Ngày 7/6, trao đổi với Người Đưa Tin, bà Lê Thanh Huyền - Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Kiến Thụy, Tp.Hải Phòng, thông tin, dịch tả lợn châu Phi đã xuất hiện và lây lan tại 5 thôn ở xã Ngũ Đoan trên địa bàn huyện nhà.
Cụ thể, theo báo cáo của UBND xã Ngũ Đoan, huyện Kiến Thụy, tổng đàn lợn nuôi của hộ ông Đỗ Văn Lộc ở thôn Đồng Rồi có 110 con (có kê khai hoạt động chăn nuôi ngày 2/4/2024) gồm 10 con lợn nái, 40 con lợn con theo mẹ và 60 con lợn thịt.
Chủ hộ đã chủ động mua vaccine và tự tiêm phòng bệnh lở mồm long móng, dịch tả lợn cổ điển, tụ huyết trùng, phó thương hàn và đã xuất bán 30 con lợn thịt. Từ ngày 20/5/2024 đàn lợn có một số triệu chứng như: Sốt cao, thân lợn phát ban đỏ từng mảng đặc biệt ở vùng lưng, lợn bỏ ăn, táo bón, mắt sưng… chết rải rác 37 con. Gia đình đã xử lý chôn hủy trong khuôn viên gia đình.
Đến ngày 29/5/2024, UBND xã Ngũ Đoan có Công văn số 40/UBND-ĐC gửi UBND huyện Kiến Thụy đề nghị cho ý kiến chỉ đạo và lấy mẫu xét nghiệm lợn chết chưa rõ nguyên nhân tại gia đình ông Lộc.
Sau đó, Chi cục Chăn nuôi và Thú y phối hợp Ban Chỉ đạo phòng chống dịch bệnh động vật huyện Kiến Thụy và UBND xã Ngũ Đoan tiến hành lấy mẫu gửi Chi cục Thú y vùng II xét nghiệm bệnh Dịch tả lợn Châu Phi. Theo phiếu trả lời kết quả xét nghiệm số 7655/TYV2-CĐ ngày 30/5/2024 của Chi cục Thú y vùng II, mẫu xét nghiệm của hộ ông Đỗ Văn Lộc dương tính với virus bệnh dịch tả lợn châu Phi.
Từ trường hợp phát hiện đầu tiên, dịch tả lợn châu Phi đã lan rộng ra nhiều hộ ở các thôn Đồng Rồi, Hòa Nhất, Đương Thắng, Tiền Anh, Trúc của xã Ngũ Đoan.
“Đến hết ngày 6/6, địa phương đã tiến hành tiêu hủy tổng cộng 94 lợn thịt, lợn nái với tổng trọng lượng hơn 3,4 tấn của các hộ ở 5 thôn của xã Ngũ Đoan do dịch tả lợn châu Phi”, bà Lê Thanh Huyền - Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Kiến Thụy, Tp.Hải Phòng, cho biết.
Theo bà Lê Thanh Huyền, ngay sau khi xuất hiện ổ dịch bệnh tả lợn châu Phi đầu tiên, UBND huyện Kiến Thụy có công văn yêu cầu UBND xã Ngũ Đoan thành lập chốt kiểm dịch động vật, bố trí lực lượng thường trực kiểm soát chặt chẽ việc vận chuyển lợn, sản phẩm từ lợn ra vào địa bàn theo quy định.
Bên cạnh đó, thực hiện khử trùng tiêu độc chuồng trại chăn nuôi, nơi chôn hủy lợn bệnh 1 lần/ngày liên tục trong 7 ngày. Khử trùng, tiêu độc khu vực xung quanh 2 lần/tuần, liên tục trong 3 tuần. Khẩn trương thống kê, giám sát chặt chẽ tổng đàn lợn nuôi trên địa bàn, thông báo cho các hộ, các thôn, xã xung quanh về tình hình dịch bệnh trên đàn lợn.
Đối với các xã, thị trấn trên địa bàn, UBND huyện Kiến Thụy yêu cầu chính quyền địa phương tăng cường kiểm tra, giám sát tình hình dịch bệnh tới tận các cơ sở chăn nuôi. Hướng dẫn các hộ nuôi chủ động tiêm vaccine phòng các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm (lở mồm long móng, dịch tả lợn, tai xanh, đặc biệt là dịch tả lợn châu Phi bảo đảm tỉ lệ tiêm phòng đạt trên 80% tổng đàn tại thời điểm tiêm). Thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch bệnh động vật theo quy định.
Đồng thời, yêu cầu các hộ chăn nuôi theo dõi, giám sát chặt chẽ tình hình đàn lợn, báo cáo ngay cán bộ thú y cơ sở, chính quyền địa phương khi phát hiện lợn có dấu hiệu bị bệnh, nghi bị bệnh, thực hiện các biện pháp chống dịch theo quy định.
Ngoài ra, kiểm soát chặt chẽ hoạt động buôn bán, vận chuyển, giết mổ lợn trên địa bàn, xử lý nghiêm các trường hợp buôn bán, vận chuyển, giết mổ lợn bệnh, không rõ nguồn gốc, không có giấy chứng nhận kiểm dịch.
Ngay sau khi dịch tả lợn châu Phi xuất hiện tại xã Ngũ Đoan, huyện Kiến Thụy, UBND Tp.Hải Phòng đã có Văn bản 1298/UBND-NN yêu cầu các quận, huyện, sở, ngành tập trung triển khai quyết liệt, đồng bộ các giải pháp phòng, chống bệnh.
Văn bản nêu rõ, sau 24 tháng dịch bệnh tả lợn châu Phi được khống chế trên địa bàn Tp.Hải Phong, đến ngày 30/5/2024 dịch tái phát trên đàn lợn tại xã Ngũ Đoan, huyện Kiến Thụy (ổ dịch cũ có lợn mắc dịch bệnh tả lợn châu Phi phải tiêu hủy năm 2019).
Kết quả giám sát sự lưu hành virus gây dịch bệnh tả lợn châu Phi năm 2023 tại một số chợ kinh doanh thịt lợn và sản phẩm từ thịt lợn trên địa bàn Tp.Hải Phòng đã phát hiện 3,96% mẫu dương tính, đặc biệt tại tỉnh Quảng Ninh giáp ranh với Hải Phòng đang có ổ dịch dịch bệnh tả lợn châu Phi chưa qua 21 ngày… tiềm ẩn nguy cơ dịch bệnh bùng phát và lây lan ra diện rộng trên địa bàn.
UBND Tp.Hải Phòng yêu cầu các quận, huyện tổ chức giám sát dịch đến tận hộ, cơ sở chăn nuôi, kinh doanh, giết mổ lợn, chợ buôn bán thực phẩm có nguồn gốc từ lợn trên địa bàn. Kiểm soát chặt chẽ việc vận chuyển, buôn bán lợn, sản phẩm từ lợn trên địa bàn.
Căn cứ diễn biến dịch bệnh, các địa phương xem xét thành lập các chốt kiểm dịch động vật tạm thời tại các bến phà, bến đò, đầu mối giao thông tiếp giáp với các địa phương đang có dịch. Bố trí kinh phí, nguồn lực, vật tư, trang thiết bị phòng, chống dịch để chủ động ứng phó kịp thời khi có dịch bệnh xảy ra.
UBND Tp.Hải Phòng giao Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đôn đốc công tác phòng chống dịch tại các địa phương. Giám sát chặt chẽ tình hình dịch bệnh, bảo đảm phát hiện sớm, cảnh báo, hướng dẫn các biện pháp kỹ thuật phát hiện và xử lý ổ dịch đúng quy trình theo quy định, không để dịch bệnh lây lan diện rộng.