Dịp đầu Xuân Giáp Thìn 2024, mỗi khi nước thủy triều xuống, chị Nguyễn Thị Loan, ở phường Hải Sơn, quận Đồ Sơn, Tp.Hải Phòng, lại chuẩn bị đồ nghề đi gõ hà đá. Bộ đồ nghề rất đơn giản, gồm một chiếc búa nhỏ có 2 đầu, một đầu dùng để tách vỏ, một đầu để lấy ruột hà đá - loài nhuyễn thể có hình dáng giống con hàu nhưng kích thước nhỏ hơn, sinh sống đầy rẫy ở các ghềnh đá tại bờ biển. Thêm một chiếc xô nhỏ, một chiếc rổ nhựa để rửa sạch ruột hà đá trước khi bán.
Trong khi cặm cụi gõ hà đá ở khu vực ghềnh đá phía trước đền Bà Đế thuộc địa bàn phường Hải Sơn, chị Loan tranh thủ trao đổi với Người Đưa Tin về công việc mà chị đã gắn bó gần 30 năm. Chị Loan cho biết, hà đá sinh sống tại hầu hết ghềnh đá tại bờ biển Đồ Sơn, nhưng nhiều nhất ở khu vực phía trước đền Bà Đế, bãi tắm 295 và đảo Dấu. Đây cũng là nơi mưu sinh của chị và hàng chục phụ nữ địa phương.
Theo lời chị Loan, nghề gõ hà đá không cần nhiều sức lực, chỉ đòi hỏi sự khéo léo, chăm chỉ. Vì thế, trong số những người làm nghề ở Đồ Sơn, không có ai là đàn ông. Đây cũng là công việc được nhiều chị em lựa chọn trong khi chờ đợi người thân ra khơi đánh bắt tôm cá trở về.
Đối với người làm nghề gõ hà đá, nỗi sợ hãi lớn nhất là vỏ hà đá hay những mỏm đá sắc nhọn thường xuyên cứa vào chân, tay, dù có cẩn thận đến mấy. Vì thế, tay chân ai cũng chằng chịt những sẹo là sẹo. Vết sẹo cũ chưa lên da non, đã hằn thêm những vết sẹo mới. Thời gian gần đây, chị em dùng găng tay dày và ủng cao su, nên “tai nạn nghề nghiệp” cũng giảm bớt nhiều.
Ngoài ra, do thời gian ngồi gõ hà đá lâu, từ 3 - 5 tiếng mỗi buổi, nên khi cao tuổi, người làm nghề hay bị mắc bệnh xương, khớp. Với người trẻ, cũng thường xuyên đối diện với tình trạng đau nhức khắp mình mẩy khiến giấc ngủ khó yên.
Tuy nhiên, bù lại ruột hà đá được thực khách ưa chuộng vì rất bổ dưỡng và chế biến được nhiều món ăn ngon miệng, từ đơn giản nấu canh chua đến sốt cà chua, trộn cùng trứng và gia vị đem rán. Vì thế, đầu ra của ruột hà đá luôn được bảo đảm. Ngoài bán cho du khách, những người làm nghề giao cho các nhà hàng, quán ăn hoặc đem ra chợ. Với mức giá hiện tại 150.000 - 200.000 đồng/kg, nếu chăm chỉ, mỗi buổi một người có thể gõ được 2 - 3 kg ruột hà đá, thu nhập đến nửa triệu đồng.
Trao đổi với Người Đưa Tin, ông Lưu Đình Dũng - Chủ tịch UBND phường Hải Sơn, quận Đồ Sơn, Tp.Hải Phòng, cho biết, những người làm nghề gõ hà đá ở Đồ Sơn ít phải lo nguồn tài nguyên biển này bị cạn kiệt. Bởi, hà đá sinh sản và phát triển rất nhanh. Sau khi gõ một vòng từ khu vực ghềnh đá phía trước đền Bà Đế - bãi tắm 209 - đảo Dấu trong khoảng 20 - 25 ngày, khi quay trở lại, lứa hà đá non đã kịp trưởng thành để cho thu hoạch.
Không chỉ là công việc mưu sinh đem lại thu nhập cao cho nhiều phụ nữ ở Đồ Sơn, nghề gõ hà đá trở thành nét văn hóa trong lao động, sản xuất đặc trưng miền biển Đồ Sơn thu hút sự quan tâm của nhiều du khách trong nước và quốc tế.
Nắm bắt được điều này, một số doanh nghiệp lữ hành lồng ghép hoạt động tìm hiểu, trải nghiệm nghề gõ hà trong trong các tour du lịch đến Đồ Sơn. Vì thế, đến khu du lịch Đồ Sơn dịp đầu Xuân Giáp Thìn 2024, thường xuyên bắt gặp cảnh khách du lịch quây quần xung quanh các mẹ, các cô, các chị đang cặm cụi gõ hà đá. Ai cũng tỏ ra thích thú. Và trước khi rời đi, trên tay lại lủng lẳng túi ruột hà đá đem về làm quà hoặc nhờ nhà hàng, quán ăn chế biến thành món ưa thích.