Trong ngày có nắng hiếm hoi giữa tháng 12/2023, chị Phạm Thị Uôm, sinh năm 1959, ở Tổ dân phố Đại Phong, phường Bàng La, quận Đồ Sơn, Tp.Hải Phòng, cùng cô con dâu tất bật ra ruộng tranh thủ làm mẻ muối mới.
Vừa thoăn thoắt đôi tay văng cát ra bề mặt ruộng muối, chị Uôm vừa trao đổi với Người Đưa Tin về nghề làm muối của quê hương. Chị Uôm cho biết, người dân địa phương không còn nhớ nghề làm muối có tự bao giờ, chỉ biết khi lớn lên đã thấy ông bà, cha mẹ làm muối. Cũng giống bao người làm muối ở Bàng La, chị Uôm thuộc làu làu câu ca đúc kết về phương pháp làm muối "chạt" của quê hương: “Đời ông cho chí đời cha/ Có một đống cát xe ra, xe vào”.
Nếu như các tỉnh, thành phố ở phía Nam, do nước biển có độ mặn cao, thời gian trong năm nắng nhiều, lại thêm nắng gắt, nên diêm dân chỉ cần bơm nước lên ruộng làm muối để nước bốc hơi kết tinh thành muối, thì người dân Bàng La làm muối theo phương pháp “chạt” phức tạp và vất vả hơn nhiều.
Bởi nước biển có độ mặn thấp, thời gian trong năm nắng ít, nhất là vào thời điểm Thu Đông hay tiết Xuân, nên họ phải văng cát ra bề mặt ruộng muối sau đó dẫn nước biển vào làm ướt cát. Trải qua thời gian phơi nắng, nước biển sẽ bốc hơi, hạt muối nhỏ li ti bám vào cát. Khi đó, người làm muối gom cát lại cho vào “chạt” (bể nhỏ có hình chữ nhật), lèn thật chặt rồi cho nước vào lọc lấy nước muối có độ mặn cao hơn. Nước này gọi là nước “chạt”.
Trước kia, diêm dân ở Bàng La cho quả bồ kết vào nước “chạt” để đo độ mặn. Nếu thấy quả bồ kết nổi, thì nước bảo đảm độ mặn. Nước “chạt” sau đó được cho lên ruộng để phơi bốc hơi kết tinh thành muối. Sau này, khi có dụng cụ đo độ mặn, diêm dân ở Bàng La kiểm soát độ mặn của nước "chạt" dễ dàng, chuẩn xác hơn.
Cùng với vùng muối ở đảo Cát Hải, huyện Cát Hải, vùng muối Bàng La nổi tiếng khắp trong và ngoài Tp.Hải Phòng. Theo lời ông Hoàng Gia Cường - Phó Chủ tịch UBND phường Bàng La, giai đoạn 1987-1988, cả xã Bàng La, huyện Kiến Thụy (nay là phường Bàng La, quận Đồ Sơn, Tp.Hải Phòng), từng có tới 4 HTX sản xuất muối gồm Đại Phong, Đại Thắng, Quyết Tiến và Đồng Tiến. Tổng diện tích làm muối khi đó của xã Bàng La lên tới khoảng 140 ha với hơn 1.600 xã viên, mỗi năm làm ra hơn 7.000 tấn muối thành phẩm.
Khoảng hơn 20 năm trở lại đây, khi muối nơi khác nhập về với giá rẻ chỉ bằng một nửa, các tàu đánh bắt xa bờ cũng như các cơ sở chế biến thủy sản, nhất là đối với nghề làm mắm truyền thống, dần “quay lưng” với muối “chạt”. Bên cạnh đó, lớp trẻ thích đi làm tại xí nghiệp, nhà máy hơn theo nghề làm muối vừa vất vả, lại thu nhập thấp. Vì thế, nghề làm muối ở Hải Phòng dần suy tàn.
Trong đó, nghề làm muối ở đảo Cát Hải hoàn toàn biến mất. Những ruộng muối san sát thẳng cánh cò bay dần nhường chỗ cho đầm nuôi thủy sản. Sau này được quy hoạch phục vụ các dự án.
Còn tại Bàng La, các ruộng muối cũng ồ ạt chuyển thành đầm ao nuôi thủy sản, ruộng trồng cà chua, nhất là trồng loại “táo muối” nổi tiếng. Mặc dù không đến mức xóa sổ như nghề muối ở đảo Cát Hải, hiện số hộ làm muối ở Bàng La chỉ còn chưa đến 10 hộ, trong đó có gia đình chị Phạm Thị Uôm.
Nói về việc chưa từ bỏ nghề làm muối truyền thống của quê hương, chị Uôm cho biết, trước đây, gia đình chị có 5 cửa ruộng muối (theo cách gọi của người dân địa phương, mỗi cửa ruộng tương đương với 720 m2). Sau khi các con lớn, lập gia đình, vợ chồng chị chia cho con, nên chỉ còn 2 cửa ruộng.
Với 2 cửa ruộng hiện tại, mỗi năm, gia đình chị Uôm thu được từ 2 - 4 tấn muối. Với giá bán trung bình 10.000 - 12.000 đồng/kg, hằng năm vợ chồng chị có khoản thu nhập 25 - 45 triệu đồng. Cộng với khoản thu từ mấy chục gốc “táo muối”, cũng đủ trang trải sinh hoạt gia đình và dành dụm phòng khi ốm đau, gia đình có việc.
Đặc biệt, sau thời gian chạy theo muối nhập từ nơi khác với giá rẻ, hiện muối Bàng La dần được thị trường trong và ngoài quận Đồ Sơn ưa chuộng vì ít mặn, hầu như không có vị chát, rất thích hợp dùng để nêm nếm các món ăn.
“Các hộ làm mắm chắt trong phường thường xuyên đặt hàng với số lượng lớn. Thậm chí nước quyền (nước rỉ ra trong quá trình bảo quản muối), cũng được các hộ làm đậu phụ đặt mua dài hạn. Cộng với việc đưa muối đi bán rao, bán tại chợ hằng ngày, gia đình tôi cũng như các hộ làm muối ở Bàng La ít phải lo đầu ra”, chị Uôm chia sẻ.
Nói về nghề việc giữ gìn, bảo tồn làm muối truyền thống của quê hương, ông Hoàng Gia Cường - Phó Chủ tịch UBND phường Bàng La, quận Đồ Sơn, Tp.Hải Phòng, chia sẻ với Người Đưa Tin: “Hiện UBND phường Bàng La thường xuyên quan tâm, động viên các hộ còn làm muối giữ lấy nghề truyền thống. Thời gian tới, địa phương dự kiến kết hợp với các cơ quan, đơn vị của Tp.Hải Phòng, quận Đồ Sơn xây dựng các tua, tuyến du lịch trải nghiệm nghề làm muối.
Bên cạnh đó, chúng tôi mong muốn có cơ chế, chính sách hỗ trợ, giúp đỡ để giữ gìn, bảo tồn nghề làm muối, nhất là tăng thu nhập cho diêm dân. Tôi tin rằng, nếu thu nhập tăng cao, nhiều hộ sẽ quay trở lại với nghề, đặc biệt là lớp trẻ”.
Trong khi chờ cơ chế, chính sách hỗ trợ, giúp đỡ để nâng cao thu nhập, những diêm dân cuối cùng ở Bàng La, cũng là cuối cùng của Tp.Hải Phòng, chủ yếu ở độ tuổi hơn 60, vẫn kẽo kẹt làm muối vừa để mưu sinh, vừa giữ để nghề truyền thống của quê hương khỏi bị thất truyền.