Mất ăn, mất ngủ trước nguy cơ “vỡ họ”
Mới đây, Người Đưa Tin Pháp luật nhận được phản ánh của hơn 155 người dân tại thôn Bách Phương 3 (xã An Thắng) về vụ việc chơi họ góp (bốc họ) có dấu hiệu lừa đảo chiếm đoạt tài sản do bà Hoàng Thị Phượng đứng ra tổ chức.
Vụ việc bắt đầu từ tháng 6/2020, khi bà Hoàng Thị Phượng, trú tại thôn Bách Phương 3 là người đứng ra tổ chức hoạt động góp họ (chủ họ) đột ngột dừng việc trả tiền cho người bốc và nói nguyên nhân do một số người chơi nhiều nhưng chưa thanh toán tiền đã bốc họ. Sau đó, bà Phượng và một số đối tượng liên quan đã bỏ đi khỏi nơi cư trú và cắt liên lạc từ ngày 10/7/2020.
Theo những người tham gia hoạt động góp họ, tính đến thời điểm hiện tại, hơn 300 người chơi có nguy cơ bị mất trắng số tiền với tổng số khoảng hơn 40 tỷ đồng vì đã đóng họ cho bà Phượng. Nhiều hộ gia đình đều đang rơi vào cảnh cùng quẫn, vợ chồng mâu thuẫn, gia đình lục đục, tiềm ẩn nhiều nguy cơ trả thù cá nhân lẫn nhau gây mất trật tự an ninh, một số người còn có ý định tự tử…
Hầu hết, những người chơi bị dụ đều là đối tượng đã có tuổi và những người có gia cảnh khó khăn, là người lao động tự do, làm công nhân, nông nghiệp để kiếm sống qua ngày. Tuy nhiên, không chỉ dừng lại ở đó, sau khi những người này đã được dụ tham gia hoạt động chơi họ, nghe những lời “mật ngọt rót tai” của người đứng đầu “chủ họ” lại về huy động con cái, anh em, họ hàng trong gia đình chơi cùng. Hiện tại, những người tham gia chơi đều đang đứng trước nguy cơ “tiền mất, tật mang”.
Trao đổi với PV, bà Bùi Thị Trưa (SN 1938), trú tại thôn Bách Phương 3, cho biết: “Tôi tham gia chơi họ từ năm 2018, nhưng từ đó đến nay vẫn chưa lấy được số tiền nào về. Ngày 28/4/2020, là lượt của tôi bốc họ, tuy nhiên chủ họ (chị Phượng) không trả, đến nay thì người này lại bỏ trốn biệt tăm… Cứ ngỡ đem tiền vào đấy có thể tích góp được một khoản cho con xây nhà, ai ngờ, bây giờ lại đứng trước nguy cơ mất trắng”.
Ngậm ngùi trước nguy cơ mất hết số tiền tích góp bấy lâu, bà Trưa chia sẻ thêm: “Sau khi nghe chị Phượng dụ dỗ, tôi còn về rủ con gái, con dâu, cả ông nhà tôi cùng tham hoạt động chơi họ. Tính đến thời điểm hiện tại, cả gia đình tôi có nguy cơ mất khoảng hơn 700 triệu đồng. Kể từ khi xảy ra vụ việc, các con của tôi làm ăn ở xa biết tin cũng vừa thương vừa giận (thương vì sợ mẹ nghĩ nhiều lại ốm, giận vì những đồng tiền mồ hôi nước mắt tích góp bấy lâu nay có nguy cơ mất sạch), tôi áy náy đến nỗi không dám nhìn mặt chúng nó nữa”.
Giãi bày với phóng viên, cô N. - giáo viên về hưu, được cho là người đã góp số tiền lớn nhất vào nhóm họ, cho biết: “Tôi tham gia chơi từ 7/2019. Do ở khác xã nên khi xảy ra sự việc không nghe ngóng được gì nên tôi chưa lấy được đồng nào. Một số người ở gần biết tin sớm hơn thì đã lấy lại được ít nhiều. Tâm lý của những người chơi họ thường nghĩ để tiền vào đó để dành dụm, tích góp nên cũng ít khi bốc ra, đến khi tôi biết được sự việc thì các chủ họ đã bỏ trốn hết rồi. Bây giờ chỉ sợ các con biết sẽ bị sốc, làm ảnh hưởng đến cuộc sống hiện tại”.
Theo như chia sẻ, cô N. tham gia tất cả 3 nhóm họ, với tổng số tiền đã đóng lên hơn 2 tỷ đồng. “Bây giờ cũng chỉ mong cơ quan chức năng vào cuộc, bắt được những đối tượng đã bỏ trốn, tôi có thể lấy lại được phần nào số tiền đã đóng vào đó để trang trải cho cuộc sống” cô N. nói.
Trò chơi “ai oán”
Ngoài bà Phượng thì còn một chủ họ khác cũng đã bỏ trốn cùng gia đình. Chị Vũ Thị Thương, trú tại thôn Bách Phương 2 là người bốc họ của bà Hoàng Thị Phượng với nhiều khoản lớn và cũng là người đứng ra tổ chức một nhóm họ khác. Trưa 9/7, bà này đã ôm tiền bỏ trốn khỏi địa phương.
Theo tìm hiểu, hoạt động góp họ tại đây bắt đầu từ khoảng tháng 3/2016, tính đến thời điểm hiện tại họ rất lớn, nhiều người chơi với tổng số khoảng 300 bát họ. Mỗi một ngày, có khoảng 10 giao dịch bốc họ (10 bát họ) được thực hiện, thời gian bốc họ tính theo âm lịch, số tiền giao dịch ước tính hơn 500 triệu đồng.
Mỗi một bát họ thường có khoảng từ 15 đến 30 chân của khoảng hơn 10 người tham gia chơi. Những người chơi đa số là nhân dân ở huyện An Lão, họ là những người lao động, công nhân, viên chức... Tổng số tiền chơi họ ở các bát ước tính khoảng 50 tỷ đồng.
Được biết về thể lệ chơi, một người có thể chơi nhiều chân trong một bát họ, thậm chí có thể chơi nhiều bát họ tùy theo khả năng tài chính của mình. Mỗi một bát họ thường có các mức định giá là: 2 triệu, 3 triệu và 5 triệu đồng. Mức định giá là số tiền mà một chân chơi trong bát họ phải đóng hàng tháng sau khi đã bốc bát họ đó cho đến khi chân chơi cuối cùng bốc họ.
Việc bốc bát họ theo hình thức đấu giá mức lãi suất tự nguyện chi trả, ai chi trả cao nhất sẽ được bốc. Ví dụ: Họ 2 triệu đồng, có 26 chân chơi: Ông Nguyễn Văn A sau khi đấu giá được bốc với mức tiền chi trả là 200.000 đồng. Số tiền ông A nhận về là: (2.000.000 - 200.000) x 25 = 45.000.000; Các tháng tiếp theo sau khi bốc, ông A phải đóng trả lại họ mỗi tháng 2 triệu đồng cho đến khi người cuối cùng trong bát họ bốc, bát họ đó kết thúc.
Trao đổi với PV về thông tin phản ánh của người dân, ông Phạm Duy Hùng - Trưởng Công an xã An Thắng - cho biết: “Bà Hoàng Thị Phượng (SN 1972) trú tại thôn Bách Phương 3 là người đứng ra tổ chức góp họ, bắt đầu từ năm 2016. Khi vụ việc xảy ra, vào khoảng đầu tháng Sáu khi một số người đã bốc họ không đủ khả năng để chi trả ngay theo sự thỏa thuận, sau đó, một số người dân đến Công an xã An Thắng để viết đơn trình báo. Tuy nhiên, sau khi xem xét đơn của người dân, chúng tôi nhận thấy đây là những thỏa thuận dân sự, chưa có dấu hiệu vi phạm pháp luật nên cơ quan công an tạm thời chưa can thiệp sâu do sợ vượt quá thẩm quyền”.
“Khi đó, những người bốc và cả bà Phượng (chủ họ) vẫn ở địa phương và vẫn tổ chức những cuộc họp để bàn cách chi trả. Lúc đó, chúng tôi cũng đã cho cán bộ xuống đảm bảo an ninh trật tự để tránh những sự việc không hay xảy ra. Sau đó một thời gian, bà Phượng không còn ở tại địa phương nữa. Chúng tôi cũng đã chuyển hồ sơ cho cơ quan điều tra Công an huyện An Lão để tiếp tục điều tra, xử lý vụ việc”, ông Hùng thông tin thêm.