Mới đây, UBND Tp.Hải Phòng công bố cụ thể các khoản và mức thu dịch vụ hỗ trợ hoạt động giáo dục và yêu cầu các trường công lập chỉ được thực hiện thu trong danh mục này.
UBND Tp.Hải Phòng vừa ban hành kế hoạch thực hiện Nghị quyết của HĐND TP quy định danh mục các khoản thu và mức thu, cơ chế quản lý thu chi đối với các dịch vụ hỗ trợ hoạt động giáo dục, đào tạo đối với cơ sở giáo dục công lập trên địa bàn.
Theo đó, cơ sở giáo dục công lập chỉ được thực hiện thu đối với danh mục các khoản thu và mức thu dịch vụ hỗ trợ hoạt động giáo dục và đào tạo được quy định.
Các khoản dịch vụ hỗ trợ hoạt động giáo dục đối với các cơ sở giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông tối đa không được vượt mức trần học phí được quy định tại Nghị định số 81 của Chính phủ quy định về cơ chế thu, quản lý học phí đối với cơ sở giáo dục thuộc hệ thống giáo dục quốc dân và chính sách miễn, giảm học phí, hỗ trợ chi phí học tập; giá dịch vụ trong lĩnh vực giáo dục, đào tạo.
Các khoản thu, mức thu phải phù hợp với tình hình thực tế của các cơ sở giáo dục, điều kiện kinh tế - xã hội, thu nhập của cha mẹ học sinh; đảm bảo nguyên tắc thu, chi, đúng mục đích, tiết kiệm, hiệu quả.
UBND Tp.Hải Phòng yêu cầu việc thu, chi các khoản thu dịch vụ, hỗ trợ hoạt động giáo dục, đào tạo phải bảo đảm thu vừa đủ chi; chi đúng mục đích; mang tính chất phục vụ. Đặc biệt, không nhất thiết thu đầy đủ các khoản nói trên.
Cụ thể, các khoản thu theo kỳ gồm: Mua sắm trang thiết bị phục vụ bán trú; học và thi nghề phổ thông; nước uống.
Các khoản thu theo tháng gồm: Tiền ăn; hỗ trợ người nấu ăn, người chăm ăn, trông trưa, công tác quản lý; quản lý trẻ/học sinh ngoài giờ hành chính; ngày thứ 7 cho trẻ mầm non; trông xe; dạy học 2 buổi/ngày đối với học sinh tiểu học; học thêm.
Bên cạnh đó, phải bảo đảm nguyên tắc thu, chi; không được điều chuyển từ khoản thu này sang khoản thu khác. Cuối năm học nếu chi không hết, phải trả lại cho cha mẹ học sinh hoặc chuyển sang năm học sau nếu cha mẹ học sinh đồng ý.
Khi thực hiện các khoản thu đối với những nội dung đã được ngân sách nhà nước cấp hỗ trợ hoặc đã được bố trí từ nguồn kinh phí khác, mức thu phải được giảm trừ sau khi tính toán số kinh phí đã được bố trí trong dự toán của đơn vị.
Để năm học mới diễn ra theo đúng kế hoạch và mục tiêu, UBND Tp.Hải Phòng yêu cầu sở GD&ĐT là cơ quan chủ trì, phối hợp với các sở, ban, ngành liên quan, UBND các quận, huyện trong việc tổ chức triển khai thực hiện Nghị quyết số 02/2022/NQ-HĐND, để hướng dẫn các cơ sở giáo dục thu đúng, thu đủ.
“Các cơ sở giáo dục công lập không được thỏa thuận các khoản thu dịch vụ hỗ trợ hoạt động giáo dục, đào tạo khác ngoài các khoản thu được quy định tại Nghị quyết số 02/2022/NQ-HĐND” – bản kế hoạch nêu rõ.
Trước đó, Nghị quyết số 02/2022/NQ-HĐND của HĐND Tp.Hải Phòng quy định 8 danh mục các cơ sở giáo dục được thu tiền cha mẹ học sinh gồm: Tiền ăn bán trú, chăm sóc bán trú, dạy học ngày 2 buổi, học thêm (với các cha mẹ có nhu cầu), học nghề phổ thông, thi nghề, nước uống và trông xe. Trong đó, các mục được quy định rõ số tiền cho từng cấp học, địa phương.
Theo thống kê của Sở GD&ĐT Hải Phòng, năm học mới 2022-2023, toàn thành phố có khoảng 500.000 học sinh bước vào năm học mới; toàn ngành có khoảng 29.500 thầy, cô giáo.
Trước năm học mới, các cơ sở giáo dục rà soát, bổ sung trang thiết bị dạy học; đầu tư sửa chữa, xây mới các phòng học, nhà công vụ, với tổng mức đầu tư hàng trăm tỷ đồng. Qua đó, góp phần hoàn thiện cơ sở hạ tầng giáo dục, bảo đảm khuôn viên, cảnh quan, môi trường sư phạm xanh - sạch – đẹp, an toàn đối với giáo viên và học sinh. Ngành đẩy mạnh công tác tập huấn, bồi dưỡng nghiệp vụ giáo viên và cán bộ quản lý giáo dục, bổ sung giáo viên môn tiếng Anh, Tin học dạy tiểu học đối với những trường còn thiếu nhằm bảo đảm thực hiện Chương trình Giáo dục phổ thông 2018 đạt hiệu quả cao.
Trúc Chi (t/h theo Vietnamnet, Lao Động, Giáo Dục Việt Nam)