Ít có công trình nào gây được nhiều sự chú ý của dư luận như dàn nhạc nước 200 tỷ đồng ở hồ Tam Bạc, Hải Phòng. Từ giai đoạn “thai nghén” cho đến khi trở thành đống sắt vụn, công trình đó đều khiến báo giới liên tục tốn giấy mực.
Chỉ tiếc rằng “sự nổi tiếng” mà dàn nhạc nước đó có được không phải nhờ quy mô, những đóng góp về mặt cảnh quan, du lịch hay kinh tế cho thành phố. Mà ngược lại, nó “nổi tiếng” nhờ những lùm xùm, nhếch nhác xung quanh số vốn đầu tư bất hợp lý, thiếu hiệu quả.
Và đến giờ này, sau 6 tháng chính thức “trở về với cát bụi” thì công trình nhạc nước đó lại một lần nữa khiến dư luận phải dậy sóng.
Cụ thể, liên quan đến những vấn đề tồn đọng của dàn nhạc nước, sở Kế hoạch & Đầu tư TP.Hải Phòng có văn bản gửi các Sở, ban, ngành thành phổ, UBND các quận, huyện về việc lập danh sách các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân mời tham gia tài trợ.
Trong văn bản nêu rõ việc mời tham gia tài trợ để giải quyết các vấn đề tồn tại của dự án đầu tư xây dựng công trình hệ thống trình diễn nhạc nước kết hợp với âm thanh, ánh sáng, kỹ xảo nghệ thuật khu vực lòng hồ Tam Bạc. Hải Phòng xem đây là hình thức huy động “xã hội hóa” và thành lập một tổ công tác để thực hiện.
Quả là một “sáng kiến” có một – không – hai, không ai nghĩ tới khi giờ đây, người dân phải làm quen với việc tài trợ cho một dự án đã “chết”, đã để lại một lỗ hổng ngân sách hơn 90 tỷ đồng. Nói cách khác, việc kêu gọi vốn xã hội hóa đó của thành phố có khác gì yêu cầu người dân tài trợ, bù đắp cho những sai lầm của một số lãnh đạo thành phố Hải Phòng.
Thiết nghĩ, lỗi của ai, người đó chịu. Ai gây thất thoát ngân sách Nhà nước, người đó phải có trách nhiệm bồi thường. Không thể có chuyện “quýt làm, cam chịu”. Người dân phải “chịu trách nhiệm” những 2 lần (một lần từ ngân sách nhà nước – tiền thuế của dân và một lần tiền “tài trợ”) cho những quyết định sai lầm của một số cán bộ.
Nếu như việc “kêu gọi tài trợ” đó được triển khai một cách trơn tru, tổ công tác mà thành phố lập ra hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao – kêu gọi được vốn xã hội hóa 90 tỷ đồng từ các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân… thì chắc chắn nó sẽ trở thành tiền lệ xấu cho nhiều địa phương với hàng loạt công trình trăm, nghìn tỷ bỏ hoang trên khắp cả nước.
Ngẫm mới thấy thật tội nghiệp cho người dân thành phố hoa phượng đỏ. Khi lên kế hoạch, phê duyệt dự án, mời nhà thầu… thì người dân tuyệt nhiên không được biết đến. Cho đến lúc thất bại thảm hại thì lại gọi đến người dân.
Xuân Thu
* Bài viết thể hiện quan điểm riêng của tác giả