Tuy nhiên, trước tính chất phức tạp của cơn bão Hải Yến (bão số 14), tính đến chiều tối nay 10/11, TP.Hải Phòng đã khẩn cấp sơ tán tổng cộng 80.000 dân. Ngay trong tối cùng ngày, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải đang khẩn cấp di chuyển từ Thanh Hóa – nơi dự kiến trước đây là bão Haiyan sẽ đổ bộ - về Hải Phòng để trực tiếp chỉ đạo công tác phòng chống bão tại địa phương này.
Ngư dân Hải Phòng neo giữ tàu để chống bão Haiyan chiều 10/11
Theo Phó chủ tịch Đỗ Trung Thoại, diễn biến đường đi của bão có sự thay đổi, di chuyển tâm bão dự kiến đổ bộ trực tiếp vào khu vực ven đảo Hòn Dấu, Cát Hải (Hải Phòng) với sức gió cấp 10, cấp 11, giật cấp 11, cấp 12 vào khoảng 21 giờ ngày 10-11 đến 2 giờ ngày 11-11.
Ban chỉ huy phòng chống lụt bão và tìm kiếm cứu nạn Hải Phòng, cho biết đã lên phương án sơ tán dân khi bão đổ bộ trực tiếp với tổng số gần 80.000 người. Trong đó sơ tán tại chỗ khoảng gần 34.000 người và di dời đến nơi khác khoảng hơn 46.000 người. Cùng với đó, các quận huyện ven biển như Đồ Sơn, Cát Hải, Kiến Thụy, Tiên Lãng, Hải An… đã tiến hành di dân tại chỗ. Hiện 100% tàu thuyền đánh bắt xa bờ đã vào nơi trú tránh bão an toàn. Hơn 4.000 phương tiện, gần 13 nghìn lao động đã được thông tin về cơn bão.
Theo báo cáo của Văn phòng Ban chỉ huy Phòng chống lụt bão và tìm kiếm cứu nạn Hải Phòng, đến 17 giờ ngày 10-11, huyện Bạch Long Vỹ đã bố trí di chuyển dân tại khu dân cư 32 gian lên vị trí cao để tránh bão. Huyện Cát Hải đã tổ chức neo đậu tàu thuyền, di dời 12 lồng bè tại khu vực xung yếu về nơi tránh trú bão, kiên quyết không để người và tài sản có giá trị lớn trên các phương tiện vận tải và lồng bè thủy sản. Kiểm tra, rà soát công trình đê điều, bến cảng, khu du lịch; chuẩn bị sẵn sàng nhân lực, vật tư, phương tiện phòng chống bão. Huyện Kiến Thụy di chuyển 30 hộ nuôi ngao với 45 chòi canh (65 lao động) ven biển vào bờ trước 15h ngày 10-11.
Theo báo cáo của Bộ Chỉ huy Bộ đội biên phòng Hải Phòng, lực lượng chức năng thành phố Hải Phòng đã thông tin cho 4.166 phương tiện/12.837 lao động chủ động về nơi trú tránh. Hiện tại không còn phương tiện hoạt động trên vùng biển Hải Phòng
Bộ chỉ huy quân sự TP Hải Phòng cho biết đã huy động 100% quân số để túc trực phòng chống bão. Lực lượng cơ động có hơn 1.500 người, lực lượng tại chỗ gần 5.500 người sẵn sàng chống bão.
Ở các điểm đê xung yếu dễ gây sạt lở, vỡ đê khi bão đổ bộ như đoạn đê ở Kiến Thụy, Đồ Sơn, Tràng Cát (Hải An)… đã được bó trí lực lượng sẵn sàng ứng cứu.
Cùng với đó, các ngành, các địa phương, lực lượng vũ trang trên địa bàn thành phố Hải Phòng đã xây dựng kế hoạch, phương án huy động lực lượng, vật tư, phương tiện sẵn sàng tham gia PCLB&TKCN. Trong đó lực lượng xung kích hộ đê, PCLB và TKCN: 36.925 người gồm lực lượng do Bộ Chỉ huy quân sự thành phố đảm nhiệm và hiệp đồng: 7.335 người; 328 xe ôtô các loại, 107 tàu và xuồng cao tốc, 4 xe thiết giáp. Lực lượng do Bộ đội biên phòng đảm nhiệm và hiệp đồng: 225 người; 14 tàu, 41 xuồng, 19 xe ôtô các loại.
Cũng trong chiều 10-11, Chánh Văn phòng Sở GD-ĐT thành phố Hải Phòng Đỗ Văn Lợi cho biết, sáng 10-11, Sở GD-ĐT Hải Phòng có công văn khẩn gửi Hiệu trưởng các trường TCCN, Trưởng phòng GD-ĐT các quận, huyện, Hiệu trưởng các trường THPT và lãnh đạo các đơn vị trực thuộc về việc chủ động phòng, chống cơn bão số 14. Theo đó, các trường học thông báo để học sinh toàn thành phố nghỉ học cả ngày 11-11; đồng thời, các trường học tiếp tục theo dõi diễn biến cơn bão này để có biện pháp ứng phó kịp thời.
Ban chỉ huy Phòng Chống lụt bão Hải Phòng cho biết thêm, 1 tàu cá do ông Đinh Khách Thanh ở Lập Lễ, Thủy Nguyên Hải Phòng gặp nạn tại khu vực gân đảo Cô Tô. Vào thời điểm đó, trên tàu có 7 người, tàu bị hỏng máy bơm nước. Hiện lực lượng chứ năng đang phối hợp đưa các thuyền viên trên tàu vào đảo Cô Tô.
Tại Thái Bình:
Theo Ban chỉ đạo PCLB & TKCN tỉnh Thái Bình, đến 17 giờ ngày 10-11, công tác chỉ đạo phòng chống bão đã cơ bản hoàn thành. Theo đó, toàn tỉnh đã chỉ đạo di chuyển, buộc di chuyển 1.200 tàu thuyền của ngư dân đã vào nơi trú ẩn an toàn; trên 3.000 chủ đầm ngao, đầm nuôi trồng thủy sản đã rời chòi, đầm về nhà; hai huyện Tiền Hải và Thái Thụy hiện có khoảng trên 200 hộ dân gần khu vực đe quốc gia, UBND tỉnh cũng đã có phương án di dời, không để nguy hiểm xảy ra đối người dân. Bên cạnh đó, các phương tiện để phòng chống, ứng cứu các tình huống tron bão cũng được UBND tỉnh huy động đối đa.
Tại Quảng Ninh:
Theo báo cáo của Văn phòng Ban Chỉ huy PCTT&TKCN, từ 7 giờ sáng 10-11, tỉnh đã chỉ đạo cấm toàn bộ tàu thuyền ra khơi. Các hồ đập đã được lên phương án xả nước và chống vỡ đập.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh kiểm tra công tác neo giữ tàu thuyền của ngư dân huyện đảo Vân Đồn tối 10/11
Đến chiều ngày 10-11, hơn 10.500 phương tiện tàu, thuyền lắp máy hoạt động khai thác thuỷ sản trong toàn tỉnh đã nhận được thông tin về bão số 14 và đang khẩn trương về nơi neo đậu, tránh trú bão, trong đó 185 phương tiện tàu công suất trên 90 CV đang hoạt động khai thác tuyến khơi đã về nơi tránh trú bão an toàn. Hiện không có tàu thuyền nào của Quảng Ninh nằm trên đường di chuyển và vùng ảnh hưởng trực tiếp của bão; 466 tàu du lịch đã dời bến đi tránh trú bão.
Trước 18 giờ chiều 10-11, 2 địa phương là Vân Đồn và Hạ Long (Quảng Ninh) đã di chuyển 1.000 người dân ở ngoài các lồng bè, nơi sạt lở nguy hiểm vào vị trí an toàn. Theo báo cáo của huyện Vân Đồn, hiện nay đê Quan Lạn đang xuống cấp nghiêm trọng và đang trong tình trạng nguy hiểm.
Thủy Nguyên