Cách thị trấn Cát Bà, huyện Cát Hải, Tp.Hải Phòng chừng 15 hải lý, đảo Long Châu có diện tích hơn 1 km2 là đảo lớn nhất trong số 30 đảo, bãi đá ngầm của quần đảo Long Châu. Đến nay, trên đảo không có cư dân sinh sống, chỉ có các cán bộ, chiến sĩ, công nhân Trạm hải đăng Long Châu và Trạm quan sát biên phòng Long Châu.
Người dân địa phương quen gọi “đảo đèn” Long Châu bởi trên đảo có ngọn hải đăng hơn 100 năm tuổi được xây dựng từ thời Pháp thuộc. Hải đăng Long Châu cùng với hải đăng đảo Dấu và hải đăng Kê Gà là 3 ngọn hải đăng lâu đời nhất ở Việt Nam.
Nỗ lực phủ xanh đảo đá tai mèo
Đến thăm “đảo đèn” Long Châu, ngoài ngọn hải đăng, du khách không khỏi ấn tượng bởi quang cảnh khắp nơi là những mỏm đá tai mèo sắc lẻm. Mỏm nào mỏm nấy như hàng trăm lưỡi lê hướng lên trời xanh.
Trái ngược với đá tai mèo, cây cối trên đảo Long Châu lại hiếm như nước ngọt vào mùa khô. Nhiều thế kỷ qua, trên đảo chỉ có lơ thơ những bụi cỏ dại, lác đác dăm ba cây sứ đá, bầu đất. Trong điều kiện tự nhiên vô cùng khắc nghiệt, để sống sót, những cây xanh hiếm hoi này đều cố gắng vươn bộ rễ khỏe bám chắc vào các kẽ đá tai mèo để chống chọi với gió bão cũng như hút dinh dưỡng nuôi cây.
“Những lúc cảm thấy cô đơn hay buồn chán, tôi lại nhủ mình, chẳng lẽ không bằng bụi cây dại. Chính nghị lực và sức sống của chúng đã tiếp thêm niềm tin, sức mạnh giúp tôi và các đồng đội vượt qua những khó khăn, thiếu thốn hoàn thành tốt công việc được giao trong suốt hơn 7 năm gắn bó với đảo”, hượng úy Phạm Văn Binh, cán bộ Trạm quan sát biên phòng Long Châu thuộc Đồn biên phòng Cát Bà, bắt đầu câu chuyện với chúng tôi bằng tâm sự chất chứa.
Người có thâm niên công tác lâu năm nhất trên “đảo đèn” Long Châu với thời gian hơn 20 năm là ông Nguyễn Mạnh Hùng - Trạm trưởng Trạm hải đăng Long Châu thuộc Tổng công ty Bảo đảm an toàn hàng hải miền Bắc.
ông Hùng kể lại, để gìn giữ và tạo màu xanh cho đảo, cứ mỗi khi phát hiện mầm cây sứ đá, bầu đất hay bụi cỏ dại vươn ra từ kẽ đá tai mèo, các cán bộ, công nhân hai trạm đóng trên đảo lại tìm cách che chắn, chằng buộc để tránh cây non khỏi bị hỏng trước những đợt gió biển mang hơi muối thổi suốt ngày đêm.
Hơn 30 năm trước, hàng chục cây bàng được chuyển từ đất liền ra trồng trong khuôn viên Trạm hải đăng Long Châu và Trạm quan sát biên phòng Long Châu cũng như trên tuyến đường độc đạo từ cầu cảng dẫn vào 2 trạm. Sau đó, nhiều du khách, đơn vị, đoàn thể, nhất là CLB Đô Thị xanh Hải Phòng, đã chung tay, góp sức đem đất, cây giống từ đất liền ra trồng tại đảo.
Nhờ có sự chăm chút của các cán bộ, chiến sĩ, công nhân của hai trạm, những cây non ngày nào giờ vươn mình trở thành những “chàng trai” to khỏe, lực lưỡng. Đáp lại tình cảm của con người dành cho, những cây bàng vươn tán che nắng, che mưa, đến mùa lại cho những quả chín ngon ngọt. Những bụi hoa cũng thường xuyên khoe sắc bớt đi màu xám xịt của đá tai mèo.
“Đặc sản” trên đảo Long Châu
Trong chuyến thăm đảo Long Châu, Người Đưa Tin có dịp trò chuyện với anh Mai Tiến Mạnh, công nhân Trạm hải đăng Long Châu, về những khó khăn, vất vả của những người làm nhiệm vụ thắp đèn, giữ đảo.
Anh Mạnh cho biết, nỗi sợ hãi nhất khi sinh sống, làm việc trên đảo Long Châu là sét. Mỗi khi mây đen kéo về báo hiệu mưa, giông, nhất là trong mùa hè, từng đợt sét liên tiếp như những nhát búa Thiên Lôi bổ xuống khắp đảo.
Sét phạt ngang những mỏm đá tai mèo lởm chởm. Sét chẻ đôi cây lớn. Sét thiêu đốt những bụi cây dại. Khắp đảo ngập tràn trong bầu không khí khét lẹt.
Những lúc đó, các cán bộ, chiến sĩ, công nhân hai trạm chỉ biết quây quần trong những căn phòng kiên cố “cố thủ” chờ trời quang, mưa tạnh để tiếp tục công việc.
Về nguyên nhân Thiên Lôi “ưu ái” đảo Long Châu, có người cho rằng, dưới lớp đá tai mèo là mỏ quặng kim loại nên thu hút sét. Hoặc, đảo Long Châu nằm trơ trọi giữa bao la biển khơi nên trở thành “cột thu lôi”. Nhưng không ít người lại tin, thiên nhiên dùng tiếng sét để để gây khó dễ hay thử thách những người kiên gan bám trụ thắp đèn, giữ đảo.
Ngoài tiếng sét, ở đảo Long Châu còn có “đặc sản” gây kinh hoàng khác nào bầy rắn cực độc, chủ yếu là rắn nâu, rắn lục đông đúc.
Không chỉ hiện diện ngoài tự nhiên, nhiều khi hứng chí, bầy rắn độc lại vào phòng ngủ để tìm hơi ấm. Chuyện mỗi tối vào phòng ngủ lật chăn thấy chình ình chú rắn nâu, rắn lục, thậm chí rắn chui vào giày không phải quá hiếm.
Tuy nhiên, thời gian qua chưa ai bị rắn độc cắn. Theo lý giải của ông Nguyễn Mạnh Hùng - Trạm trưởng Trạm hải đăng Long Châu, bầy rắn vốn hiền lành, không động chạm vào lãnh địa hay nhỡ châm dẫm lên chúng, thấy người là lẩn tránh. Thêm nữa, mọi người khi mới ra công tác tại đảo hay du khách đều được khuyến cáo cẩn thận và cẩn trọng.
Ngoài sét và rắn độc, trên đảo Long Châu còn có “đặc sản” gây thương nhớ tới nhiều người từng đặt chân đến đảo và có may mắn được thưởng thức. Đó là thịt dê nuôi thả trên đảo.
Ông Nguyễn Mạnh Hùng - Trạm trưởng Trạm hải đăng Long Châu, cho biết, nhiều năm trước, Tổng công ty Bảo đảm an toàn hàng hải miền Bắc đưa bầy dê từ Cát Bà ra thả tại đảo. Trải qua quá trình chọn lọc tự nhiên khắc nghiệt, rất ít con còn sống sót. Sau đó, chúng sinh con đẻ cái thành bầy đàn rồi quay trở lại bản năng hoang dã.
Để sinh tồn, bầy dê dần quen thuộc với cách di chuyển an toàn giữa những mỏm đá tai mèo sắc nhọn, lựa chọn nguồn thức ăn trong tự nhiên, kiếm tìm nguồn nước uống, tránh rắn độc, trốn sét.
Muốn có món dê ngon tiếp khách quý, phải thuê thợ từ trong đảo Cát Bà ra bẫy bắt. Thế nhưng, vẫn phụ thuộc vào sự may rủi, có khi thợ bắt dê phục vài ngày vẫn phải trở về tay trắng.
Chung tay thắp đèn, giữ đảo
Anh Mai Tiến Mạnh, quê ở xã Quang Phục, huyện Tiên Lãng, Tp.Hải Phòng, công nhân Trạm hải đăng Long Châu cho biết, anh được phân công ra công tác tại đảo từ tháng 1/2022.
Công việc chính của anh Mạnh cũng như các cán bộ, công nhân khác là ban ngày bảo trì, bảo dưỡng trang thiết bị, đèn, máy, vệ sinh trạm, quan sát biển xem có xảy ra sự cố bất thường. Tối đến, thắp đèn để hướng dẫn tàu, thuyền qua lại và định vị tàu, thuyền đang ở đâu.
Khó khăn lớn nhất đối với các cán bộ, công nhân, chiến sĩ Trạm hải đăng Long Châu và Trạm quan sát biên phòng Long Châu là thiếu thốn nước ngọt. Trên đảo không có nước ngầm, nước sinh hoạt chủ yếu từ bể chứa nước mưa và chuyển từ đất liền ra, tằn tiện lắm mới đủ dùng.
Vì thế, mỗi giọt nước ngọt đều phải tiết kiệm, tính toán từ tắm, giặt, rửa bát, rửa rau, tưới rau. Thậm chí, ngày trời nóng, họ xuống biển tắm rồi tráng qua ca nước ngọt.
Nỗ lực, quyết tâm thắp đèn, giữ đảo của các cán bộ, chiến sĩ, công nhân hai trạm còn được tiếp sức bởi ngư dân khai thác hải sản trong khu vực, trong đó có anh Phạm Văn Dũng, ở Tổ dân phố Hùng Sơn, thị trấn Cát Bà, huyện Cát Hải, Tp.Hải Phòng.
Anh Dũng cho biết, anh làm nghề khai thác hải sản tại đây từ năm 2012, sau chuyển sang thu mua hải sản. Ban ngày thấy ngọn hải đăng, tối thấy ánh đèn, những người làm nghề như anh thấy ấm lòng, yên tâm giữa bao la sóng gió. Khi anh em công tác tại hai trạm có việc đột xuất phải vào đất liền, anh Dũng cũng như nhiều ngư dân sẵn sàng bỏ mẻ lưới đầy tôm, cá để hỗ trợ.
Đến thăm “đảo đèn” Long Châu, một địa chỉ mọi người luôn ghé qua là mộ liệt sĩ Cao Quang Viên được đặt tại vị trí trang trọng phía trước tháp đèn của Trạm hải đăng Long Châu - nơi cao nhất của đảo.
Liệt sĩ Viên là cán bộ Tổng công ty Bảo đảm an toàn hàng hải miền Bắc được cử ra điều hành đèn biển Long Châu vào những năm giặc Mỹ đánh phá vịnh Bắc Bộ. Anh đã anh dũng hi sinh khi giữ sáng ngọn hải đăng giữa lúc máy bay giặc điên cuồng ném bom phá hoại.
Sự hi sinh của liệt sĩ Cao Văn Viên là biểu tượng cho sự kiên cường, bất khuất của các thế hệ thắp đèn, giữ đảo. Đồng thời, là sợi dây bền chặt kết nối các thế hệ cán bộ, công nhân, chiến sĩ hai trạm Hải đăng và Quan sát biên phòng Long Châu thành một khối vững chắc vượt qua mọi khó khăn, gian khổ hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.
Vì thế, suốt thời gian qua, hải đăng Long Châu chưa một đêm nào tắt dù hứng chịu nhiều mưa bom, bão đạn của kẻ thù hay mưa giông, bão tố. Còn đảo Long Châu vẫn hiên ngang, sừng sững canh giữ vùng biển, vùng trời thiêng liêng của Tổ quốc.