Ngày 11/3, theo thông tin từ Sở Giáo dục và Đào tạo Hải Phòng, đơn vị vừa có Văn bản số 671/SGDĐT-VP gửi trưởng phòng giáo dục và đào tạo, giám đốc trung tâm giáo dục nghề nghiệp và giáo dục thường xuyên các quận, huyện, hiệu trưởng trường THPT, phổ thông nhiều cấp, thủ trưởng các đơn vị trực thuộc chỉ đạo rà soát, chấn chỉnh việc tổ chức thực hiện hoạt động trải nghiệm ngoài nhà trường.
Theo đó, để bảo đảm hoạt động trải nghiệm được thực hiện đúng quy định, đạt hiệu quả, phát huy tính chủ động, sáng tạo của các cơ sở giáo dục trong việc xây dựng và thực hiện kế hoạch giáo dục, Sở Giáo dục và Đào tạo Hải Phòng nghiêm cấm các trường lợi dụng việc tổ chức hoạt động trải nghiệm để đi thăm quan, du lịch, dâng hương, thu tiền của học sinh, phụ huynh trái quy định.
Bên cạnh đó, rà soát kế hoạch tổ chức, xác định hình thức, quy mô tổ chức bảo đảm phù hợp với các chủ đề trong chương trình hoạt động trải nghiệm, hướng nghiệp và hoạt động ngoài giờ lên lớp, đáp ứng yêu cầu cần đạt trong chương trình và phù hợp với tình hình đặc điểm của nhà trường và địa phương.
Trong trường hợp tổ chức các hoạt động trải nghiệm theo hình thức bên ngoài nhà trường, Sở Giáo dục và Đào tạo Hải Phòng yêu cầu các cơ sở giáo dục phải có được sự tự nguyện, đồng thuận của học sinh và phụ huynh học sinh. Việc tổ chức lấy ý kiến phụ huynh và học sinh bảo đảm rộng rãi, công khai, dân chủ.
Đồng thời, phân định rõ việc tổ chức cho học sinh học tập trải nghiệm trong chương trình theo quy định với việc đi tham quan, du lịch do cá nhân học sinh và cha mẹ học sinh tự nguyện tổ chức ngoài kế hoạch giáo dục nhà trường và ngoài thời gian nhà trường quản lý theo quy định.
Trước đó, đầu tháng 3/2024, nhiều bậc cha mẹ học sinh lớp 12 Trường THPT Lê Hồng Phong ở Tp.Hải Phòng chia sẻ bức xúc trên mạng xã hội khi phải đóng gần 3 triệu đồng cho con đi học tập trải nghiệm.
Sở Giáo dục và Đào tạo Hải Phòng đã lên tiếng về vụ việc này. Theo đó, công tác tuyên truyền, phổ biến và quán triệt của Trường THPT Lê Hồng Phòng về việc tổ chức triển khai về chuyến đi hiệu quả chưa cao nên vẫn có giáo viên chủ nhiệm và phụ huynh chưa hiểu đúng chủ trương, bản chất của sự việc, dẫn đến có bức xúc trên mạng xã hội.
Công tác chỉ đạo, quán triệt của nhà trường chưa được kiên quyết, mạch lạc, khúc chiết nên vẫn còn có người hiểu và thực hiện chưa đúng bản chất hoạt động trải nghiệm của trường, phân kỳ thu.
Bên cạnh đó, việc giáo viên chủ nghiệm đăng tin trên nhóm lớp về số tiền phải đóng mà không có giải thích rõ ràng về việc không bắt buộc, phân kỳ thu là không đúng quy định, không đúng với chỉ đạo của các cấp về thực hiện các khoản thu.
Sở Giáo dục và Đào tạo Hải Phòng yêu cầu Trường THPT Lê Hồng Phong khắc phục những tồn tại, hạn chế và xem xét hình thức xử lý phù hợp, theo quy định đối với giáo viên chủ nhiệm.