Trao đổi với Người Đưa Tin, ông Nguyễn Văn Hùng, Chủ tịch UBND xã Liên Khê, huyện Thủy Nguyên, Tp.Hải Phòng phấn khởi cho biết, nhờ cơ sở hạ tầng được đầu tư, nâng cấp, đời sống nhân dân ngày càng được cải thiện, nâng cao, năm 2021, xã Liên Khê không còn trong danh sách xã khu vực 1 thuộc vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi.
Theo ông Hùng, bên cạnh sự quan tâm, đầu tư của Nhà nước, nguyên nhân quan trọng giúp xã Liên Khê có nhiều đổi thay tích cực trong thời gian qua là bà con địa phương mạnh dạn chuyển đổi giống cây trồng. Trong đó, mở rộng diện tích trồng giống na bở bản địa thay thế trên các khu vực cấy lúa, trồng rau màu hiệu quả kinh tế kém. Nhờ vậy, cả xã Liên Khê có hơn 50 hộ thoát nghèo vươn lên thành “hộ tỷ phú” với thu nhập trung bình 300-500 triệu đồng/năm trở lên nhờ trồng na.
Trong số những “hộ tỷ phú” ấy có gia đình chị Nguyễn Thị Xuân, ở thôn 9. Gia đình chị Xuân trồng na từ thời xưa, nhưng chỉ trồng vài cây lấy quả ăn. Năm 2017, khi na bở Liên Khê được thị trường ưa chuộng, gia đình chị chuyển hơn 3,2 nghìn m2 vườn nhà từ trồng cau và các loại cây ăn quả khác sang trồng na. Nhờ hiệu quả kinh tế cao gấp nhiều lần so với cấy lúa, vợ chồng chị Xuân quyết định cải tạo đất, trồng toàn bộ na trên diện tích đất cấy lúa, đất đồi của gia đình. Hiện tổng diện tích trồng na của vợ chồng chị Xuân lên tới hơn 1,8 ha.
Chị Xuân cho biết, để cây cho thu hoạch quả nhiều năm, người dân xã Liên Khê chủ yếu ươm hạt chứ không chiết cành. Từ lúc ươm thành cây non đến khi bói quả, tùy điều kiện thời tiết, thổ nhưỡng và phương pháp chăm sóc, kéo dài khoảng 3-5 năm. Từ đó, cây cho thu hoạch quả đều trong vòng 15-20 năm. Khi cây già cỗi, người trồng na chặt bỏ để trồng cây mới thay thế.
Người trồng na ở Liên Khê thu hoạch mỗi năm 2 vụ. Trong đó, vụ chính kéo dài từ tháng 6 đến tháng 8 âm lịch. Tiếp đó là vụ na trái mùa, từ tháng 9 đến Tết Nguyên đán. Sau nhiều năm trồng na, vợ chồng chị Xuân và các hộ trồng na ở Liên Khê nắm được bí quyết giúp cây na ra quả và chín vào thời điểm mong muốn. Nhờ vậy, giá bán cao hơn hẳn so với thời gian na chín rộ.
Hiện tại, vụ na chính vụ năm 2023, giá thương lái thu mua tại vườn 120 nghìn đồng/kg đối với loại na 2-3 quả/kg. Na Liên Khê đắt hơn 2-3 lần so với loại na bở khác được bán trên thị trường nhưng vẫn luôn rơi vào tình trạng “cháy hàng”. Sau khi trừ chi phí, dự kiến vụ na này vợ chồng chị Xuân có khoảng 300-400 triệu đồng “đút ống”.
“Hiện nay người trồng na bở ở Liên Khê thay thế phân chuồng bằng phân bón vi sinh và sử dụng những loại thuốc bảo vệ thực vật sinh học. Vì thế, quả na có trọng lượng lớn, trung bình 2-4 quả/kg. Thỉnh thoảng có quả na lên tới 0,7-0,9 kg. Đồng thời, có hương vị thơm ngon đặc biệt được thị trường ưa chuộng”, chị Xuân chia sẻ.
Theo đại diện chính quyền xã Liên Khê, thời gian qua, xã Liên Khê phối hợp với các cơ quan, đơn vị chức năng của Tp.Hải Phòng, huyện Thủy Nguyên tổ chức các lớp tập huấn cho bà con nông dân trong xã kỹ thuật, quy trình chăm sóc na theo tiêu chuẩn VietGAP. Bên cạnh đó, xây dựng thương hiệu na Liên Khê, cung cấp tem truy xuất nguồn gốc đối với sản phẩm na địa phương.
Đồng thời, chính quyền xã Liên Khê đề nghị HTX sản xuất kinh doanh dịch vụ nông nghiệp xã Liên Khê liên kết với các tổ, các hộ trồng na bao tiêu sản phẩm, tổ chức đóng gói, dán tem truy xuất nguồn gốc đưa đi tiêu thụ trong và ngoài Tp.Hải Phòng.
“Hiện diện tích trồng na bở địa phương lên tới hơn 100 ha trong tổng số 700 ha đất canh tác của toàn xã. Để tạo điều kiện cho nhiều hộ dân hơn nữa vươn lên làm giàu chính đáng trên đồng đất quê hương, chính quyền xã Liên Khê đang tích cực phối hợp với các cơ quan, đơn vị hoàn thiện thủ tục chuyển đổi hơn 10 ha đất cấy lúa, trồng rau màu hiệu quả kinh tế kém sang trồng na”, ông Nguyễn Văn Hùng, Chủ tịch UBND xã Liên Khê, cho biết.