Trong căn lán dựng tạm giữa cánh đồng Ngoài thuộc thôn Văn Hòa, xã Hữu Bằng, huyện Kiến Thụy, Tp.Hải Phòng, đầy nắng gió một chiều đầu tháng 7/2024, anh Vũ Văn Đoàn cùng vợ là chị Ngô Thị Nhâm, trải lòng về những khó khăn, vất vả để có cơ ngơi tiền tỷ như hiện nay.
Anh Đoàn kể lại, trước đây, anh làm nghề lái xe container. Mặc dù thu nhập lên tới 30 - 50 triệu đồng mỗi tháng, nhưng đổi lại là những chuyến xa nhà biền biệt cùng những thú vui vô bổ và tốn kém.
Khoảng 12 năm trước, trong một lần về quê vợ cùng xã Hữu Bằng, thấy người chú vợ “đánh” sen (khai thác củ sen thủ công), anh Đoàn tập tành làm thử. Suốt buổi sáng, cả người lấm lem bùn đất mà chỉ lấy được vài củ sen, người chú vợ “động viên”: “Ngữ cháu chỉ phù hợp với cầm vô lăng mà thôi!”.
Tự ái, anh Đoàn ngụp lặn dưới đầm sen cả buổi chiều để đem lên một thúng đầy củ sen trong ánh mắt ngạc nhiên của mọi người.
Sau đó anh bàn với vợ bỏ nghề lái xe container thuê ruộng tại cánh đồng Ngoài cạnh sông Đa Độ mà người dân trong thôn Văn Hòa bỏ hoang nhiều năm do sâu trũng canh tác khó và chuột thường xuyên phá hoại để trồng sen.
“Đây là quyết định đúng đắn, sáng suốt nhất của cuộc đời tôi. “Đoạn tuyệt” với nghề lái xe container thu nhập cao để về quê thuê đất trồng sen, mặc dù đối diện với muôn vàn khó khăn, vất vả, nhưng bù lại tôi có thời gian ở cạnh gia đình nhiều hơn cũng như bỏ được những thú vui vô bổ và tốn kém”, anh Đoàn chia sẻ.
Từ khoảng 0,4 ha ban đầu, đến nay, vợ chồng anh Vũ Văn Đoàn đã thuê tổng cộng 5,3 ha ruộng bỏ hoang của người dân trong thôn để trồng sen với mức giá 200.000 đồng/sào/năm. Đồng thời, giải quyết công ăn việc làm thường xuyên cho 5 lao động địa phương với mức thu nhập trung bình 500.000 đồng/nửa ngày.
Hiện tại, trên diện tích 5,3 ha, vợ chồng anh Đoàn trồng 3 loại sen: Sen ngọt, sen bở nông, sen lấy củ làm tinh bột. Trung bình mỗi năm, 1 sào cho 2 - 3 tạ củ, với mức giá bán tại đầm cho thương lái 20.000 đồng/kg củ sen như hiện nay, trồng sen đem lại thu nhập cao gấp 5 - 7 lần so với cấy lúa.
Ngoài thu nhập từ trồng sen, chủ yếu thu hoạch củ, ngó, hoa, lá, vợ chồng anh Đoàn còn có thêm khoản thu nhập từ nuôi cá theo hình thức sản xuất kết hợp sen - cá.
“Thú thật, giờ tôi cũng không biết tổng tài sản vợ chồng mình có bao nhiêu. Bởi, thu nhập từ trồng sen, sau khi trả tiền mua phân bón, giống, thuê nhân công, gia đình tôi tiếp tục đầu tư thuê và cải tạo ruộng để trồng sen, đắp lại bờ bao. Ước tính, để có đầm sen rộng lớn như hiện nay, số tiền vợ chồng tôi đầu tư không dưới chục tỷ”, anh Đoàn cho biết.
Ngoài bán củ sen tươi cho thương lái, vợ chồng anh Đoàn còn kết hợp với một số hộ trong xã làm một số sản phẩm từ sen, như tinh bột củ sen, trà củ sen, lá sen khô… để đưa ra thị trường. Trong đó, sản phẩm tinh bột củ sen đạt sản phẩm OCOP 3 sao năm 2022.
Theo anh Đoàn, trồng sen không khó, cây ít bị sâu bệnh, nhưng cần sự chăm chỉ. Nếu biết cách trồng gối vụ, có thể thu hoạch từ khoảng cuối tháng 3 Âm lịch đến cuối năm. Tất tần tật những bộ phận của cây sen, từ hoa, lá đến ngó, củ, đều được thương lái thu mua hay chế biến thành các sản phẩm đưa ra thị trường.
Thành công từ mô hình trồng sen của vợ chồng anh Vũ Văn Đoàn giúp nhiều người dân ở xã Hữu Bằng, huyện Kiến Thụy, Tp.Hải Phòng, quay trở lại canh tác trên những thửa ruộng sâu trũng bỏ hoang nhiều năm hay xin nghỉ việc tại các xí nghiệp, nhà máy để gắn bó và làm giàu trên đồng đất quê hương.
Hiện trong số hơn 100 hộ trồng sen ở xã Hữu Bằng, có khoảng 20 hộ, tổ hợp tác có diện tích trồng sen 5 mẫu trở lên với mức thu nhập hàng trăm triệu đồng mỗi năm.
“Ngoài xã Hữu Bằng, hiện một số xã trên địa bàn huyện Kiến Thụy, Tp.Hải Phòng, như xã Đại Đồng, người dân tích tụ ruộng đất để trồng sen. Không chỉ giúp nhiều hộ làm giàu chính đáng trên đồng đất quê hương, mô hình trồng sen còn giúp địa phương giảm đáng kể tình trạng bỏ hoang ruộng”, bà Lê Thị Thanh Huyền - Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Kiến Thụy, Tp.Hải Phòng, thông tin.