Chiều muộn ngày 19/1, chúng tôi có mặt tại khu vực trồng hoa ở gần Nghĩa trang Đường Dứa trên địa bàn phường Đằng Hải, quận Hải An, Tp.Hải Phòng. Khoảng hơn 10 hộ hối hả tưới nước, đặt bẫy chuột, phun thuốc trừ sâu trước khi trời tối.
Vừa phun thuốc trừ sâu cho ruộng hoa cúc, hoa giơn rộng hơn 1.000 m2, chị Phan Thị Thanh, ở Tổ dân phố số 2, phường Đằng Hải, vừa trao đổi với chúng tôi về nghề trồng hoa của gia đình, địa phương.
Chị Thanh cho biết, gia đình chị theo nghề trồng hoa suốt hơn 30 năm qua. Thời gian gần đây, do diện tích đất nông nghiệp bị thu hồi hết để phục vụ cho các công trình, dự án, nên gia đình chị mượn tạm khu vực đất đã được địa phương bố trí tái định cư để trồng hoa.
“Nếu chủ đất đòi, gia đình tôi sẽ không còn đất để trồng hoa. Đến khi đó, tôi sẽ buộc phải làm công việc khác để mưu sinh mặc dù vẫn muốn gắn bó với nghề trồng hoa”, chị Thanh buồn rầu.
Anh Lê Hữu Định, người cùng trồng hoa tại khu vực gần Nghĩa trang Đường Dứa, may mắn hơn chị Phan Thị Thanh bởi vẫn còn đất để trồng hoa. Anh Định chia sẻ, hơn 20 năm trước, gia đình anh có tới hơn 3 mẫu ruộng trồng các loại hoa. Đến nay, địa phương thu hồi gần hết, chỉ còn khoảng 200 m2.
Trên diện tích này, 7 tháng trước, gia đình anh Định trồng toàn bộ hoa cúc để bán trong dịp Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024. “Đến nay, diện tích hoa phát triển khá tốt. Dự kiến, ruộng hoa sẽ đem lại cho gia đình tôi khoản thu nhập từ 50 đến 60 triệu đồng đủ để lo cái Tết no ấm”, anh Định phấn khởi.
Trao đổi với Người Đưa Tin, ông Bùi Văn Vững - Chủ tịch UBND phường Đằng Hải, cho biết, làng hoa Lũng trước kia thuộc xã Đằng Hải, huyện An Hải (nay là phường Đằng Hải, quận Hải An, Tp.Hải Phòng). Hoa do người dân làng Lũng trồng khoe sắc suốt bốn mùa, nhưng rực rỡ nhất trong dịp Tết Nguyên đán.
Thời kỳ cao điểm nhất, cách đây hơn 20 năm, diện tích trồng hoa của phường Đằng Hải lên tới hơn 150 ha trong tổng số hơn 310 ha diện tích đất tự nhiên toàn phường. Cùng với nghề trồng hoa, phường Đằng Hải còn nổi tiếng với chợ đầu mối bán hoa lớn nhất của Tp.Hải Phòng (chợ hoa Lũng).
Đến nay, chợ hoa Lũng vẫn nhộn nhịp, sầm uất. Ngày nào cũng vậy, suốt từ 3 giờ đến 9 giờ sáng, thương lái ùn ùn đưa hoa tươi từ các địa phương lân cận với Tp.Hải Phòng và các quận, huyện trên địa bàn Thành phố về bán.
Mặc dù chợ đầu mối vẫn nhộn nhịp, nhưng nghề trồng hoa ở phường Đằng Hải, quận Hải An, Tp.Hải Phòng, ngày càng “teo tóp”. Phần lớn diện tích đất nông nghiệp của phường Đằng Hải đã được thu hồi phục vụ các dự án đô thị, bố trí tái định cư.
Đến nay, diện tích trồng hoa toàn phường Đằng Hải còn lại chưa đến 30 ha, chủ yếu trồng tập trung tại các tổ dân phố: số 9, số 10 và số 16. Còn lại, chủ yếu hộ trồng nhỏ lẻ trong vườn nhà, từ 30 - 40 m2 đến dưới 100 m2/hộ.
Để giữ nghề trồng hoa, một số hộ ở phường Đằng Hải thuê đất trồng hoa ở các huyện An Dương, An Lão, Vĩnh Bảo (cùng Tp.Hải Phòng). Nhiều hộ thuê đất tại phường Tràng Cát (cùng quận Hải An, Tp.Hải Phòng) để trồng các loại hoa, trong đó nổi tiếng nhất là hoa cúc Họa Mi.
“Trước thực trạng diện tích trồng hoa của quê hương ngày càng bị thu hẹp, nhiều người dân địa phương tâm tư. Tuy nhiên, đây là điều không thể tránh khỏi do tác động của quá trình đô thị hóa.
Để giữ nghề truyền thống, địa phương khuyến khích, tạo điều kiện cho bà con nông dân tiếp tục làm nghề trên diện tích đất còn lại hoặc thuê đất tại nơi khác để trồng hoa. Bên cạnh đó, giữ chợ hoa tươi đầu mối để tạo công ăn việc làm, bảo đảm đầu ra cho các loại hoa tươi do bà con nông dân trong và ngoài phường trồng”, ông Bùi Văn Vững - Chủ tịch UBND phường Đằng Hải, quận Hải An, Tp.Hải Phòng, thông tin.