình này, UBND huyện Cát Hải có Công văn số 2338/UBND-VH đề nghị hỗ trợ khách du lịch trong thời gian chịu ảnh hưởng của bão số 2.
Theo đó, UBND huyện Cát Hải yêu cầu các tổ chức, cá nhân kinh doanh dịch vụ du lịch trên địa bàn huyện xây dựng phương án bảo đảm an toàn, hỗ trợ cho khách du lịch đang lưu trú tại cơ sở mình trong thời gian có bão.
Bên cạnh đó, đề nghị hỗ trợ, giảm giá tối đa các dịch vụ cho khách, khuyến khích giảm giá 50% dịch vụ phòng nghỉ tại các cơ sở lưu trú trong trường hợp khách du lịch bị mắc kẹt bất khả kháng không kịp về đất liền do ảnh hưởng của bão số 2.
Tại Công văn số 2338/UBND-VH, UBND huyện Cát Hải yêu cầu các cơ quan, đơn vị, địa phương thực hiện nghiêm các nội dung chỉ đạo của UBND huyện Cát Hải tại Thông báo số 894/TB-UBND ngày 22/7/2024 về việc phòng, chống bão số 2 và Thông báo số 895/TB-UBND ngày 22/7/2024 về việc tạm dừng tổ chức hoạt động tham quan, vui chơi giải trí, tắm biển trên các vịnh thuộc quần đảo Cát Bà và tại các bãi tắm trên địa bàn.
Do ảnh hưởng của bão số 2, từ 12h ngày 22/7, Tp.Hải Phòng đình chỉ tất cả hoạt động giao thông vận tải đường thủy nội địa, phà sông, phà biển, tuyến cáp treo Cát Hải - Phù Long và các hoạt động du lịch, vui chơi, giải trí tại các khu vực biển đảo cũng tạm đình chỉ đến khi có thông báo mới.
Trước đó, ngày 21/7, ông Nguyễn Văn Tùng - Chủ tịch UBND Tp.Hải Phòng có Công điện 04/CĐ-CT về khẩn trương chủ động ứng phó với bão số 2. Theo đó, yêu cầu các địa phương, đơn vị tuyệt đối không chủ quan, chuẩn bị sẵn sàng tốt nhất các điều kiện để chủ động phòng, chống và khắc phục hậu quả do bão, mưa lớn gây ra.
Các sở, ngành, cơ quan, đơn vị liên quan và chính quyền địa phương tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền, vận động nhân dân thực hiện các biện pháp phòng chống bão, bảo vệ an toàn về người và tài sản; Hạn chế người dân ra đường trong thời gian bão đổ bộ, mưa lớn để bảo đảm an toàn.
Các đơn vị theo dõi chặt chẽ diễn biến của bão. Kiểm đếm, bằng mọi biện pháp thông báo cho chủ các phương tiện đang hoạt động trên biển khẩn trương di chuyển về nơi trú tránh an toàn. Quản lý chặt chẽ hoạt động của tàu thuyền thuỷ sản, tàu du lịch, tàu vận tải. Tổ chức neo đậu tàu thuyền, gia cố lồng bè thủy sản.