Tâm điểm của Lễ hội chọi trâu Đồ Sơn năm 2023 là hội chọi trâu sẽ diễn ra vào sáng 23/9 (ngày 9/8 Âm lịch) tại Sân vận động trung tâm quận Đồ Sơn, Tp.Hải Phòng. Đây là kỳ lễ hội thứ 32 kể từ khi được khôi phục lại năm 1990 (hai năm liên tiếp 2020 và 2021, quận Đồ Sơn không tổ chức lễ hội do tuân thủ các quy định về phòng, chống dịch bệnh COVID-19).
Tại cuộc họp báo trước thềm Lễ hội chọi trâu Đồ Sơn năm 2023, lãnh đạo UBND quận Đồ Sơn thông tin, so với các kỳ lễ hội trước, năm nay các “ông trâu” có trọng lượng lớn hơn hẳn. Trong đó, có “ông trâu” nặng nhất trong lịch sử các kỳ lễ hội có trọng lượng lên tới khoảng 1,3 tấn.
Theo tìm hiểu của Người Đưa Tin, đó là “ông trâu” của chủ trâu Lưu Đình Nam, ở phường Vạn Hương, quận Đồ Sơn, Tp.Hải Phòng. Ông Nam chia sẻ, “ông trâu” được thương lái mua về từ Thái Lan và nuôi tại huyện Hoài Đức, Hà Nội. Năm 2022, ông bỏ ra số tiền lớn mua lại để tham dự lễ hội năm nay.
Giống như nhiều chủ trâu khác, ông Lưu Đình Nam cùng quản trâu tốn rất nhiều thời gian, tiền bạc để chăm sóc, huấn luyện, nhất là lựa chọn thực đơn “sang chảnh” để “ông trâu” có thể lực tốt cùng sự dẻo dai tham dự và chiến thắng trong các kháp đấu tại hội chọi trâu.
Tùy theo sở thích và cơ địa của mỗi “ông trâu”, ngoài cỏ, chủ trâu còn cho ăn thêm cám gạo, mật ong, ngô, cháo trắng, khoai, mía, thậm chí cả sâm. Một số chủ trâu còn cho trâu uống nước lá chè xanh hái trên núi Ngọc ở phường Ngọc Xuyên. Trước khi bước vào lễ hội khoảng 3-4 tuần, cứ cách 2-3 ngày, chủ trâu cho trâu bồi bổ bằng mật gấu, cả dùng để uống và xoa bóp cơ bắp.
Thông thường, quãng thời gian từ khi mua được trâu chọi ưng ý đến khi tham dự lễ hội trung bình 10 tháng đến một năm. Tuy nhiên, tại lễ hội năm nay, “ông trâu” của chủ trâu Hoàng Gia Ivan, con trai của Nghệ nhân chọi trâu Hoàng Gia Bổn, ở phường Ngọc Xuyên, quận Đồ Sơn, Tp.Hải Phòng, được mua về nuôi từ năm 2018. Tính cả tiền mua trâu, thức ăn và thuê người chăm sóc suốt 5 năm qua, chủ trâu Hoàng Gia Ivan đã phải bỏ ra số tiền không dưới nửa tỷ đồng.
Sau sự cố trâu chọi húc chết chủ trâu tại Lễ hội chọi trâu Đồ Sơn năm 2017, UBND quận Đồ Sơn siết chặt công tác kiểm tra, đánh giá các “ông trâu” tham dự lễ hội để bảo đảm an toàn cho chủ trâu, du khách, người dân địa phương.
Nếu như những kỳ lễ hội trước, UBND quận Đồ Sơn chỉ tổ chức hai lần kiểm tra, đánh giá thì tại lễ hội năm nay, trước khi bước vào lễ hội, các “ông trâu” phải trải qua ba lần kiểm tra, đánh giá.
Ngoài ra, UBND quận Đồ Sơn yêu cầu 6/6 phường có trâu tham dự lễ hội trên địa bàn thường xuyên kiểm tra, đánh giá và sẵn sàng phương án thay thế những “ông trâu” có biểu hiện hung dữ, khó kiểm soát.
Theo tìm hiểu của chúng tôi, những kỳ lễ hội trước, ngoài các nghi lễ theo truyền thống và hội chọi trâu, ít có hoạt động khác bổ trợ để thu hút khách du lịch.
Để khắc phục điểm yếu này nhằm tăng sức hấp dẫn cho lễ hội, tại Lễ hội chọi trâu Đồ Sơn năm 2023, lần đầu tiên Ban Tổ chức Lễ hội phối hợp tổ chức một số hoạt động bên lề. Trong đó, có thể kể đến “Ngày hội khinh khí cầu”, “Ngày hội bia và ẩm thực truyền thống”, “Đêm nhạc danh ca Ngọc Sơn”, “Đêm nhạc dân gian sân đình”.
Theo thông tin từ UBND quận Đồ Sơn, tham dự hội chọi trâu năm nay có 16 “ông trâu” đến từ 6 phường trên địa bàn quận Đồ Sơn. Trong đó, đông nhất là phường Bàng La (4 trâu). Phường Vạn Hương và phường Hợp Đức mỗi phường có 3 trâu. Các phường còn lại, gồm Hải Sơn, Ngọc Xuyên, Minh Đức, mỗi phường có 2 trâu.
“Địa phương đã chuẩn bị những gì tốt nhất để người dân địa phương, du khách tham dự Lễ hội chọi trâu Đồ Sơn năm 2023 được thoải mái, vui vẻ, an toàn. Đồng thời, luôn lắng nghe các ý kiến tham gia, đóng góp để gìn giữ, phát huy nét đẹp truyền thống của lễ hội”, ông Phạm Hoàng Tuấn - Phó Chủ tịch UBND quận Đồ Sơn, Tp.Hải Phòng, Trưởng Ban Tổ chức Lễ hội chọi trâu Đồ Sơn năm 2023, chia sẻ.