Hải Phòng: “Nữ tướng” giúp đưa về những mùa vàng bội thu

Ngô Quang Thái

Ngô Quang Thái

Thứ 6, 20/10/2023 18:27

Với nhiều đóng góp nổi bật trong lĩnh vực nông nghiệp, chị Cao Thị Hằng - Giám đốc HTX Thắng Thủy đã được tặng danh hiệu “Công dân tiêu biểu thành phố Hải Phòng”.

Dũng cảm “bỏ phố, về quê”

Về xã Thắng Thủy, huyện Vĩnh Bảo, Tp.Hải Phòng những ngày cuối tháng 10/2023, dạo bước trên tuyến đê quốc gia trong gió Thu muộn phảng phất hơi lạnh, chúng tôi không khỏi ấn tượng với những vạt cúc dược liệu xanh mướt, trải dài tại khu vực bãi bồi ven sông Luộc.

Bên những luống cúc đều tăm tắp, nhấp nhô bóng người xới đất, bắt sâu, làm cỏ cùng tiếng cười nói rổn rang. Ai cũng vui mừng về vụ hoa cúc được dự báo “được mùa, được giá” sắp tới và cùng nhau chia sẻ kế hoạch, dự định dùng số tiền thu được từ bán hoa để sửa sang nhà cửa, mua sắm đồ đạc mới.

Dân sinh - Hải Phòng: “Nữ tướng” giúp đưa về những mùa vàng bội thu

Chị Cao Thị Hằng - Giám đốc HTX Thắng Thủy, huyện Vĩnh Bảo, Tp.Hải Phòng bên những luống cúc dược liệu được trồng trên vùng bãi bồi sông Luộc.

Theo sự chỉ dẫn của bà con nông dân, chúng tôi tìm về trụ sở HTX nông nghiệp và dịch vụ Thắng Thủy (HTX Thắng Thủy) gặp chị Cao Thị Hằng - Giám đốc HTX, người được nhắc đến nhiều nhất trong câu chuyện về hoa cúc nói riêng, về những đổi thay trên đồng đất Thắng Thủy những năm gần đây nói chung.

Bên ấm trà hoa cúc ấm nóng thơm lừng, chúng tôi lắng nghe những chia sẻ, tâm sự của chị Hằng về cuộc sống, về bao nỗi khó khăn, vất vả đưa “làn gió mát” về đồng đất quê hương, giúp nhiều người dân nơi đây thoát nghèo, vươn lên làm giàu.

Sinh ra và lớn lên trên quê hương Thắng Thủy, năm 2005, sau khi tốt nghiệp THPT, chị Hằng chọn thi vào Khoa Kế toán Trường cao đẳng Cộng đồng Hải Phòng. Ra trường năm 2008, như bao bạn bè khác, chị chọn bám trụ tại thành phố, làm việc cho một số công ty.

Chị Hằng kể lại, năm 2009, trong một lần về thăm quê, khi đi ngang qua khu vực trồng màu ven sông Luộc, thấy mọi người chăm chỉ làm đất chuẩn bị cho vụ rau màu mới, trong lòng chị dấy lên câu hỏi: Tại sao đồng đất quê hương màu mỡ, người dân ai cũng chăm chỉ, vất vả “một nắng, hai sương”, thế nhưng vẫn không thoát khỏi cái nghèo?

Rồi một hôm, đồng nghiệp trong công ty ai cũng “mắt tròn, mắt dẹt” khi thấy chị Hằng viết đơn xin nghỉ việc. Bỏ ngoài tai những lời xì xào, bàn tán cũng như khuyên can của bạn bè, chị Hằng trở lại quê hương.

Nữ Giám đốc HTX dám nghĩ, dám làm

Chị Hằng kể lại, thời gian đầu khi về nhà, chị phụ giúp bố mẹ canh tác hơn 1 mẫu ruộng ở 2 cánh đồng Đông Lôi 2 và Hà Phương 2 ở xã Thắng Thủy, huyện Vĩnh Bảo, Tp.Hải Phòng. Ruộng trong đê cấy lúa, ruộng đất bãi ngoài đê trồng rau màu. Nắng gió và công việc đồng áng vất vả khiến làn da trắng trẻo của cô gái quanh năm quen với việc học hành dần sạm đi, duy chỉ có đôi mắt sáng và nụ cười thân thiện là không mấy thay đổi.

Được người thân động viên, tháng 10-2013, chị Hằng quyết định vào làm kế toán tại HTX Thắng Thủy. Tháng 3-2017, khi HTX Thắng Thủy chuyển đổi mô hình hoạt động theo Luật HTX mới, chị Hằng được tín nhiệm bầu giữ chức vụ giám đốc HTX.

Đến nay, qua bàn tay lèo lái của chị Hằng, HTX Thắng Thủy trở thành một trong những HTX hoạt động hiệu quả nhất trên địa bàn huyện Vĩnh Bảo nói riêng, Tp.Hải Phòng nói chung.

Dân sinh - Hải Phòng: “Nữ tướng” giúp đưa về những mùa vàng bội thu  (Hình 2).

Du khách thăm quan vùng trồng cúc dược liệu ở xã Thắng Thủy, huyện Vĩnh Bảo, Tp.Hải Phòng.

Theo lời chị Hằng, bấy lâu nay, nhiều HTX trên địa bàn Tp.Hải Phòng vẫn chủ yếu chỉ kinh doanh dịch vụ nông nghiệp, như: bán phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, giống cây trồng, vật nuôi… theo nhu cầu của nông dân, ít quan tâm đến nghiên cứu, phân tích thị trường, để lựa chọn cây trồng, vật nuôi phù hợp với nhu cầu thị trường. Vì thế, sản xuất nông nghiệp thường rơi vào tình trạng “được giá, mất mùa/ Được mùa, mất giá”.

Trước thực trạng này, ngay sau khi được bầu giữ chức Giám đốc HTX Thắng Thủy, chị Hằng tổ chức họp Ban Giám đốc mở rộng, bàn phương án kinh doanh hiệu quả cao, tìm đầu ra cho nông sản sẵn có, phát triển các loại nông sản mới có giá trị kinh tế cao, phù hợp thổ nhưỡng, khí hậu địa phương. Các thành viên ban giám đốc cũng như các thành viên HTX có năng lực, chuyên môn, nhiệt huyết được phân công công việc, lĩnh vực cụ thể.

Trước thực tế nông dân địa phương chủ yếu mua giống khoai tây của thương lái không rõ nguồn gốc, không bảo đảm chất lượng, năm 2017, chị Hằng cho phát triển hệ thống kho đông lạnh trữ khoai tây giống với sức chứa hơn 35 tấn. Từ đó đến nay, HTX Thắng Thủy bảo đảm nguồn giống khoai tây chất lượng cao cho các thành viên trong HTX và nông dân các vùng lân cận. Đây cũng là dịch vụ đem lại khoản thu ổn định cho HTX với doanh thu hơn 100 triệu đồng/năm, lợi nhuận hơn 60 triệu đồng/năm.

Nhận thấy liên kết từ sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm theo chuỗi giá trị là một trong những yếu tố quan trọng giúp sản xuất nông nghiệp bảo đảm tính bền vững, chị Hằng phân công các thành viên HTX tổ chức thu mua nông sản tại ruộng rồi bán tại chợ đầu mối.

Khi có trong tay vốn, chị mạnh dạn làm việc, ký hợp đồng bao tiêu sản phẩm với các công ty xuất khẩu nông sản, thực phẩm, như: Công ty TNHH thực phẩm xanh Kỳ Duyên Việt Nam, Công ty CP nông sản Tiến Vua, Công ty TNHH MTV Hưng Việt, HTX Tiến Triển, HD Farm, đưa nhiều loại nông sản, như: bí, bắp cải, ớt, khoai tây… của bà con nông dân Thắng Thủy vươn ra thị trường quốc tế, trong đó có những thị trường rất khó tính như: Nhật Bản, Hàn Quốc.

Nhờ có đầu ra ổn định với mức giá cao, sản xuất nông nghiệp ở Thắng Thủy có nhiều thay đổi. Trong đó, rõ nhất là từ sản xuất manh mún nhỏ lẻ, tự phát, phương thức canh tác chủ yếu thủ công, đến giờ, hình thành vùng sản xuất hàng hóa tập trung áp dụng cơ giới hóa.

Tạo “sức bật” từ trồng cúc dược liệu

Một trong những việc làm thành công nhất của vị nữ giám đốc HTX thế hệ 8X trong thời gian qua là phủ xanh khu vực đất bãi bồi rộng hơn 25 ha ven sông Luộc ở xã Thắng Thủy, huyện Vĩnh Bảo, Tp.Hải Phòng bằng những vạt hoa cúc dược liệu, đưa loại cây trồng mới này trở thành cây trồng chủ lực, đem lại nhiều hy vọng giúp người dân vươn lên làm giàu chính đáng trên đồng đất quê hương.

Chị Hằng kể, năm 2016, một số người dân Thắng Thủy mạnh dạn đưa giống cúc dược liệu từ Hưng Yên về trồng. Hợp với thổ nhưỡng và khí hậu, cây phát triển rất tốt. Thế nhưng, việc bảo quản cũng như đầu ra cho sản phẩm “có vấn đề”. Trong đó, lo ngại nhất là một số hộ vẫn dùng diêm sinh (lưu huỳnh) sấy hoa khô.

Theo các nhà khoa học, dùng cách này chi phí thấp nhưng sản phẩm độc hại cho người dùng. Tiếp đến, trồng hoa cúc cũng không thoát khỏi cảnh “được mùa, mất giá/ Được giá, mất mùa”. Có thời điểm thương lái ép giá xuống dưới 5.000 đồng/kg hoa tươi, khiến 1 sào hoa cúc không mua nổi 2 tạ thóc.

Thấy nhiều người toan chặt bỏ hoa cúc quay lại cấy lúa, trồng rau như trước, chị Hằng cũng như các thành viên trong ban giám đốc HTX cùng họp bàn tìm cách “giải cứu”. Tháng 10- 2019, chị Hằng đi xe máy chở theo 10 kg hoa cúc tươi đến sấy nhờ theo công nghệ sấy lạnh tại một đơn vị thuộc Sở Khoa học - Công nghệ Hải Phòng.

Qua 2 mẻ sấy thử, 10 kg cúc tươi cho ra 2 kg cúc khô. Thấy sản phẩm giữ được màu sắc, hương thơm, không độc hại, hiệu quả hơn cả sấy bằng diêm sinh, nhận mẻ hoa cúc khô với đôi tay run run, chị Hằng nghẹn ngào không nói lên lời. “Đến bây giờ tôi vẫn không quên được cảm giác ấy. Tôi chỉ muốn nhảy lên và hét to: “Ơ-rê-ka” (tìm ra rồi!)”, chị Hằng chia sẻ.

Dân sinh - Hải Phòng: “Nữ tướng” giúp đưa về những mùa vàng bội thu  (Hình 3).

Bà con nông dân xã Thắng Thủy, huyện Vĩnh Bảo, Tp.Hải Phòng thu hoạch cúc dược liệu.

Công nghệ sấy lạnh là chìa khóa then chốt giải bài toán đầu ra cho hoa cúc dược liệu ở xã Thắng Thủy. Đến nay, diện tích trồng hoa từ vài sào năm 2016 được mở rộng lên hơn 25 ha. Vụ hoa cúc năm 2022 từ đầu tháng 10 âm lịch đến hết năm, HTX Thắng Thủy thu mua hơn 30.000 - 60.000 đồng/kg hoa cúc tươi. Mỗi sào hoa cúc đem lại cho nông dân thu nhập khoảng triệu đồng/vụ, gấp cả chục lần so với cấy lúa.

Tuy nhiên, chị Hằng cũng như các thành viên HTX Thắng Thủy chưa có niềm vui trọn vẹn, bởi họ vẫn phải thuê xe ô tô tải chở hoa cúc tươi sấy dịch vụ tại địa phương khác.

Chị Hằng cho biết, HTX Thắng Thủy đã đề xuất huyện Vĩnh Bảo, Sở Khoa học - Công nghệ Hải Phòng giúp đỡ xây dựng lò sấy lạnh với công suất 1 - 2 tấn/mẻ. Nếu có lò sấy lạnh, không chỉ mở rộng diện tích hoa cúc, Thắng Thủy còn có thể trồng thử nghiệm nhiều loại cây dược liệu đem lại hiệu quả kinh tế cao như cà gai leo... Khi đó, không chỉ hơn 100 hộ trồng hoa cúc như hiện nay, mà hàng nghìn hộ khác có cơ hội làm giàu trên đồng đất quê hương.

Với nhiều thành tích xuất sắc, năm 2019, HTX Thắng Thủy được Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp - Phát triển nông thôn, Liên minh HTX Việt Nam tặng bằng khen. Cá nhân chị Cao Thị Hằng, từ năm 2017 đến nay nhiều lần được tặng bằng khen của Chủ tịch UBND Tp.Hải Phòng.

Đặc biệt, với nhiều thành tích xuất sắc, nổi bật trong lĩnh vực nông nghiệp, năm 2022, chị Cao Thị Hằng là một trong 8 cá nhân được ông Nguyễn Văn Tùng - Chủ tịch UBND Tp.Hải Phòng ký quyết định tặng danh hiệu “Gương mặt tiêu biểu thành phố Hải Phòng”.

Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên. Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.
Đã tặng: 0 star
Tặng sao cho tác giả
Hữu ích
5 star
Hấp dẫn
10 star
Đặc sắc
15 star
Tuyệt vời
20 star

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bình luận không đăng nhập

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.